Thứ năm, 19/09/2024 | 22:39 GMT+7

Kết nối, phát huy vai trò liên kết của mạng lưới tiết kiệm năng lượng toàn quốc

18/09/2024

Chiều ngày 18 tháng 9 năm 2024, tại thành phố Đà Nẵng, Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Bộ Công Thương tổ chức tọa đàm “Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả: Hiệu quả thực thi và vai trò của công tác truyền thông tại địa phương".

Tọa đàm là hoạt động thuộc Chương trình Năng lượng phát thải thấp Việt Nam II (gọi tắt là VLEEP II). Dự án do Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững – Bộ Công Thương phối hợp với Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (Gọi tắt là USIAD) triển khai.
Các đại biểu chia sẻ tại tọa đàm

SDNL TK&HQ: Hiệu quả thực thi, vai trò của truyền thông địa phương

Ông Trịnh Quốc Vũ, Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Bộ Công Thương cho biết: Đảng và nhà nước rất quan tâm đến lĩnh vực Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (SDNL TK&HQ). Việt Nam là một trong những nước đầu tiên ở Đông Nam Á có Luật SDNL TK&HQ được Quốc hội thông qua năm 2010 và có hiệu lực từ năm 2011. Chúng ta có các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình quốc gia về SDNL TK&HQcác văn bản pháp luật tương đối đầy đủ và đồng bộ trong các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế để thúc đẩy SDNL TK&HQ
Chia sẻ về một số kết quả đạt được của Chương trình quốc gia về SDNL TK&HQ (Chương trình VNEEP), ông Trịnh Quốc Vũ cho biết, tổng Chương trình VNEEP1 (giai đoạn 2006 - 2010) và VNEEP2 (giai đoạn 2010 - 2015) đã tiết kiệm năng lượng (TKNL) tương ứng 16.2 triệu tấn dầu quy đổi. Tiềm năng TKNL còn rất lớn, do đó trong Chương trình VNEEP3 (giai đoạn từ 2019 - 2030) Chính phủ đặt ra mục tiêu tiết kiệm từ 8 - 10% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc.
"Việc triển khai công tác SDNL TK&HQ đã được đẩy mạnh tốt hơn giai đoạn trước đây. Từ khi có Luật, Thông tư, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ nhiều địa phương đã tự nguyên, chủ động SDNL TK&HQ. Hiện nay, người dân đã có sự thay đổi về tư duy, SDNL TK&HQ dần đi vào nề nếp. Các địa phương đã quan tâm hơn vào công tác thực thi SDNL TK&HQ. Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ đồng hành cùng các địa phương, bộ, ngành để kiện toàn công tác về SD NL TK&HQ để thúc đẩy TKNL", ông Trịnh Quốc Vũ cho biết.
Ông Trịnh Quốc Vũ, Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Bộ Công Thương
Chia sẻ về quá trình đồng hành của địa phương trong việc triển khai SDNL TK&HQ, ông Nguyễn Văn Trừ - Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Đà Nẵng cho biết, Sở Công Thương Đà Nẵng đã triển khai 1 số hoạt động gồm: Chỉ đạo các trung tâm trực thuộc tiến hành các hoạt động kiểm toán năng lượng tại doanh nghiệp trên địa bàn, tổ chức các hội thảo tuyên truyền nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp về TKNL, khảo sát tư vấn các doanh nghiệp trọng điểm để có các giải pháp tư vấn cho doanh nghiệp về TKNL.
Trong 3 năm qua, Sở Công Thương đã phối hợp với USAID tiến hành hỗ trợ nâng cao năng lực cho TP Đà Nẵng, từ đó nâng cao vai trò của cơ quan quản lý nhà nước, thúc đẩy tăng trưởng xanh, thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo...
Ngoài ra, Đà Nẵng cũng tổ chức giải thưởng về TKNL của thành phố. Sau 2 năm triển khai, doanh nghiệp áp dụng các giải pháp TKNL, sản xuất sạch hơn, giảm khí nhà kính…, giúp doanh nghiệp nâng cao nhận thức về SD NL TK&HQ.
Ông Nguyễn Văn Trừ - Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Đà Nẵng
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho rằng: Nhiều chương trình về SD NL TK&HQ đã được Bộ Công Thương triển khai rất hiệu quả đến các địa phương. Ví dụ như cuộc thi trực tuyến tìm hiểu kiến thức về SD NL TK&HQ cũng là cách để toàn dân, báo chí tham gia chương trình để nâng cao nhận thức về TKNL.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Năng lượng Việt Nam
Ông Trần Viết Nguyên, Phó Trưởng ban Kinh doanh EVN cho biết: EVN rất chú trọng tiết kiệm điện. EVN sẽ phối hợp chặt chẽ với Sở Công Thương các tỉnh, thành phố để kịp thời tham mưu nhằm thực thi tốt Chỉ thị 20 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường tiết kiệm điện. 
Bên cạnh đó, công tác truyền thông được EVN xem là giải pháp quan trọng nhất vì đây là giải pháp phù hợp nhất, đặc biệt là truyền thông về chính sách quy định của Nhà nước, thông qua đó xã hội có nhận thức về các quy định của Chính phủ. Hiện EVN không chỉ truyền thông về cơ chế chính sách mà còn truyền thông về giải pháp sử dụng điện an toàn và hiệu quả. Toàn bộ các tài liệu truyền thông được số hoá và đăng tải trên trang thông tin của EVN và các đơn vị trực thuộc, các kênh chăm sóc khách hàng...
Ông Trần Viết Nguyên, Phó trưởng ban Kinh doanh Tập đoàn Điện lực Việt Nam
"6 tháng đầu năm 2024, cả nước tiết kiệm được 2,6 tỷ kWh điện, tương ứng 2,38% điện thương phẩm so với cùng kỳ, cao hơn mức tối thiểu so với mức Chính phủ giao. Kết quả này có sự tham gia tích cực của báo chí truyền thông, giúp ngời dân hiểu rõ hơn, thực thi tốt hơn các giải pháp TKNL", ông Nguyên thông tin. 

