Thứ sáu, 26/04/2024 | 20:15 GMT+7

Tiết kiệm năng lượng: Thực trạng và giải pháp

25/04/2015

Sử dụng năng lượng TK & HQ đang là một trong những việc làm hết sức cần thiết và cấp bách trong thời điểm hiện nay.

Trong những năm qua, nhu cầu tiêu thụ năng lượng ở nước ta đang gia tăng mạnh mẽ, đáng chú ý là khu công nghệ xi măng và chiếu sáng công cộng. Do đó, việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đang là một trong những việc làm hết sức cần thiết và cấp bách trong thời điểm hiện nay.

Chính vì vậy, từ nhiều năm qua, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công Thương triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (VNEEP) trên phạm vi cả nước. 

Hiệu quả có…

Báo cáo tại Hội thảo Tiết kiệm năng lượng gắn với kinh tế xanh trong ngành công nghiệp chiếu sáng vừa diễn ra sáng 22/4 tại Hà Nội, ông Trịnh Quốc Vũ - Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Tiết kiệm năng lượng (Tổng Cục năng lượng, Bộ Công thương) cho biết, VNEEP được khởi động từ năm 2006 với mục tiêu đạt mức tiết kiệm tối đa tổng mức tiêu thụ năng lượng của cả nước, đồng thời hình thành mạng lượng thực thi Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả từ trung ương tới địa phương; sử dụng rộng rãi các trang thiết bị hiệu suất cao, loại bỏ các trang thiết bị có công nghệ lạc hậu, giảm 10% cường độ năng lượng các ngành sử dụng nhiều năng lượng…  VNEEP được triển khai trong 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 (từ 2006-2010), chương trình đặt mục tiêu tiết kiệm từ 3-5% tổng năng lượng tiêu thụ trên cả nước. Giai đoạn 2 (từ 2011-2015), chương trình đặt mục tiêu tiết kiệm từ 5-8% tổng mức năng lượng tiêu thụ trên cả nước, tương đương từ 11-17 triệu tấn dầu quy đổi.

Trong khuôn khổ chương trình, nhiều hoạt động đã được tổ chức như: đào tạo nâng cao năng lực cho doanh nghiệp về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng hệ thống quản lý năng lượng, thực hiện kiểm toán năng lượng, đầu tư các giải pháp sử dụng năng lượng hiệu quả; xây dựng và triển khai các dự án hỗ trợ kỹ thuật cho các doanh nghiệp sản xuất nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng.

 

Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Tiết kiệm năng lượng Trịnh Quốc Vũ cho biết, từ khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, trong đó Bộ Công Thương được giao làm đầu mối xây dựng và triển khai, chương trình đã được thực hiện rộng rãi trên toàn quốc. Tính đến hết tháng 6/2014, Bộ Công Thương đã cấp chứng nhận dán nhãn năng lượng cho 6.215 chủng loại sản phẩm của 13 loại trang thiết bị phải dán nhãn theo Quyết định số 51/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Chương trình đã tạo ra sự minh bạch về hiệu suất năng lượng giữa các thương hiệu, nhãn năng lượng đã tạo sự cạnh tranh giữa các thương hiệu lớn, cạnh tranh giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp về đẳng cấp.

Hiện toàn quốc đã có trên 600.000 bình nước nóng năng lượng mặt trời được lắp đặt và sử dụng phục vụ sinh hoạt trong các hộ gia đình, giúp giảm đáng kể việc tiêu thụ điện cho các hộ dân. Bộ Công Thương còn kết hợp với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) triển khai hệ thống bình đun nước nóng mặt trời quy mô công nghiệp tại ba miền theo mô hình dịch vụ năng lượng (ESCO). Dự án triển khai đã tiết kiệm được hơn 2 GWh điện, tương đương với hơn 5 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, chương trình phối hợp với Trung ương Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam và Hội phụ nữ các tỉnh, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam hỗ trợ xây dựng hơn 3000 hầm Biogas quy mô gia đình tại 26 tỉnh, thành. Với mạng lưới gồm 14 Trung tâm tiết kiệm năng lượng tại các tỉnh thành phố và gần 40 Trung tâm khuyến công, các trung tâm tư vấn, chuyển giao công nghệ hoạt động tiết kiệm năng lượng đã được các địa phương triển khai mạnh mẽ, góp phần quan trọng trong thành công của Chương trình mục tiêu quốc gia sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

