Thứ sáu, 26/04/2024 | 21:06 GMT+7

Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả: Sẽ tác động tích cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh và sinh hoạt của cộng đồng

26/09/2008

Ngày 31-7-2008, Văn phòng chính phủ đã có văn bản thông báo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc giao Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Tư pháp bổ sung Dự án Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (Luật TKNL) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Chính phủ năm 2009, trình Chính phủ xem xét tại phiên họp thường kỳ tháng 8-2008. Bản tin Tiết kiệm năng lượng (TKNL) có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Đình Hiệp – Chánh Văn phòng TKNL, Tổ trưởng tổ biên tập Luật TKNL về tác động của Luật này đến đời sống xã hội.

PV: Vì sao phải xây dựng và ban hành Luật Tiết kiệm năng lượng, thưa ông?

Ông Nguyễn Đình Hiệp: Hiện nay, 80% năng lượng sử dụng phục vụ nhu cầu sản xuất và sinh hoạt ở nước ta là năng lượng hóa thạch, có nguồn gốc hữu cơ, với tốc độ sử dụng năng lượng như hiện nay thì chỉ trong 30-50 năm tới, nguồn năng lượng của chúng ta sẽ cạn kiệt; kèm theo đó chúng ta phải đối mặt với nhiều hiểm hoạ về môi trường do việc sử dụng năng lượng hoá thạch làm tăng lượng khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính dẫn đến biến đổi khí hậu.

Qua nghiên cứu khảo sát chúng tôi thấy được tiềm năng tiết kiệm năng lượng của Việt Nam ta tương đối cao trong khi hiệu suất sử dụng năng lượng lại ở mức rất thấp: hiệu suất sử dụng năng lượng của các lò hơi công nghiệp chỉ đạt 60%, thấp hơn mức trung bình của thế giới khoảng 20%, hiệu suất sử dụng năng lượng trong các nhà máy điện đốt than, dầu ở Việt Nam chỉ đạt từ 28% đến 32%, thấp hơn so với các nước phát triển khoảng 10%...Nguyên nhân chủ yếu của thực tế này là do thiếu các biện pháp tiết kiệm năng lượng cộng với trình độ công nghệ lạc hậu và đặc biệt là ý thức sử dụng năng lượng hiệu quả của đại bộ phận người dân chưa cao. Đứng trước thực tế đó ngày 03 tháng 9 năm 2003, Chính phủ đã ban hành Nghị định 102/2003/NĐ-CP về Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (SDNL TK&HQ). Sau hơn 5 năm triển khai, bước đầu chúng ta đã hình thành được phương thức quản lý Nhà nước về SDNL TK&HQ, nâng cao nhận thức cộng đồng, các hành vi TKNL đã được khuyến khích thực hiện trong mọi mặt của đời sống xã hội. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai đã xuất hiện nhiều vấn đề bất cập liên quan đến tính khả thi của Nghị định cũng như một số văn bản hướng dẫn thực hiện Nghị định của các Bộ, ngành chức năng như chưa hình thành được cơ quan quản lý nhà nước để thống nhất quản lý các hoạt động TKNL, việc triển khai các chương trình, dự án TKNL vẫn còn thiếu tính đồng bộ và sự phối hợp giữa các cơ quan từ cấp trung ương đến địa phương thêm vào đó do ý thức chưa cao nên các doanh nghiệp chưa tự giác thực hiện, các chế tài chưa đủ mạnh và các thể chế tài chính chưa hình thành để khuyến khích thúc đẩy các hoạt động TKNL. Vì vậy việc soạn thảo và cho ra đời luật TKNL là hết sức cần thiết trong giai đoạn hiện nay.

PV: Những nội dung cơ bản của Luật TKNL?