Toạ đàm thu hút sự quan tâm của hơn 50 phóng viên, nhà báo khu vực Miền Trung - Tây Nguyên

Kết nối, phát huy vai trò liên kết của mạng lưới TKNL toàn quốc

Chia sẻ tại tọa đàm, nhà báo Nguyễn Thị Hường – báo Công Thương cho biết: Sự đồng hành của chuyên gia, cơ quan quản lý nhà nước đã giúp nhà báo, phóng viên có thông tin về các giải pháp, cách thức truyền thông TKNL… Tuy nhiên, nhà báo, phóng viên mong muốn đội ngũ chuyên gia tạo điều kiện chia sẻ báo cáo kiểm toán năng lượng của doanh nghiệp và các giải pháp mà doanh nghiệp có thể thực hiện được để phóng viên có nguồn thông tin về TKNL. 
Nhà báo Phạm Tuyên - báo Tiền Phong cho rằng, từ khi có Luật SD NL TK&HQ, công tác TKNL đã được báo chí quan tâm. "Hi vọng rằng, trong thời gian tới, Bộ Công Thương có thêm nhiều chương trình, toạ đàm để cung cấp, hướng dẫn báo chí có thêm nhiều kênh thông tin và cách tiếp cận với thông tin TKNL hơn".
Nhà báo Phạm Tuyên - báo Tiền Phong chia sẻ tại tọa đàm
TS. Lê Anh Tuấn, Giảng viên Trường Đại học Điện lực đánh giá cao vai trò của truyền thông TKNL. Bộ Công Thương, EVN và các chuyên gia rất muốn có cơ hội để trao đổi với phóng viên để thúc đẩy Chương trình VNEEP tốt hơn nữa giúp người dân, doanh nghiệp hiểu và ý thức được vai trò của TKNL. 
TS. Lê Anh Tuấn, Giảng viên Trường Đại học Điện lực 
Đồng quan điểm, ông Hà Đăng Sơn - chuyên gia năng lượng cho rằng cần có cách thức phối hợp hiệu quả nhất giữa chuyên gia, nhà báo, doanh nghiệp. Để thông tin truyền thông về TKNL được chính xác cần có sự trao đổi chia sẻ 2 chiều giữa chuyên gia và nhà báo.
Ông Hà Đăng Sơn, chuyên gia năng lượng chia sẻ tại tọa đàm
Ông Đào Nhật Đình - Hội đồng Khoa học, Tạp chí Năng lượng Việt Nam cũng bày tỏ, các chuyên gia của Tạp chí Năng lượng Việt Nam luôn sẵn sàng chia sẻ với nhà báo, phóng viên để công tác tuyên truyền SD NL TK&HQ đạt hiệu quả cao nhất.
Ông Đào Nhật Đình, Hội đồng khoa học Tạp chí Năng lượng Việt Nam
Kết luận tại toạ đàm, ông Trịnh Quốc Vũ nhấn mạnh, cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa cơ quan quản lý nhà nước, chuyên gia (hội, hiệp hội chuyên ngành trong lĩnh vực SD NL TK&HQ) và mạng lưới nhà báo trong lĩnh vực SD NL TK&HQ để thúc đẩy hơn nữa công tác truyền thông TKNL. Bên cạnh mạng lưới truyền thông, Chương trình VNEEP cũng xây dựng mạng lưới kết nối chuyên gia bao gồm địa phương, kiểm toán viên năng lượng, người quản lý năng lượng khắp cả nước.
Anh Thư