Thứ hai, 29/04/2024 | 03:55 GMT+7

Vinacomin: Tiềm năng tiết kiệm năng lượng lớn

18/05/2013

Kết quả kiểm toán năng lượng tại các đơn vị trong Tập đoàn Công nghiệp - Than khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) cho thấy, tiềm năng tiết kiệm năng lượng của các đơn vị này là khá lớn.

Kết quả kiểm toán năng lượng tại các đơn vị trong Tập đoàn Công nghiệp - Than khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) cho thấy, tiềm năng tiết kiệm năng lượng của các đơn vị này là khá lớn. Trong đó, riêng khối sản xuất than hầm lò có thể tiết kiệm 25,7 tỷ đồng/năm.
 
 c1731339d_vianacominh.jpg

Từ năm 2005, lãnh đạo Vinacomin đã giao Viện Khoa học- Công nghệ mỏ- Vinacomin thực hiện đánh giá, kiểm toán năng lượng cho tất cả các đơn vị thuộc các lĩnh vực: Khai thác than hầm lò, than lộ thiên, sàng tuyển than, sản xuất cơ khí, các đơn vị vận tải, khai thác- chế biến khoáng sản. Mục đích của việc kiểm toán năng lượng là đánh giá tình hình sử dụng năng lượng của các loại hình sản xuất tiêu biểu, từ đó xác định được các khu vực có tiềm năng tiết kiệm năng lượng.

Kết quả kiểm toán năng lượng tại các đơn vị như: Than Mạo Khê, Nam Mẫu, Vàng Danh, Mông Dương, Dương Huy, Núi Béo, Cọc Sáu, Cao Sơn, Hà Tu; tuyển Hòn Gai, Cửa Ông; công ty Chế tạo máy- Vinacomin; công ty Vận tải và Xếp dỡ; công ty Luyện đồng Lào Cai… cho thấy: Nếu áp dụng triệt để một số giải pháp, năng lượng tiết kiệm được của các đơn vị là không nhỏ; không chỉ góp phần tiết kiệm chi phí, mà còn giảm một lượng lớn khí CO2 ra môi trường.

Theo ThS Vũ Thế Nam - Viện Khoa học - Công nghệ mỏ- Vinacomin, với điện năng tiêu thụ cho khối sản xuất than hầm lò hiện nay là 263.812.173 kWh/năm, khi áp dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng, có thể tiết kiệm từ 6- 14,7% tổng điện năng tiêu thụ (khoảng 28.465.333 kWh/năm, tương đương 25,7 tỷ đồng/năm); giảm được chi phí nâng công suất của các nhà máy điện, giảm phát thải 15.798,3 tấn khí CO2/năm ra môi trường. Đặc biệt, với việc ngành than tiến tới sẽ đóng cửa dần các mỏ than lộ thiên, tập trung vào than hầm lò, thì việc tiết kiệm điện năng của khối sản xuất than hầm lò, sẽ mang lại hiệu quả không nhỏ cho ngành than.

Theo các chuyên gia, bên cạnh các thiết bị truyền động điện có chỉ tiêu năng lượng cao (biến tần, khởi động mềm, GPS, PLC…), các đơn vị cần lập dự án đầu tư, triển khai lắp đặt và đưa vào vận hành các thiết bị tiết kiệm năng lượng một cách tổng thể; đồng thời áp dụng rộng rãi mô hình quản lý, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả trong các đơn vị của tập đoàn.

Với khối lượng điện năng tiêu thụ là 156,919 triệu kWh/năm, các đơn vị sản xuất than lộ thiên có thể tiết kiệm khoảng 11,1 triệu kWh/năm (tương đương 10,17 tỷ đồng/năm). Đồng thời, với khoảng 179.663.814 lít dầu/năm phục vụ sản xuất, mỗi năm có thể tiết kiệm được khoảng 22,49 tỷ đồng; đưa tổng chi phí tiết kiệm lên khoảng 32,66 tỷ đồng/năm, giảm phát thải 6.174,7 tấn khí CO2/năm ra môi trường.

Kết quả kiểm toán cũng cho thấy, mặc dù điện năng tiêu thụ cho các đơn vị sàng tuyển than “khiêm tốn” hơn, khoảng 49.023.319 kWh/năm, nhưng tiềm năng tiết kiệm của khối sàng tuyển có thể đạt từ 10-14%, con số điện năng tiết kiệm được vào khoảng 4,9 triệu kWh/năm, tương đương 4,48 tỷ đồng/năm.

Bên cạnh đó, các đơn vị sản xuất cơ khí, tiềm năng tiết kiệm vào khoảng 10-12% (khoảng 1,8 triệu kWh/năm, tương đương 1,82 tỷ đồng/năm); các đơn vị sản xuất khai thác khoáng sản, tiềm năng tiết kiệm có thể đạt tới 7% điện năng tiêu thụ. Với các đơn vị vận tải kinh doanh, nếu áp dụng các giải pháp như: sử dụng cây xăng di động cấp nhiên liệu cho các xe bánh xích tại khai trường, mỗi năm có thể tiết kiệm 1% nhiên liệu tiêu thụ (1,9 triệu lít dầu và 50.000 lít xăng).
 
Theo Công Thương Online