Thứ năm, 12/12/2024 | 18:04 GMT+7

5 bước áp dụng tiêu chuẩn ISO 50001 về hệ thống quản lý năng lượng trong doanh nghiệp

12/11/2024

Tiêu chuẩn ISO 50001 được xây dựng giúp các tổ chức có thể tích hợp việc quản lý và cải tiến hiệu quả sử dụng năng lượng vào hệ thống quản lý của mình. Trong đó, áp dụng ISO 50001 tại doanh nghiệp cần thực hiện qua 5 bước cơ bản.

Năng lượng được xem như một thông số thể hiện sự vận hành của tổ chức và là một trong những chi phí chính mà tổ chức phải chi trả trong quá trình hoạt động. Sử dụng năng lượng còn đưa đến những chi phí về môi trường cũng như xã hội với việc làm cạn kiệt nguồn tài nguyên và gây biến đổi khí hậu. Việc phát triển và ứng dụng công nghệ phù hợp với những nguồn năng lượng tái tạo hay năng lượng mới đòi hỏi nhiều thời gian. Mặt khác, một tổ chức không thể điều khiển giá năng lượng, các chính sách của nhà nước hay nền kinh tế thế giới.
Tuy nhiên, tổ chức có thể kiểm soát và cải tiến hiệu quả sử dụng năng lượng để đem lại lợi ích nhanh chóng cũng như lâu dài. Việc tăng hiệu quả sử dụng năng lượng giúp giảm lượng năng lượng tiêu thụ và chi phí sản xuất. Bên cạnh lợi ích về kinh tế, việc quản lý sử dụng năng lượng hiệu quả của tổ chức còn đóng góp tích cực cho việc bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và giảm thiểu tác động toàn cầu của việc sử dụng năng lượng.
ISO 50001 được xây dựng giúp các tổ chức có thể tích hợp việc quản lý và cải tiến hiệu quả sử dụng năng lượng. (Ảnh minh họa)
Theo đó, ISO 50001 là tiêu chuẩn quốc tế quy định các yêu cầu đối với hệ thống quản lý năng lượng (HTQLNL) nhằm giúp tổ chức, doanh nghiệp xây dựng các hệ thống và quá trình cần thiết cho việc cải tiến liên tục kết quả hoạt động năng lượng, bao gồm hiệu suất năng lượng, sử dụng năng lượng và tiêu thụ năng lượng.
ISO 50001 được Tổ chức Tiêu chuẩn Quốc tế (ISO) ban hành phiên bản đầu tiên vào tháng 6 năm 2011 (ISO 50001:2011 “Hệ thống quản lý năng lượng - các yêu cầu và hướng dẫn thực hiện”) sau đó được sửa đổi, bổ sung và ban hành phiên bản mới năm 2018 (ISO 50001:2018). Phiên bản ISO 50001:2011 (ISO) được Việt Nam (Bộ Khoa học và Công nghệ) chính thức chấp nhận thành tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 50001:2012.
ISO 50001 được xây dựng giúp các tổ chức có thể tích hợp việc quản lý và cải tiến hiệu quả sử dụng năng lượng vào hệ thống quản lý của mình. Có thể kể đến một số lợi ích mà tiêu chuẩn này mang lại đó là: Hỗ trợ tổ chức nâng cao hiệu quả sử dụng các thiết bị tiêu thụ năng lượng; Tạo môi trường trao đổi thông tin thuận tiện và minh bạch trong quản lý nguồn năng lượng; Thúc đẩy các thực hành tốt trong quản lý năng lượng và nhân rộng những hành động quản lý năng lượng tốt;
Hỗ trợ đánh giá và xếp hạng ưu tiên trong việc ứng dụng các công nghệ tiết kiệm năng lượng mới; Đưa ra khung chương trình cho việc thúc đẩy hiệu quả năng lượng thông qua chuỗi cung ứng; Đơn giản hóa các cải tiến trong hệ thống quản lý năng lượng phục vụ cho các dự án giảm thiểu khí thải nhà kính; Cho phép tích hợp với các hệ thống quản lý khác như hệ thống quản lý chất lượng, môi trường, an toàn lao động.
Áp dụng ISO 50001 tại doanh nghiệp cần thực hiện 5 bước cơ bản: 
