Thứ bảy, 27/04/2024 | 08:52 GMT+7

Chung tay tăng hiệu quả sử dụng năng lượng

27/10/2011

Phát triển kinh tế không có nghĩa là phải xây nhiều nhà máy sản xuất điện mà quan trọng là phải có kế hoạch sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả

Theo đánh giá của các chuyên gia tại buổi tọa đàm "Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả ở Việt Nam" tổ chức cuối tuần qua, mức tiêu thụ năng lượng ngày càng gia tăng, trong khi nguồn năng lượng ngày càng cạn kiệt. Do đó năng lượng đang trở thành vấn đề quan tâm hàng đầu không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới.

Không cần phải xây nhiều nhà máy điện

Giáo sư Phạm Duy Hiển, nguyên Viện phó Viện Năng lượng nguyên tử quốc gia cho biết, mức tăng trưởng điện năng hàng năm ở Việt Nam là 13-14%, nhưng tăng trưởng kinh tế mới khoảng 6-7%. Như vậy, tốc độ tăng điện cao gấp đôi so với mức tăng kinh tế, còn ở các nước khác là ngang nhau.

25ba06322_toa_dam_1.jpg

Tọa đàm "Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả ở Việt Nam" do mạng lưới Thế hệ xanh tổ chức ngày 22/10/2011

"So với các nước trên thế giới, nước ta tiêu thụ 1kwh điện nhưng chỉ sản xuất ra hàng hóa trị giá 1 USD, còn Philipinnes làm ra 2 USD, Hàn Quốc 3 USD, Nhật Bản là 4 USD. Như vậy, phát triển kinh tế không có nghĩa là phải xây nhiều nhà máy sản xuất điện mà quan trọng là phải có kế hoạch sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả” – Ông Hiển nhấn mạnh.

Đẩy mạnh tiết kiệm năng lượng

Theo GS, Phạm Duy Hiển hiện nay chúng ta giải quyết vấn đề tiết kiệm điện chưa dứt điểm, đơn giản nhất như cách dử dụng điều hòa từ 26 độ C trở lên hay thay bóng đèn sợi tóc bằng bóng đèn tiết kiệm điện thì chưa phải tất cả mọi người dân đều biết hoặc tuân theo. Nhiều người vẫn có thói quen bật điều hòa dưới 20 độ C, một số người khác lại thích dùng bóng đèn sợi tóc vì cho rằng sẽ ấm hơn vào mùa đông. Những người này nên biết rằng, nếu họ giảm 1 độ điều hòa, sẽ làm tăng thêm 5% năng lượng tiêu thụ, còn việc nghĩ rằng bóng đèn sợi tóc ấm hơn chỉ là cảm giác.
 
Hiện nay, cả nước ta tiêu thụ gần 100 tỷ kWh điện/năm để làm ra GDP khoảng 100 tỷ USD/năm. Trong đó, điện thương phẩm được phân ra như sau; Công nghiệp và xây dựng (51%), Quản lý và tiêu dùng dân cư (40%), Thương nghiệp, khách sạn, nhà hàng (5%), Nông lâm nghiệp và thủy sản (1%), vàc các hoạt động khác (3%). Nhóm công nghiệp và xây dựng sự dụng năng lượng không hiệu quả là do sự dụng công nghệ lạc hậu.

014b2d359_toa_dam_3.jpg

Cần thúc đẩy sử dụng hiệu quả năng lượng nhất là trong công nghiệp

Thực tế, mặc dù Chính Phủ đã điều chỉnh tăng giá điện từ tháng 3 năm 2011 song giá điện hiện tại vẫn thấp hơn hơn nhiều nước trong khu vực. Đây cũng là nguyên nhân khiến việc sử dụng năng lượng còn lãng phí. Trước thực trạng đó, GS đề xuất “Việt Nam cần từng bước nâng cao giá điện để ngang bằng với giá trên thế giới nhằm khuyến khích sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Hiện nay, nước ta xuất khẩu thép thực chất chính là xuất khẩu điện năng giá rẻ, đây là một sự lãng phí lớn”.
 
Cần có chế tài để đánh giá mức độ hiệu quả sử dụng điện của mỗi dự án đầu tư nước ngoài. Cần phải xem xét lượng điện họ sẽ tiêu thụ một năm so với hiệu quả đầu tư họ mang lại.
 
“Cần ra sách trắng về năng lượng, đặt Việt Nam trong bản đồ chung của thế giới, trong sự phát triển chung của thế giới. Chúng ta không thể đi riêng mà cần hội nhập với thế giới để biết cách sử dụng năng lượng ít, nhưng lại làm ra nhiều của cải, đạt được nhiều sự phát triển.”

Ngoài ra, cần trú trọng nhiều hơn đến khâu truyền tải vì tỷ lệ thất thoát điện qua truyền tải ở Việt Nam vẫn còn khá cao, ở mức 10% hiện nay.

Phát triển năng lượng tái tạo

Theo ông Phạm Duy Hiển, trong điều kiện biến đổi khí hậu, Việt Nam cần có giải pháp sử dụng hiệu quả, trong đó có nguồn năng lượng mới và tái tạo. Tuy nhiên, nguồn năng lượng này ở Việt Nam vẫn chưa được chú ý.

09905a5ac_toa_dam_2.jpg

Năng lượng tái tạo mới chính là nguồn năng lượng bền vững

Bà Nadia Charady, Giám đốc tổ chức Rosa Luxemburg Stiftung tại Hà Nội nói: “Sức ép về nguồn năng lượng hóa thạch đang cạn kiệt khiến nhiều quốc gia phải tìm kiếm các nguồn năng lượng thay thế. Con người đã có thể khai thác các nguồn năng lượng sạch như gió, mặt trời, địa nhiệt, thuỷ triều và sinh khối.

Việt Nam được đánh giá là quốc gia có khả năng tiềm tàng cho năng lượng tái tạo. Về bức xạ mặt trời, Việt Nam có đến 2.000 đến 2.500 giờ nắng/năm, với lượng bức xạ mặt trời 150 Cal/cm2/ năm.Về gió, khu vực miền Trung, hải đảo có tốc độ gió trung bình 4m/s ở độ cao 12m có thể lắp đặt các tuabin gió. Về điện địa nhiệt có hơn 300 nguồn nước khoáng nóng ở Tây Bắc và Trung bộ.

GS Hiển nhận định, năng lượng tái tạo ở Việt Nam chưa thực sự bắt đầu, mới chỉ có 1 số dự án được triển khai. Tiềm năng khai thác năng lượng tái tạo ở Việt Nam còn rất lớn song công nghệ khai thác lạc hậu. Chính vì thế chúng ta cần có chính sách phát triển năng lượng tái tạo sao cho vừa phù hợp với xu hướng chung của thế giới vừa phải phù hợp với điều kiện Việt Nam.

“Trở ngại lớn nhất trong việc phát triển năng lượng tái tạo ở Việt Nam chính là chi phí đầu tư lớn, còn phải trợ giá. Tuy vậy, vẫn cần khắc phục để phát triển vì cái tồn tại cuối cùng chính là năng lượng tái tạo bởi năng lượng hóa thạch đang dần cạn kiệt”.- GS Hiển kết luận.

Trần Liễu