Thứ bảy, 21/09/2024 | 19:54 GMT+7

Tiết kiệm năng lượng: Nhiều cách làm hay

23/10/2013

Hoạt động tiết kiệm năng lượng được triển khai sâu rộng đến các thành phần, đối tượng trong xã hội. Năm 2012, nhiều địa phương đã có những cách làm hay, mang lại nhiều hiệu quả cho doanh nghiệp và người dân.

Hoạt động tiết kiệm năng lượng (TKNL) đã được triển khai sâu rộng đến các thành phần, đối tượng trong xã hội. Năm 2012, nhiều địa phương đã có những cách làm hay, mang lại nhiều hiệu quả cho doanh nghiệp và người dân. Phóng viên VNEEP đã trao đổi với đại diện một số địa phương xung quanh vấn đề này.

Ông Đào Hồng Thái – Giám đốc Trung tâm Tiết kiệm năng lượng Hà Nội: Kinh nghiệm từ hai cuộc thi 

 Là một trong những đối tượng sử dụng năng lượng lớn và còn nhiều tiềm năng TKNL, tòa nhà là một trong những đối tượng được Hà Nội ưu tiên triển khai các giải pháp nhằm sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

d783f0825_18qm_hoi_nghi_tiet_kiem_nang_luong_2013_06.jpg

Ông Đào Hồng Thái, Giám đốc TT TKNL Hà Nội

Được đánh giá là một trong những hoạt động hiệu quả nhất, trong giai đoạn 2010-2012, hai cuộc thi “Tòa nhà hiệu quả năng lượng” và “TKNL trong công nghiệp và tòa nhà” được đồng tổ chức bởi Trung tâm TKNL Hà Nội và Trung tâm TKNL TP. Hồ Chí Minh đã thu hút được 300 đơn vị trên cả nước tham gia với 92 hồ sơ vào vòng chung khảo.

Cũng trong 3 năm qua, đã có 54 đơn vị đoạt giải cùng trên 1.000 giải pháp được áp dụng thành công, tiết kiệm 50.400 TOE, tương đương 1.170 tỷ đồng và giảm phát thải 184.500 tấn CO2.

Ông Nguyễn Xuân Hòa – Giám đốc Trung tâm TKNL tỉnh Bắc Ninh: Nhân rộng mô hình Biogas

 Trong 2 năm qua, Trung tâm TKNL Bắc Ninh đã triển khai một số nội dung về chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Cụ thể, về tuyên truyền, Trung tâm đã tổ chức được 10 buổi hội thảo cho hơn 1.000 đối tượng là cán bộ công nhân viên và các doanh nghiệp.


af3ca8e9f_18qm_hoi_nghi_tiet_kiem_nang_luong_2013_07.jpg

Ông Nguyễn Quang Hòa, Giám đốc TT TKNL & SXSH Bắc Ninh

Bên cạnh đó, Trung tâm đã phát được gần 250.000 cuốn sổ tay hướng dẫn cho học sinh tiểu học trên địa bàn thành phố Bắc Ninh và một số huyện trên địa bàn tỉnh về TKNL.

Các cuốn sổ tay này phần nào đã giúp các em học sinh trên địa bàn tỉnh nhận thức được rõ nét thế nào là TKNL ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

Với người dân trên địa bàn Bắc Ninh, thông qua các sự kiện như Giờ Trái đất, Trung tâm đã tuyên truyền TKNL đến người dân bằng băng rôn, tờ rơi với số lượng người dân tham gia lên đến hàng nghìn người.

Ngoài ra, Bắc Ninh cũng tiến hành kiểm toán cho các tòa nhà, công sở, cơ quan trên địa bàn thành phố và qua các đợt kiểm toán, các đối tượng này đã được tư vấn các giải pháp TKNL. Bệnh viện Gia Bình đã được đầu tư hơn 100 triệu đồng cho các giải pháp TKNL và mỗi năm có thể tiết kiệm khoảng 20 triệu đồng tiền điện.

Bắc Ninh cũng thực hiện đề tài khoa học dùng phế thải nông nghiệp tạo ra khí sinh học nhằm phát điện cho trang trại. Với tổng mức đầu tư hơn 400 triệu, mỗi tháng, giải pháp này giúp tiết kiệm hơn 10 triệu đồng tiền điện. Biogas sẽ là mô hình có thể được nhân rộng được trong thời gian tới.

