Thứ hai, 01/07/2024 | 02:23 GMT+7

Đào tạo quy trình triển khai và phát hành bảo lãnh Quỹ Chia sẻ rủi ro

27/06/2024

Sáng ngày 27/06/2024, trong khuôn khổ Dự án Thúc đẩy tiết kiệm năng lượng trong các ngành công nghiệp Việt Nam (VSUEE), Bộ Công Thương phối hợp với Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) tổ chức khóa đào tạo “Quy trình triển khai và phát hành bảo lãnh Quỹ Chia sẻ rủi ro” cho các cán bộ của Ngân hàng TMCP Phát triển TP. Hồ Chí Minh (HD Bank).

Sự kiện có sự tham dự của đại diện Bộ Công Thương, Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng SHB và các cán bộ của Ngân hàng HD Bank.
Việt Nam là một trong những quốc gia có cường độ năng lượng lớn tại Đông Nam Á. Tăng trưởng công nghiệp là động lực chính thúc đẩy cường độ sử dụng năng lượng ngày càng gia tăng của Việt Nam. Theo số liệu thống kê, ngành công nghiệp chiếm hơn 50% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc. Do đó, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong các ngành công nghiệp là giải pháp hữu hiệu để bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. 
Mở đầu khóa đào tạo, ông Chu Bá Thi - Chuyên gia năng lượng cao cấp, đại diện Ngân hàng Thế giới chia sẻ nhằm đạt được mục tiêu về việc đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 của Việt Nam tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), tiết kiệm năng lượng là một trụ cột rất quan trọng. 
Ông Chu Bá Thi - Chuyên gia năng lượng cao cấp, đại diện Ngân hàng Thế giới phát biểu khai mạc khóa đào tạo
Ông Hoàng Việt Dũng – Đại diện Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) cho biết, tại COP26, Việt Nam đã cam kết mạnh mẽ với cộng đồng quốc tế về việc đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Cam kết này một lần nữa được tái khẳng định tại COP27 và mới đây nhất là COP28 diễn ra tại Dubai, Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE). 
Ngày 13/3/2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 280/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 – 2030 (VNEEP3). Mục tiêu của Chương trình là đạt mức tiết kiệm năng lượng 5,0 đến 7,0% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc trong giai đoạn từ năm 2019 đến năm 2025 và từ 8 - 10% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc trong giai đoạn từ 2019 đến năm 2030.
Dự án Thúc đẩy tiết kiệm năng lượng trong các ngành công nghiệp Việt Nam (VSUEE) do Quỹ Khí hậu Xanh (GCF) tài trợ thông qua Ngân hàng Thế giới (World Bank). Dự án được xây dựng nhằm thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong lĩnh vực công nghiệp của Việt Nam, góp phần đạt các mục tiêu về tiết kiệm năng lượng của Chương trình VNEEP3 và cam kết đưa mức phát thải ròng về “0” vào năm 2050.
Ông Hoàng Việt Dũng - Đại diện Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Bộ Công Thương phát biểu tại khóa đào tạo
Xuyên suốt khóa đào tạo, đại diện Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB), Đơn vị quản lý Quỹ chia sẻ rủi ro (RSF) của Dự án, đã giới thiệu những thông tin chi tiết về Quỹ RSF và quy trình phê duyệt Bảo lãnh quỹ RSF. Theo đó, Qũy RSF có quy mô 75 triệu USD từ nguồn vốn hoàn lại do Quỹ Khí hậu Xanh cấp thông qua Ngân hàng Thế giới. Quỹ được thành lập để cung cấp giảm thiểu rủi ro tín dụng của các tổ chức tài chính tham gia khi cho vay các dự án đầu tư tiết kiệm năng lượng dưới hình thức phát hành bảo lãnh tín dụng RSF. 
Đại diện Ban Quản lý Quỹ Chia sẻ rủi ro giới thiệu về quỹ và cách thức thực hiện
Ngoài ra, các chuyên gia năng lượng đến từ Công ty CP Giải pháp Công nghệ Việt Nam (VETS) đã trình bày nhiều nội dung hữu ích liên quan đến sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cho các học viên tham gia. Các nội dung chính bao gồm: (i) Tiềm năng sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong công nghiệp; (ii) Xác định chi phí, tính toán mức tiết kiệm năng lượng và giảm phát thải; (iii) Đánh giá tính khả thi của Dự án Hiệu quả năng lượng (HQNL): phân tích kinh tế và tài chính đối với đầu tư HQNL; và (iv) Các bài tập tình huống để áp dụng những kiến thức đã học trong các phần trước.

Các đại biểu tham dự khóa đào tạo
Khóa đào tạo có sự tham dự của hơn 40 học viên là các cán bộ quan hệ khách hàng và thúc đẩy tín dụng, cán bộ thẩm định của HD Bank. Thông qua khóa đào tạo, các cán bộ ngân hàng đã nhận biết rõ ràng hơn về Dự án VSUEE; Quỹ Chia sẻ rủi ro (RSF); Sổ tay thực hiện dự án và quy trình phê duyệt bảo lãnh quỹ RSF cũng như xác định tiềm năng tiết kiệm năng lượng của các dự án đầu tư HQNL.
Quỹ Chia sẻ rủi ro (RSF) là một hợp phần Dự án VSUEE có quy mô 75 triệu USD từ nguồn vốn hoàn lại do Quỹ Khí hậu Xanh cấp thông qua Ngân hàng Thế giới. Quỹ được thành lập để cung cấp giảm thiểu rủi ro tín dụng của các tổ chức tài chính tham gia khi cho vay các dự án đầu tư tiết kiệm năng lượng dưới hình thức phát hành bảo lãnh tín dụng RSF.
Mục tiêu 
Tăng cường sử dụng năng lượng hiệu quả trong các ngành công nghiệp Việt Nam thông qua: (a) khuyến khích đầu tư khu vực tư nhân vào các dự án tiết kiệm năng lượng; và (b) cung cấp thêm hỗ trợ kỹ thuật và tăng cường năng lực cho các bên liên quan trong thị trường tiết kiệm năng lượng. 
Cơ chế bảo lãnh 
Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB) được Ngân hàng Thế giới và Bộ Công Thương lựa chọn làm Đơn vị thực hiện chương trình (PIE). SHB sẽ quản lý và vận hành Quỹ RSF trong suốt 15 năm triển khai Dự án bao gồm hai giai đoạn: 05 năm đầu phát hành bảo lãnh và 10 năm sau thu hồi bảo lãnh. SHB sẽ phát hành bảo lãnh RSF cho các khoản vay của PFI có mục đích đầu tư cho tiết kiệm năng lượng (Tiểu dự án hợp lệ) của doanh nghiệp công nghiệp hoặc ESCO.
 Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững