Thứ bảy, 27/04/2024 | 00:32 GMT+7

Tăng gấp đôi sản lượng điện gió nhờ các con diều

11/09/2015

Các tua-bin trên mặt đất có thể được thay thế bằng những con diều lơ lửng trên không.

Ngày nay, phần lớn năng lượng gió trên hành tinh của chúng ta được tạo ra từ các tua bin trên mặt đất.

Song, một nghiên cứu mới đây về năng lượng gió đã đưa ra lời gợi ý rằng gió thổi liên tục ở độ cao 300m so với bề mặt trái đất và có thể được sử dụng để tạo ra điện, có nghĩa là các tua-bin trên mặt đất có thể được thay thế bằng những con diều lơ lửng trên không.

Những người ủng hộ năng lượng gió ở trụ sở Hiệp hội Năng lượng gió tại Đức (BWE) khẳng định, khoảng cách xa hơn, tính từ bề mặt trái đất, dù chỉ là một chút, cũng tạo ra tiềm năng to lớn cho thế hệ năng lượng tái tạo.

Giám đốc Hiệp hội Guido Luetsch tin rằng những con diều trên cao và các thiết bị năng lượng gió khác có thể bắt đầu thay thế các tua bin trên mặt đất sớm nhất là vào năm 2018.


Một cuộc khảo sát do hiệp hội này tiến hành đã kết luận rằng khoảng 70 công ty và các viện nghiên cứu ở Đức đang tìm hiểu về các khả năng thu hồi điện gió trên cao khác nhau, trong đó có các con diều, những cánh buồm, sải cánh và tàu lượn, và một vài thứ trong số này sẽ được buộc nối với mặt đất.

Đức đã tăng gấp đôi công suất năng lượng gió vào năm 2014, chủ yếu thông qua lắp đặt các tua bin gió ngoài khơi.

Nguồn năng lượng thay thế trên cao này có thể giúp Đức không chỉ tạo ra nhiều điện tái tạo hơn mà còn không phải phá bỏ đi các tài sản bất động sản có giá trị nào để phục vụ cho việc đó.

Vì gió ở độ cao từ 300-500m thổi mạnh hơn và phù hợp hơn so với những dòng gió gần mặt đất nên các máy phát điện trên cao có thể sản xuất ra nhiều năng lượng hơn gần gấp đôi so với các tua bin gió truyền thống.


Mai Linh (theo Inhabitat)