Thứ bảy, 27/04/2024 | 01:28 GMT+7

Lợi ích kép từ mô hình khí sinh học ở Ninh Bình

15/10/2013

Sử dụng hầm khí sinh học (biogas) không chỉ giải quyết vấn đề về chất thải gây ô nhiễm môi trường mà còn giúp người nông dân tiết kiệm được chi phí điện, gas.

Sử dụng hầm khí sinh học (biogas) không chỉ giải quyết vấn đề về chất thải gây ô nhiễm môi trường mà còn giúp người nông dân tiết kiệm được chi phí điện, gas. Nhiều mô hình khí sinh học đã áp dụng thành công tại Ninh Bình.

Để phát triển kinh tế, cải thiện đời sống cho người nông dân, sản xuất nông nghiệp tỉnh Ninh Bình đã phát triển theo hướng kinh tế trang trại, chăn nuôi quy mô lớn. Không thể phủ nhận những hiệu quả kinh tế mà mô hình này mang lại, tuy nhiên kéo theo đó là sự đe dọa về môi trường do lượng chất thải chăn nuôi ngày càng tăng. Để giải quyết vấn đề này, đồng thời tìm ra một nguồn năng lượng sạch cho người nông dân, xây dựng hầm biogas là một trong những giải pháp của Ninh Bình.

Theo bà Bùi Thị Bốn - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Ninh Bình, mặc dù hầm biogas mang lại nhiều lợi ích nhưng không phải người dân nào cũng sẵn sàng xây dựng và sử dụng hầm, do chi phí xây dựng lớn và người dân chưa quen với việc sử dụng.

409d72eec_khisinhhoc910131_1.jpg

Sử dụng mô hình khí sinh học không chỉ giúp xử lý chất thải mà còn được tận dùng để thắp sáng trong trang trại

Vì vậy, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Ninh Bình đã phối hợp với Hội Nông dân, Hội Phụ nữ đẩy mạnh thông tin tuyên truyền, vận động người dân xây dựng công trình khí sinh học thông qua các buổi tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, cử cán bộ đi đào tạo lớp kỹ thuật viên do Văn phòng khí sinh học Trung ương tổ chức… Bên cạnh đó, mỗi hộ gia đình cũng được hỗ trợ từ 1 - 1,2 triệu đồng/hầm biogas. 

Sử dụng hầm khí sinh học có thể tiết kiệm gas cho đun, nấu hay tiền điện thắp sáng. Ngoài ra, do chất thải sau khi phát điện có thể dùng để làm phân bón nên mỗi hầm khí sinh học còn có thể tiết kiệm gần 300.000 đồng chi phí phân bón cho 1ha lúa. Đồng thời, hạn chế côn trùng phát triển, giảm dịch hại từ 80-85%, nâng cao chất lượng sản xuất và bảo vệ sức khỏe người dân. Đặc biệt, về mặt xã hội và môi trường, chất thải chăn nuôi được xử lý đã hạn chế cơ bản ô nhiễm môi trường nông thôn, tạo bếp đun không khói bụi, sạch sẽ, tiết kiệm thời gian.

Nuôi hơn 1.000 con gia cầm, trước khi có hầm khí sinh học, mỗi tháng, gia đình chị Bùi Thị Hường – xã Khánh Lợi – huyện Yên Khánh – tỉnh Ninh Bình tiêu tốn khoảng 500.000 đồng tiền điện để ấp trứng, sưởi ấm cho gà cũng như sử dụng cho các nhu cầu khác của gia đình và trang trại. Đáng lo ngại hơn, chỉ một phần lượng chất thải khổng lồ từ đàn gia cầm được sử dụng để bón ruộng, còn lại đổ ra ao, kênh, gây mùi rất khó chịu. Từ khi xây dựng hầm biogas, hệ thống không những giúp xử lý chất thải, ấp trứng vịt lộn, sưởi ấm cho gà, vịt con mới nở mà còn giúp gia đình chị Bùi Thị Hương tiết kiệm được tiền điện hàng tháng do toàn bộ hệ thống điện thắp sáng trong trang trại đều tận dụng từ biogas.

Tương tự gia đình chị Hường, với trang trại 200 con lợn, sau khi xây hầm biogas, gia đình chị Phạm Thị Thắm – xã Khánh Công – Yên Khánh – Ninh Bình đã giải quyết được hết lượng chất thải từ lợn, bên cạnh đó còn tiết kiệm được khoảng 300.000 đồng/tháng tiền mua nhiên liệu để đun nấu và thắp sáng. “Bây giờ ra đường không còn cảnh chất thải động vật vương vãi, gây mùi khó chịu, ảnh hưởng đến môi trường sống” – chị Thắm vui vẻ chia sẻ.

Thống kê của Văn phòng Khí sinh học tỉnh Ninh Bình:

Ninh Bình hiện có gần 5.000 công trình khí sinh học

Tiết kiệm trên 40.000 kg gas công nghiệp dùng cho đun, nấu. 

Tiết kiệm được 45% lượng điện năng thắp sáng, tương đương khoảng 350.000 kWh.

Với mỗi hầm biogas, trung bình mỗi hộ gia đình tiết kiệm được khoảng 5 triệu đồng/năm tiền mua chất đốt và điện để thắp sáng. 


Theo Tietkiemnangluong.vn