Thứ bảy, 27/04/2024 | 17:58 GMT+7

Điện mặt trời áp mái giúp Sở Khoa học và Công nghệ Khánh Hoà tiết kiệm điện

01/02/2024

Đề tài “Ứng dụng mô hình điện mặt trời áp mái tại trụ sở các cơ quan quản lý nhà nước tỉnh Khánh Hòa” do Thạc sĩ Lê Xuân Hải - Trung tâm Thông tin và ứng dụng Khoa học và Công nghệ (KH-CN), Sở KH-CN Khánh Hoà làm chủ nhiệm được đánh giá đã giải quyết bài toán tiết giảm điện năng tiêu thụ của các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh, cụ thể hóa mục tiêu giảm phát thải nhà kính về 0 theo chủ trương của Đảng và Nhà nước.

Theo thống kê từ Công ty Cổ phần Điện Lực Khánh Hòa, tổng sản lượng điện tiêu thụ của khối các cơ quan hành chính, sự nghiệp nhà nước trên địa bàn tỉnh trong năm 2020 đạt mức 100,9 triệu kWh/năm. Bên cạnh đó, mật độ năng lượng bức xạ mặt trời của Khánh Hòa trong khoảng 4,5 đến 4,9 kWh/m2/ngày và số ngày nắng trung bình khoảng 2.200 đến 2.500 giờ/năm.
Với chủ trương, chính sách đúng định hướng, điều kiện ứng dụng công nghệ quang điện phù hợp, kết hợp với các dự án điện mặt trời đã và đang triên khai trên địa bàn tỉnh, có thể khẳng định Khánh Hòa là tỉnh phát triển mạnh về lĩnh vực năng lượng tái tạo trong thời gian tới. Như vậy, việc nghiên cứu, ứng dụng các kỹ thuật công nghệ phù hợp xây dựng mô hình điện mặt trời áp mái tại trụ sở các cơ quan quản lý nhà nước tỉnh Khánh Hòa, nhằm làm luận cứ tin cậy cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu tiếp cận thông tin trước khi tiến hành dự án điện mặt trời nói chung và điện mặt trời áp mái nói riêng.
Tiết giảm hơn 53% tiền điện hàng tháng 
Theo Thạc sĩ Lê Xuân Hải, để sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2019 - 2030, UBND tỉnh giao ngành KH-CN chủ trì thực hiện mô hình sử dụng năng lượng mới, năng lượng tái tạo, tiết kiệm. Đây là cơ sở để hình thành đề tài “Ứng dụng mô hình điện mặt trời áp mái tại trụ sở các cơ quan quản lý nhà nước tỉnh Khánh Hòa”. Đề tài được triển khai từ tháng 10/2021 đến hết tháng 3/2023 với 3 nội dung chính, gồm: (1) Khảo sát, đánh giá hiện trạng, tiềm năng khai thác điện mặt trời tại các trụ sở cơ quan quản lý nhà nước tỉnh Khánh Hòa; (2) Xây dựng 01 mô hình điện mặt trời kết nối lưới điện phù hợp với hệ thống được cố định theo hướng và xoay, thử nghiệm tại Sở KH&CN; (3) Đề xuất các giải pháp ứng dụng mô hình điện mặt trời nối lưới phù hợp cho các cơ quan quản lý nhà nước.
Lắp đặt hệ thống điện mặt trời tại Sở KH-CN. (Theo: Báo Khánh Hoà)
Nhóm thực hiện đã thực hiện khảo sát 13 trụ sở đơn vị, chọn 9 đơn vị, xây dựng 1 mô hình điện áp mái để đánh giá hiệu quả ứng dụng. Kết quả, về mặt kỹ thuật, giải pháp đã tiết giảm ít nhất 53,31% điện năng tiêu thụ từ lưới điện; chọn được phương thức kết nối phù hợp nhất với đặc thù của cơ quan nhà nước, không nhất thiết là người có chuyên môn kỹ thuật điện mới có thể vận hành được hệ thống. Đó là kết nối hệ thống điện mặt trời bằng tấm quang năng (tấm PV) cố định kết hợp bộ tối ưu công suất và biến tần trung tâm. Về mặt hiệu quả kinh tế, đề tài đã tiết giảm được hơn 53% tiền điện hàng tháng tại trụ sở Sở KH-CN.
"Các trụ sở cơ quan được khảo sát đều có thể lắp đặt được công nghệ điện mặt trời mái nhà (9 đơn vị); tiềm năng khai thác có thể đáp ứng từ 7 đến 10 lần so với nhu cầu tiêu thụ hiện tại. Điểm đáng lưu ý, điện mặt trời phụ thuộc hoàn toàn vào điều kiện tự nhiên (có nắng thì phát điện, không có nắng sẽ ngừng). Vì thế, trụ sở vẫn phải sử dụng đến điện lưới, nhưng nếu sử dụng thêm hệ thống điện mặt trời thì sẽ tiết giảm ít nhất 53,31% mức tiêu thụ điện lưới. Tỷ lệ này có thể cao hơn nếu nhu cầu tiêu thụ điện vào ban ngày của trụ sở tăng lên trong tương lai."Thạc sĩ Lê Xuân Hải cho biết.
Tính ứng dụng cao
Thạc sĩ Lê Xuân Hải cho biết, theo thống kê của Công ty Cổ phần Điện lực Khánh Hòa, tổng sản lượng điện tiêu thụ của khối các cơ quan hành chính, sự nghiệp trên địa bàn tỉnh trong năm 2022 ở mức 165,4 triệu kWh/năm. Nếu áp dụng đồng bộ giải pháp tiết giảm điện năng tiêu thụ từ lưới điện bằng công nghệ điện mặt trời mái nhà sẽ tiết giảm một lượng điện năng từ lưới điện rất lớn. Cụ thể, với hiệu suất tiết giảm chỉ tính ở mức 30% so với kết quả của đề tài thì vẫn có thể tiết giảm được 49,62 triệu kWh/năm từ lưới điện.
Theo Tiến sĩ Lê Cao Quyền - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Tư vấn xây dựng điện 4, Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu, đề tài thực hiện có tính ứng dụng cao, đảm bảo các mục tiêu, nội dung yêu cầu đề ra. Đề tài đã giải quyết được vấn đề đặt ra từ việc áp dụng mô hình điện năng lượng mặt trời tiết kiệm điện, chỉ ra được mức tiết kiệm điện cụ thể thông qua mô hình. Qua đó, cụ thể hóa mục tiêu giảm phát thải nhà kính đưa về 0 theo chủ trương phát triển kinh tế tuần hoàn của Việt Nam; tiết kiệm tiền điện cho ngân sách (mô hình tại Sở KH-CN tiết giảm được hơn 14 triệu đồng/năm).
Chỉ thị số 20/CT-TTg về việc tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2023-2025 và các năm tiếp theo được Thủ tướng phê duyệt ngày 8/6/2023, yêu cầu phấn đấu đến năm 2030 có 50% các tòa nhà công sở sử dụng điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu (phục vụ tiêu thụ tại chỗ, không bán điện vào hệ thống điện quốc gia).
Khánh An