Thứ sáu, 26/04/2024 | 16:59 GMT+7

Công ty nước giải khát Đức tiết kiệm năng lượng nhờ áp dụng công nghệ hiện đại

06/02/2015

Một loại máy thổi - đúc mới cho phép công ty sản xuất nước giải khát của Đức tiết kiệm đáng kể tiêu thụ năng lượng trong khi cải thiện năng suất, hiệu quả và giảm thiểu chi phí.

Công ty nước giải khát Rheinisch-Bergischer Mineralbrunnen-Vetrieb GmbH & Co KG và Christinen Đức, chuyên sản xuất nước khoáng thiên nhiên chứa carbonated “từ một trong những nguồn nước ngầm sâu nhất thế giới” cùng 12 loại nước hoa quả và sô-da khác. Sản phẩm của công ty này được phân phối trên khắp các tỉnh thành thuộc vùng Bắc Rhine – Westphalia của nước Đức thông qua một mạng lưới rộng gồm các hộ bán lẻ thực phẩm, nhà hàng, khách sạn, quán cà phê, văn phòng và nơi làm việc.

Một trong những tiêu điểm mà công ty nước giải khát này vô cùng quan tâm là trách nhiệm đối với môi trường. Năm 2014, Christinen đã nhận được chứng nhận chất lượng sinh khoáng của Đức và tham gia tích cực vào Liên minh Bảo vệ Nước, một nhóm vận động hành lang cho việc chấm dứt sử dụng công nghệ bẻ gãy thuỷ lực “fracking”. Rõ ràng, thực hiện sản xuất bền vững là một điều hết sức quan trọng đối với các doanh nghiệp.

Cơ sở đóng gói của công ty ở Bielefeld đang vận hành 3 dây chuyền rót với công suất khoảng 30.000 chai/giờ. Năm 2013, công ty đã thực hiện thay thế 1 trong 3 dây chuyền sử dụng công nghệ thổi – đúc nói trên bằng một dây chuyền sử dụng công nghệ mới nhằm tăng tốc độ, giảm thiểu tiêu thụ năng lượng, chuyển đổi nhanh hơn và dễ thích ứng với trọng lượng chai nhẹ hơn trong tương lai.

Loại máy mới được sử dụng là máy thổi – đúc SBO16 Universal 2 Eco của Sidel, với tính năng đèn lò tiết kiệm năng lượng. “Ý thức về môi trường và phát triển bền vững là những giá trị quan trọng của công ty chúng tôi,” Tiến sĩ Paul Gehring, Giám đốc kiêm Chủ sở hữu Công ty Rheinisch-Bergischer khẳng định. “Công nghệ Universal Eco cho phép chúng tôi giảm thiểu mức tiêu thụ năng lượng của mình.”

Thiết kế lò mới

Loại máy SBO16 Universal 2 Eco được lắp đặt tại cơ sở Christinen gồm 16 trạm thổi – đúc và có thể sản xuất đến 35.200 chai/giờ theo quy chuẩn nhựa PET – dung tích 0,5 lít của công ty. Trong tương lai, máy cũng sẽ thổi – đúc các loại chai nhựa PET có dung tích lớn hơn: 1, 1,5 và 2 lít.

Theo giải thích của Tiến sĩ Gehring, tính năng chính khiến cho loại máy này hoàn toàn phù hợp với nhu cầu của công ty là “lò tiết kiệm năng lượng và những cửa sổ vận hành lớn chưa từng có”.

Và rất nhiều cải tiến

Theo Tiến sĩ Gehring, những cải tiến vượt trội của loại máy thổi – đúc đời mới so với các dòng máy cũ hơn bao gồm sử dụng ít lao động, năng suất, hiệu năng và chất lượng tốt hơn đáng kể trong khi chi phí lại thấp hơn. “Đối với nguồn lao động dư thừa, giờ đây, công ty chúng tôi sẽ tiếp tục đưa vào vận hành một máy thổi – đúc thứ hai”, ông cho biết thêm. “Năng suất của chúng tôi đã tăng đáng kể nhờ sản lượng do loại máy mới sản xuất cao hơn nhiều so với trước, đồng thời việc đưa các công nghệ mới vào sản xuất cũng giúp cải thiện đáng kể hiệu năng. Ngoài ra, chi phí sửa chữa và các chi phí cải biến khác cũng giảm mạnh.”

So với dòng máy SBO Universal 2 năm 2014, các loại máy tiết kiệm năng lượng đời mới “Eco” với lò tiết kiệm năng lượng “Ecoven” được cho là có thể giảm thiểu năng lượng tiêu thụ lên đến 45%.

Cụ thể, năng lượng tiết kiệm có thể được thực hiện thông qua những thay đổi trong cấu hình lò giúp tiêu thụ điện trong thời gian cài đặt lò thấp hơn đến 40% và thời gian đun nóng thấp hơn đến 15% so với trước. Dòng máy tiết kiệm năng lượng này cũng sử dụng ít mô-đun và số đèn trong một mô-đun hơn (8 đèn so với 9 đèn trước đây). Điều này cũng khiến cho diện tích lò nhỏ hơn. Theo Sidel, công ty sản xuất, độ chính xác cao hơn trong việc xử lý nhiệt phôi đảm bảo rằng các chai có các đặc tính kỹ thuật và chất lượng đồng đều, đáp ứng đúng yêu cầu của các công ty đã từng sử dụng dòng sản phẩm SBO truyền thống của họ.

Anh Tuấn (Theo Pack World)