Ông Nguyễn Đình Hiệp: Hiện nay Bộ Công Thương đang phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ban, ngành liên quan gấp rút hoàn thành dự thảo luật, nhanh chóng trình Chính phủ xem xét. Hiện dự thảo 10 Luật TKNL với 10 chương, 54 điều với bố cục Luật khung bao gồm quy định chung và những quy định cụ thể về sử dụng năng lượng hiệu quả trong từng ngành cụ thể như trong cơ sở sản xuất, trong các công trình xây dựng, trong giao thông vận tải hay SDNL TK&HQ đối với trang thiết bị sử dụng năng lượng. Dự thảo Luật cũng bao gồm những quy định ưu tiên,  khuyến khích sử dụng và phát triển năng lượng tái tạo và đặc biệt là các biện pháp khuyến khích, thúc đẩy, những quy định cụ thể về quản lý nhà nước về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cùng nội dung khiếu nại, tố cáo, khen thưởng và xử lý vi phạm đối với các hành vi vi phạm. Nhìn chung, cho tới thời điểm hiện nay, dự thảo Luật với sự tham gia soạn thảo, góp ý của nhiều bộ, ban ngành cùng các chuyên gia trong nước và nước ngoài đang được đánh giá là có nội dung bao trùm được khá toàn diện các hoạt động của xã hội.

PV: Ông có thể đưa ra những dự báo gì khi Luật TKNL được ban hành và đi vào cuộc sống?

Ông Nguyễn Đình Hiệp: Sử dụng hiệu quả nguồn năng lượng là hoạt động liên quan đến hầu hết các lĩnh vực của nền kinh tế quốc dân cũng như đời sống xã hội. Do đó, Luật TKNL được hình thành sẽ tác động rất lớn đến mọi hoạt động sản xuất kinh doanh và sinh hoạt của cộng đồng. Tác động tích cực của Luật sẽ góp phần trực tiếp vào việc giảm sức ép về đầu tư phát triển các nguồn năng lượng, thay đổi thói quen của người sử dụng năng lượng theo hướng tiết kiệm hiệu quả.

Ví dụ trong sản xuất công nghiệp: theo tính toán, mức sử dụng năng lượng trong lĩnh vực này chiếm khoảng 44% so với tổng nhu cầu năng lượng thương mại hiện nay (đạt xấp xỉ 22 triệu tấn dầu quy đổi vào năm 2005), ước tính tiềm năng TKNL trong sản xuất công nghiệp khoảng 20% đã lên đến gần 1,9 triệu tấn dầu quy đổi, tương đương 25 ngàn tỷ đồng/năm, (tính theo giá dầu trong nước hiện nay).

Bên cạnh đó, lĩnh vực xây dựng và toà nhà hay giao thông vận tải cũng là những lĩnh vực có tiềm năng sử dụng năng lượng khá lớn. Theo đánh giá, nếu áp dụng các biện pháp quản lý và thực hiện quy chuẩn xây dựng tòa nhà hiệu quả, khả năng TKNL trong lĩnh vực xây dựng và toà nhà có thể đạt khoảng 30-35% và tương tự như vậy, nếu chúng ta áp dụng các biện pháp khuyến khích bắt buộc sử dụng các dạng nhiên liệu và phương tiện giao thông công cộng, hiệu suất sử dụng năng lượng cao, định mức và quản lý suất tiêu hao nhiên liệu, xuất/nhập khẩu phương tiện giao thông, chúng ta sẽ giảm được một lượng nhiên liệu tương đối lớn mà vẫn đảm bảo được nhu cầu về giao thông vận tải.

Trong Luật TKNL, thông qua các quy định về dán nhãn và những biện pháp quản lý khác trên thị trường như nghĩa vụ thu hồi thiết bị quá hạn, hiệu suất sử dụng năng lượng thấp… sẽ giúp người sử dụng tiếp cận được thông tin, tìm được định hướng thích hợp trong việc lựa chọn và sử dụng hợp lý các sản phẩm TKNL, loại bỏ dần các sản phẩm có mức tiêu thụ năng lượng cao, góp phần giảm năng lượng tiêu thụ.

PV: Xin cảm ơn ông

Nguyễn Đừng (thực hiện)