Thứ sáu, 20/09/2024 | 17:38 GMT+7

Hiệu quả năng lượng với “con đường mặt trời” tại Hà Lan

13/05/2015

Với chiều dài 70m, con đường mặt trời này đã tạo ra 3 nghìn kWh điện, tương đương 70 kWh/m2, đủ để đáp ứng lượng điện của một hộ gia đình trong một năm.

Cuối năm 2014, Hà Lan xây dựng con đường năng lượng mặt trời đầu tiên trên thế giới tại thị trấn Krommenie. Con đường này được lát những tấm pin năng lượng mặt trời cỡ lớn và chỉ dành riêng cho xe đạp – một phương tiện giao thông phổ biến ở nước này.

Các tấm pin mặt trời được sử dụng trên đường đi xe đạp của Hà Lan được thiết kế gồm 3 lớp vật liệu xen kẽ gồm: thuỷ tinh, silicon và bê tông. Con đường có khả năng chịu tải trọng lên tới 12 tấn, tương đương với trọng tải của một chiếc xe cứu hoá mà không gây ra bất cứ hỏng hóc nào.

Mỗi tấm pin lại được kết nối với một công tơ thông minh, nhờ đó tối ưu hoá sản lượng điện và đưa nguồn năng lượng này vào thẳng lưới điện quốc gia và hệ thống chiếu sáng địa phương. Đây là thành tựu công nghệ đáng ghi nhận của nhóm thiết kế sau 5 năm nghiên cứu.

Jan-Hendrik Kremer, một thành viên trong nhóm cho biết, hoạt động sản xuất năng lượng mặt trời sẽ bị ngưng lại nếu các tấm pin không được tiếp xúc với ánh sáng, bị bẩn hoặc hỏng hóc.

Sau 6 tháng đưa vào hoạt động, con đường này đã đem lại hiệu quả hoạt động thậm chí còn tốt hơn nhiều so với dự kiến ban đầu.

Với chiều dài 70m, con đường này đã tạo ra 3 nghìn kWh điện, tương đương 70 kWh/m2, đủ để đáp ứng cho một hộ gia đình trong một năm. Mặc dù còn một chặng đường dài để có thể đưa mô hình này áp dụng rộng rãi cho các tuyến đường trên thế giới, song Hà Lan vẫn có thể tự hào là nước đầu tiên đưa ý tưởng “con đường mặt trời” vào thực tiễn cuộc sống.

Anh Tuấn (Theo Science Alert)