Thứ bảy, 20/04/2024 | 04:46 GMT+7

'Ảo thuật' với đồ điện để tiết kiệm chi phí

13/05/2010

Thay vì mua quạt hơi nước tốn hết cả triệu đồng, Quyên đặt chậu nước trước quạt máy và để ở chế độ quay thấp. Ngày nắng nóng, chiếc quạt hơi nước tự tạo này giúp cô sinh viên có thể giảm nhiệt mà lại giảm chi phí.

Thay vì mua quạt hơi nước tốn hết cả triệu đồng, Quyên đặt chậu nước trước quạt máy và để ở chế độ quay thấp. Ngày nắng nóng, chiếc quạt hơi nước tự tạo này giúp cô sinh viên có thể giảm nhiệt mà lại giảm chi phí.

 

Không ít nữ sinh viên ở trọ, hầu bao khiêm tốn luôn tìm cách giảm chi phí bằng sự sáng tạo trong cách sử dụng điện. Quyên, sinh viên năm II, Đại học Khoa học tự nhiên TP HCM bật mí: "Mùa nóng, mình dùng giải pháp đặt thau nước trước quạt máy ở chế độ thấp, giống như cơ chế quạt hơi nước. Phòng trọ vẫn mát vì được hơi nước bốc lên làm dịu đi cái nóng. Nếu bật quạt hết công suất thì chưa chắc đã dễ chịu, cuối tháng còn è cổ trả tiền điện".


Tiet kiem dien la do y thuc 01.jpg

Quyên giải thích thêm, quạt máy thông thường giá chỉ hơn 100 nghìn đồng một cái, đặt thau nước phía trước không tốn một xu là có được không gian dễ chịu, trong khi đó, quạt hơi nước loại vừa phải có giá hơn một triệu đồng, quá xa xỉ với sinh viên nghèo.

Còn bạn Thùy, sinh viên Đại học Mở TP HCM không ngần ngại chia sẻ bí quyết tiết kiệm điện đã tích lũy được trong quá trình ở trọ. Đó là dùng đèn huỳnh quang tuýp gầy loại 6 tấc trong phòng trọ; buổi tối học bài dùng đèn bàn bóng nhỏ vừa đủ ánh sáng cho một người; ban ngày mở cửa đón ánh sáng tự nhiên, không bật đèn; nồi cơm điện dùng loại nhỏ nhất vì chỉ có một mình...


Khảo sát của VnExpress.net, trong hai ngày thăm dò ý kiến của gần 500 độc giả về mối quan tâm tiết kiệm điện ở chỗ nào trong nhà, tỷ lệ hạn chế dùng điện ở hệ thống chiếu sáng đạt 37,3%; 29% ý kiến cho biết dùng điện tiết kiệm ở trong phòng khách, còn ở khu vực nhà bếp chỉ 16% ý kiến.


Đáng chú ý là tỷ lệ không quan tâm đến việc tiết kiệm điện chiếm hơn 16%. Nhiều chị em cắm bình thủy điện 24/24h, quạt máy mở hết công suất, nồi cơm điện để chế độ hâm từ sáng đến trưa, cho tất cả quần áo vào máy giặt rồi bấm nút...


Lúc sinh bé Na, chị Thanh Ngọc, bán tiệm tạp hóa và làm nội trợ tại nhà (quận 3, TP HCM) được ông xã ưu ái tặng chiếc bình thủy điện tiện lợi để chăm cô công chúa. Từ việc pha sữa, khuấy bột đến tắm táp cho con đều cần nước nóng nên chị Ngọc luôn để bình thủy điện ở chế độ sôi cả ngày. Cách dùng bình thủy điện kiểu này diễn ra suốt một năm, trở thành nề nếp trong nhà đến độ không bỏ được.


Khi được người nhà đề nghị nên thay đổi cách sử dụng và chỉ cắm phích trong những giờ cần nước nóng như sáng sớm, xế trưa và chiều tối, chị Ngọc lắc đầu: "Tôi muốn nước nóng phải luôn sẵn sàng để chăm bé tốt hơn. Mỗi lần cần dùng, tôi không thể chờ đến lúc nước sôi trong khi cháu quấy khóc vì đói".


Theo các chuyên gia, trên thực tế, chị Ngọc chỉ cần tinh ý ghi chú lại giờ ăn, ngủ, tắm và vui chơi của con là có thể điều chỉnh lượng nước nóng cần thiết cho bé mà không cần đun nước ở nhiệt độ cao suốt 24 tiếng đồng hồ. Cách làm của bà nội trợ này vô tình tạo một thói quen lãng phí điện không cần thiết cho cả gia đình.


