Thứ sáu, 01/11/2024 | 21:25 GMT+7

Thúc đẩy cơ chế bảo lãnh cho vay thực hiện tiết kiệm năng lượng trong lĩnh vực công nghiệp

04/05/2022

Quỹ chia sẻ rủi ro với quy mô lên tới 75 triệu USD cung cấp bảo lãnh tín dụng cho các khoản vay của doanh nghiệp dành cho mục đích tiết kiệm năng lượng.

Trong khuôn khổ Dự án Thúc đẩy tiết kiệm năng lượng trong các ngành công nghiệp Việt Nam (VSUEE), Quỹ chia sẻ rủi ro (Risk Sharing Facility - RSF) được thành lập nhằm cung cấp bảo lãnh tín dụng cho các khoản vay với mục đích thực hiện các hoạt động tiết kiệm năng lượng trong lĩnh vực công nghiệp. Quỹ có tổng quy mô lên tới 75 triệu USD. Dự án do Quỹ Khí hậu Xanh tài trợ ủy thác qua Ngân hàng Thế giới, Bộ Công Thương là cơ quan chủ quản quản lý. 

Theo thông tin từ Ban quản lý dự án, Quỹ RSF sử dụng nguồn viện trợ ODA có hoàn trả của Quỹ Khí hậu Xanh thông qua Ngân hàng Thế giới. Với việc nhận bảo lãnh RSF, các tổ chức tài chính sẽ giảm thiểu được rủi ro khi thực hiện các khoản cho vay với mục đích đầu tư tiết kiệm năng lượng. Mặt khác, doanh nghiệp được tăng khả năng tiếp cận vốn nhằm thực hiện các khoản đầu tư liên quan đến mua sắm, lắp đặt, chạy thử hoặc trang bị thêm hay cải tạo, nâng cấp thiết bị để tăng hiệu suất sử dụng năng lượng. 

Bảo lãnh RSF được cấp lên tới 50% giá trị khoản vay của các doanh nghiệp, đơn vị ESCO. 

Mô hình vận hành Quỹ RSF.

Với việc tham gia vào mô hình Quỹ RSF, các tổ chức tài chính được hưởng lợi từ việc có thêm một sản phẩm cho vay trong lĩnh vực tiết kiệm năng lượng. Đồng thời được tăng cường năng lực cho đội ngũ trong việc thẩm định, giám sát các dự án đầu tư hiệu quả năng lượng, tăng quy mô cho vay hiệu quả năng lượng cho các ngành công nghiệp. 

Từ phía các doanh nghiệp công nghiệp và đơn vị ESCO, đối tượng hưởng thụ cuối, lợi ích thiết thực đến từ việc thêm vốn đầu tư cải tiến công nghệ, giảm tiêu thụ năng lượng. Từ đó giảm chi phí sản xuất, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước. 

Công nghiệp là lĩnh vực tiêu thụ nhiều năng lượng nhất trong cơ cấu ngành kinh tế, chiếm tới hơn 47% tổng tiêu thụ năng lượng cuối cùng. Đây cũng là lĩnh vực được đánh giá còn nhiều tiềm năng tiết kiệm năng lượng, lên tới 20-30%. Tuy nhiên, theo khảo sát của Bộ Công Thương, việc đầu tư tiết kiệm năng lượng trong các doanh nghiệp công nghiệp nói chung còn chưa tương xứng với lợi ích có thể đem lại. 

Nhận định về thực tế này, chuyên gia năng lượng của Ngân hàng Thế giới ông Chu Bá Thi cho biết bên cạnh các yếu tố về nhận thức, áp lực về chi phí năng lượng trong tổng chi phí sản xuất chưa cao, còn có yếu tố hết sức quan trọng là vốn. Ông Chu Bá Thi nhận định các giải pháp kỹ thuật có thể đem lại hiệu quả sử dụng năng lượng rõ rệt, như nâng cấp thiết bị hiệu suất cao, thu hồi nhiệt thải, tích hợp năng lượng tái tạo, đều cần một nguồn vốn tương đối lớn. Bên cạnh đó, thời gian thu hồi vốn dài, năng lực quản lý, thẩm định của các tổ chức tài chính trong lĩnh vực hiệu quả năng lượng hạn chế, các cơ chế cho vay chưa hấp dẫn, chưa thực sự khuyến khích doanh nghiệp đầu tư tiết kiệm năng lượng… đã tạo ra các rào cản khiến thị trường đầu tư tiết kiệm năng lượng chưa bứt phá trong thời gian qua.

Thời gian vừa qua Bộ Công Thương đã thực hiện nhiều chương trình, dự án thúc đẩy phát triển thị trường đầu tư tiết kiệm năng lượng, trong đó có thử nghiệm các cơ chế cho vay ưu đãi. Trong giai đoạn trước, cùng với Ngân hàng Thế giới, Bộ Công Thương đã triển khai dự án Tiết kiệm năng lượng trong ngành công nghiệp Việt Nam (VEEIE). Trong đó, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận các khoản vay ưu đãi để nâng cao năng lực tài chính, sẵn sàng chuyển đổi công nghệ hiệu quả năng lượng cao. Dự án đã thu hút sự tham gia của nhiều doanh nghiệp tiêu thụ năng lượng trọng điểm. Tổng số số vốn đối ứng từ doanh nghiệp để thực hiện các tiểu dự án đạt mức 31 triệu USD.

Việc thành lập và vận hành Quỹ RSF là một nỗ lực dài hơn giữa Bộ Công Thương và Ngân hàng Thế giới, nhằm mở rộng và đẩy mạnh các hoạt động tiết kiệm năng lượng trong khối doanh nghiệp công nghiệp. Ban Quản lý dự án tin tưởng những nỗ lực này sẽ đóng góp hiệu quả vào mục tiêu Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (VNEEP) và các cam kết của Việt Nam trong Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu. 

Dự án Thúc đẩy tiết kiệm năng lượng trong các ngành công nghiệp Việt Nam do Bộ Công Thương phối hợp thực hiện cùng Ngân hàng Thế giới, sử dụng nguồn kinh phí của Quỹ Khí hậu Xanh. Dự án có tổng kinh phí 11,3 triệu USD, với hai hợp phần: Vận hành Quỹ RSF và Hỗ trợ kỹ thuật. 

Ngoài ra, Quỹ Khí hậu Xanh tài trợ một khoản vay có hoàn trả là 75 triệu USD để thành lập Quỹ RSF, nhằm cung cấp bảo lãnh tín dụng cho các dự án đầu tư tiết kiệm năng lượng của Việt Nam thông qua Đơn vị thực hiện chương trình (PIE). Số tiền bảo lãnh sẽ dùng để thanh toán cho các dự án mất khả năng chi trả và được PIE xác nhận đủ điều kiện để bồi hoàn.

Hội thảo khởi động dự án và tập huấn chuyên sâu cho các đơn vị tham gia sẽ được tổ chức trong hai ngày 5 và 6 tháng 5 năm 2022 tại Hà Nội. 

Hải Yến