Ông Phạm Bá Huyên – Giám đốc Trung tâm TKNL Quảng Nam: Năm 2014, tận dụng nhiều hơn các nguồn năng lượng mới

Trong thời gian qua, với hoạt động TKNL, Quảng Nam đã tập trung vào các nhóm giải pháp tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân và doanh nghiệp. Qua những hoạt động này, nhận thức của các nhóm đối tượng trên đã được nâng lên rõ nét. Nhiều DN đã quan tâm đến TKNL và tìm những giải pháp để đạt được mục tiêu TKNL của mình.

Thời gian tới, đặc biệt là trong năm 2014, Quảng Nam sẽ tiếp tục thực hiện các hoạt động truyền thông và hỗ trợ tư vấn kỹ thuật.

Riêng với các dự án trình diễn, năm 2014, Quảng Nam sẽ tập trung cho các dự án năng lượng mới như hỗ trợ thực hiện một số giải pháp sử dụng năng lượng mới cho một số đơn vị doanh nghiệp công nghiệp và tòa nhà khách sạn (điện nối lưới và hệ thống nước nóng năng lượng mặt trời); Hỗ trợ thí điểm 2km đường chiếu sáng công cộng tại các địa phương; Thực hiện một số bể biogas thí điểm tại các địa phương…

Ông Huỳnh Kim Tước – Giám đốc Trung tâm TKNL TP. Hồ Chí Minh: Đẩy mạnh tuyên truyền TKNL cho hộ gia đình

 Với lượng dân cư đông đảo cùng tốc độ sử dụng năng lượng cao, từ những năm 2008, TP. Hồ Chí Minh đã xác định phải tập trung giải quyết bài toán truyền thông cho TKNL hộ gia đình.

8f8f6317f_18qm_dai_bieu_tp_hcm_01.jpg

Ông Huỳnh Kim Tước, Giám đốc TT TKNL TP Hồ Chí Minh

Việc triển khai TKNL hộ gia đình phải được triển khai trên diện rộng. TP. Hồ Chí Minh có số lượng hộ gia đình đông đảo, cho nên để triển khai TKNL trên diện rộng thì việc đầu tiên ta phải nghĩ đến là làm sao để công tác TKNL lan truyền đến từng tổ dân phố, từng hộ gia đình.

Để giải quyết vấn đề này, TP. Hồ Chí Minh đã liên kết với Hội phụ nữ các tổ dân phố rồi tận dụng mạng lưới tuyên truyền viên, hội nhóm, hội phụ nữ đi đến từng cấp tổ dân phố. Nhờ lực lượng này, hoạt động TKNL hộ gia đình đã được phủ trên diện rộng đến tất cả các tổ chức.

Sau mỗi năm, chúng tôi đều rút ra những bài học để đánh giá những kết quả đã làm được, từ đó điều chỉnh cách làm cho các năm sau. Đây là một quá trình dài hơi mà cần có sự kiên trì, từng bước mới có thể đạt được hiệu quả tối ưu nhất.

 KS. Trịnh Văn Hoàn – Ban Kỹ thuật an toàn – Tổng công ty Thép Việt Nam: TKNL để tăng sức cạnh tranh.

 Thép là một trong những ngành có tốc độ sử dụng năng lượng lớn nhất. Do đó, để giảm giá thành, tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp thép, thời gian qua, lãnh đạo Tổng công ty Thép Việt Nam nói riêng và các doanh nghiệp ngành thép nói chung rất chú trọng đến việc làm sao để TKNL từ các khâu gia công nguyên vật liệu đến cải tiến thiết bị công nghệ trong dây chuyền sản xuất thép.

Để sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, các doanh nghiệp thành viên đã lắp inveter cho động cơ, quạt lớn; Tận dụng khí thải lò luyện thép, lò cốc để sấy nguyên liệu đầu vào; Nạp phôi nóng cho các dây chuyền cán nóng…

Những giải pháp này đã giúp nhiều DN giảm được từ 20 – 30% năng lượng, sức cạnh tranh do đó cũng cao hơn rất nhiều.

Bảo Anh