Còn nhà chị Nhật Hạ, quận Tân Phú, lại gặp rắc rối vì người giúp việc từ miền Trung vào không quen sử dụng đồ điện gia dụng, nhớ trước quên sau. Đầu tiên là nồi cơm điện bắc lên từ sáng cho cả nhà và cứ thế để chế độ hâm tận bữa ăn trưa. Đến máy giặt, dù đồ đạc đã được phân loại (cứng và mềm) chia thành 2 đợt nhưng người giúp việc cho tất cả vào làm một đợt cho tiện. Chị Hạ than vãn: "Có lẽ phải mất độ một tháng mới có thể hướng dẫn cho dì Ba cách tiết kiệm điện sao cho hợp lý và hiệu quả".


Một trường hợp khác, vợ chồng chị Kiến vừa cưới và ra riêng được một năm, ở chung cư Ngô Tất Tố, quận Bình Thạnh. Cả hai đưa nhau đi mua tủ lạnh mới loại 250 lít. Người bán hàng khuyên, với gia đình hai người chỉ nên dùng tủ lạnh 100 lít là tiện nhất, để công suất phù hợp với nhu cầu, nhưng chị Kiến nhất quyết muốn tậu tủ lạnh to. Theo cặp vợ chồng son này, chi phí tiền điện không thành vấn đề, mà tính năng của thiết bị điện mới là yếu tố quyết định.


Chị Thúy Vy ngụ quận Gò Vấp thì gặp rắc rối ở chỗ, chị cho phép con gái mở máy lạnh trong phòng riêng, chỉ một đêm thì cháu bị viêm họng. Đến khi đi khám bệnh, bác sĩ hỏi nguyên nhân mới phát hiện cháu để máy điều hòa 19oC cả đêm vì trời quá nóng. Trường hợp này, ngoại trừ tác hại xấu đến sức khỏe, chị Vy còn một thiếu sót nữa là chưa huấn luyện con gái cách sử dụng máy điều hòa sao cho tiết kiệm điện.


Trưởng ban cố vấn Trung tâm tiết kiệm năng lượng TP HCM Phạm Huy Phong cho biết: "Giá điện, nước và xăng dầu đều tăng gây sức ép lên đời sống của nhiều gia đình, song cũng tạo phản xạ tích cực, khuyến khích mọi người tiết kiệm năng lượng, đặc biệt là tiết kiệm điện".


Tuy nhiên, theo ông Phong, ý thức tiết kiệm điện vẫn còn phải mất ít nhất 1-2 thế hệ nữa mới cải thiện đáng kể. Bởi lẽ, hiện nay, đại đa số những người có khả năng tài chính vẫn chú trọng đến tính năng kỹ thuật của thiết bị điện và sử dụng máy móc sao cho cảm thấy thoải mái nhất. Chỉ có những người khả năng tài chính hạn chế mới ngán ngại khoản chi phí do năng lượng, đặc biệt là điện, mới bị áp lực và có ý thức tiết kiệm điện triệt để.


Ông Phong phân tích, ý thức tốt không thôi chưa đủ mà cần phải có cách thực hiện đúng mới tiết kiệm điện hiệu quả. Muốn vậy, từ khâu chọn lựa sản phẩm đến lắp đặt, cách thức sử dụng và thói quen tiết kiệm điện phải nhất quán ngay từ đầu.


Chuyên gia này đưa ra lời khuyên, ngay từ khâu bắt đầu chọn lựa sản phẩm, thiết bị điện, cần chú ý một số tiêu chí: chỉ mua thiết bị có kích cỡ và công suất phù hợp với nhân khẩu trong nhà; chọn sản phẩm có tem tiết kiệm năng lượng; lắp đặt đúng kỹ thuật; bảo quản bảo trì định kỳ; xem hướng dẫn sử dụng trước khi dùng và tắt thiết bị khi không dùng đến.


"Tiết kiệm năng lượng không phải là một sự thúc ép, bắt buộc mà phải thực sự đi từ ý thức đến hành động. Trong trường hợp người dân không đồng thuận thì quá trình tuyên truyền, thuyết phục phải kéo dài hơn và vất vả hơn mới đạt được kết quả", ông Phong nói.


Thống kê của Trung tâm tiết kiệm năng lượng TP HCM từ tháng 9/2007 đến nay, đơn vị đã tuyên truyền và phát 6.500 tài liệu cẩm nang tiết kiệm điện trong gia đình cho chị em phụ nữ trên địa bàn thành phố. Tài liệu này thường được phát trong các dịp hội thảo, hội nghị, triển lãm, cuộc thi phụ nữ tiết kiệm năng lượng trong gia đình... và phần lớn được Hội phụ nữ các quận, huyện trên địa bàn thành phố chuyển đến từng hộ gia đình.


Dự kiến trong năm 2010, Trung tâm tiết kiệm năng lượng thành phố sẽ chuyển tải thông tin của cẩm nang này đến 10.000 hộ gia đình để tuyên truyền, kêu gọi ý thức tiết kiệm năng lượng, đặc biệt là tiết kiệm điện

 

Theo VnExpress