Bước đầu tiên là xây dựng chính sách năng lượng: Chính sách năng lượng là kim chỉ nam cho việc áp dụng và cải tiến hệ thống quản lý năng lượng của tổ chức sao cho tổ chức có thể cải tiến hiệu quả sử dụng năng lượng của mình. Chính sách cần phản ánh sự cam kết của lãnh đạo cao nhất về việc tuân thủ theo các yêu cầu của luật pháp và các yêu cầu khác được áp dụng, cam kết nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng và không ngừng cải tiến. Đây là bước đầu tiên và là nền tảng để xây dựng và thực hiện HTQLNL.
Xây dựng chính sách năng lượng là bước đầu tiên khi doanh nghiệp muốn áp dụng ISO 50001. (Ảnh minh họa)
Bước 2 là lập kế hoạch về quản lý năng lượng: Đây là bước cơ bản trong việc xây dựng HTQLNL. Các công việc cần thực hiện trong giai đoạn này bao gồm: Xác định các yêu cầu pháp luật và yêu cầu khác về năng lượng mà tổ chức/doanh nghiệp phải tuân thủ, các yêu cầu này có thể bao gồm: yêu cầu pháp luật của quốc tế, quốc gia; yêu cầu pháp luật của khu vực/tỉnh/ngành; yêu cầu pháp luật của chính quyền địa phương;
Xem xét việc sử dụng năng lượng nhằm xác định hiện trạng sử dụng năng lượng của tổ chức từ đó đánh giá và xác định những công đoạn tiêu thụ năng lượng đáng kể nhằm tìm ra cơ hội cải tiến; Dựa trên kết quả của việc xem xét sử dụng năng lượng để xác định chỉ thị về hiệu suất năng lượng và đường cong sử dụng năng lượng. Chỉ số hiệu suất năng lượng và đường cong sử dụng năng lượng sẽ là thước đo độ hiệu quả của việc cải tiến HTQLNL;
Thiết lập mục tiêu, chỉ tiêu và chương trình quản lý năng lượng. Mỗi chương trình cần mô tả cách thức để tổ chức đạt được các mục tiêu và chỉ tiêu của mình, bao gồm cả thời gian, nguồn lực cần thiết và người chịu trách nhiệm thực hiện các chương trình này.
Bước 3 là Thực hiện và điều hành: Đây là giai đoạn đưa HTQLNL vào hoạt động. Những thông tin đầu ra của bước lập kế hoạch sẽ được sử dụng trong việc thực hiện và điều hành.
Các công việc cần thực hiện gồm có: Xác định nhu cầu đào tạo, tiến hành đào tạo, nâng cao nhận thức cho ban lãnh đạo cũng như người lao động; Thiết lập và triển khai hệ thống thông tin nội bộ cũng như bên ngoài liên quan đến HTQLNL; Xây dựng và kiểm soát hệ thống tài liệu, hồ sơ phục vụ cho việc kiểm soát hệ thống quản lý môi trường cũng như cung cấp thông tin đầu vào cho việc xem xét của lãnh đạo sau này;
Xác định và tiến hành kiểm soát đối với các hoạt động của tổ chức liên quan đến việc tiêu thụ năng lượng đáng kể để đảm bảo các hoạt động này được tiến hành trong những điều kiện riêng biệt; Các cơ hội để cải tiến hiệu suất sử dụng năng lượng cần được xem xét trong quá trình thiết kế hoặc mua hàng của tổ chức.
Bước 4 là Kiểm tra: Giai đoạn này nhằm đánh giá tính hiệu quả hệ thống và cung cấp dữ liệu cho xem xét của lãnh đạo. Giai đoạn này gồm các công việc: Giám sát, đo lường và phân tích các yếu tố của HTQLNL nhằm đạt được các mục tiêu đã đặt ra, hiệu quả hoạt động của quá trình so với các tiêu chí đã đặt ra;
Đánh giá sự tuân thủ đối với luật định hoặc các quy định khác mà tổ chức phải thực hiện; Tiến hành định kỳ đánh giá nội bộ trong tổ chức để đảm bảo hệ thống phù hợp với các yêu cầu trong tiêu chuẩn ISO 50001; Tiến hành xác định các điểm không phù hợp đã có hoặc có thể xảy ra, thực hiện sự khắc phục cần thiết, tiến hành các hành động khắc phục và hành động phòng ngừa; Có quy trình kiểm soát hồ sơ.
Bước 5 là xem xét của lãnh đạo: Ban lãnh đạo tổ chức cần định kỳ tiến hành xem xét dựa vào những dự liệu đo lường trong quá trình vận hành, kết quả đánh giá nội bộ, mục tiêu và chỉ tiêu đã đề ra từ đó đưa ra những thay đổi trong HTQLNL để phù hợp với tình hình mới.
Theo: Tạp chí Chất lượng Việt Nam