... tồn tại nhiều

Thực tế cho thấy, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả được triển khai trong bối cảnh khung pháp lý, thể chế, cơ chế chính sách về tài chính chưa hoàn thiện, thiếu những kinh nghiệm xây dựng các mô hình tiết kiệm năng lượng trong ngành công nghiệp tiêu thụ năng lượng lớn đang là một trong những trở ngại thực thi chương trình tiết kiệm năng lượng tại Việt Nam. Điều đó được thể hiện qua việc nhận thức của cộng đồng và doanh nghiệp còn hạn chế, chưa sẵn sàng tiếp cận với thông tin về công nghệ và các giải pháp tiết kiệm năng lượng. 

Theo đánh giá của ông Trịnh Quốc Vũ, hạn chế về nguồn ngân sách và nhân lực trong khi chương trình phải thực hiện trên phạm vi rộng và đa dạng trong nhiều ngành nghề, từ trung ương tới địa phương là một trong những trở ngại lớn của chương trình này. Bên cạnh đó, còn nhiều doanh nghiệp không có vốn, hạn chế vốn hoặc khó  tiếp cận được những khoản vay tín dụng ưu đãi cho các dự án tiết kiệm năng lượng. Hiện nay, chương trình hỗ trợ 30% tổng số vốn đầu tư về dây chuyền công nghệ, thiết bị hiệu suất cao cho các doanh nghiệp và không quá 5 tỷ đồng cho một doanh nghiệp không còn thu hút được các doanh nghiệp lớn đầu tư thay đổi dây chuyền công nghệ vì mức hỗ trợ này là khá thấp so với tổng mức đầu tư của doanh nghiệp. Mặt khác, giá năng lượng trong nước còn thấp so với các nước trong khu vực nên ảnh hưởng đến việc thực hiện các biện pháp tiết kiệm năng lượng. 

Ngoài ra, những khó khăn về kinh tế vĩ mô cũng là những rào cản để thực hiện đầu tư các giải pháp tiết kiệm năng lượng, làm giảm mức độ ưu tiên của doanh nghiệp đối với các dự án tiết kiệm năng lượng. Đáng chú ý, thực trạng khai thác, sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ năng lượng đã bộc lộ nhiều hạn chế. Các cơ chế, chính sách về tiết kiệm năng lượng còn nhiều bất cập, lợi ích về tiết kiệm năng lượng chưa được xã hội và doanh nghiệp quan tâm.

Để chương trình mục tiêu về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong giai đoạn 2016-2020, ông Trịnh Quốc Vũ cho rằng cần phải tăng nguồn kinh phí sự nghiệp và đầu tư để triển khai các dự án tiết kiệm năng lượng trong giai đoạn này. Cùng với đó, các tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương cần phối hợp tổ chức thực hiện đồng bộ các chương trình/đề án/giải pháp tiết kiệm năng lượng, bố trí kinh phí hàng năm và nguồn nhân lực để triển khai các dự án tiết kiệm năng lượng cụ thể tại địa phương. Đồng thời, tăng cường công tác giám sát các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm nhằm nâng cao chất lượng quản lý nhà nước trong lĩnh vực sử dụng năng lượng; tiếp tục xây dựng các định mức sử dụng năng lượng cho một số ngành công nghiệp trọng điểm…

 

Lời giải cho chiếu sáng tương lai

Tại Hội thảo Tiết kiệm năng lượng gắn với kinh tế xanh trong ngành công nghiệp chiếu sáng diễn ra sáng 22/4 tại Hà Nội, các đại biểu đã tập trung thảo luận về các giải pháp tiết kiệm điện năng trong chiếu sáng. Trong đó, giải pháp sử dụng đèn LED thay thế cho các loại đèn truyền thống hiện tại nhằm đáp ứng hiệu quả và tiết kiệm năng lượng được nhiều người tiêu dùng và doanh nghiệp quan tâm.

Theo PGS.TS Dương Ngọc Huyền – Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, đèn LED và chiếu sáng rắn đang được xem là lời giải cho chiếu sáng tương lai. Xét về ứng dụng, chiếu sáng LED có thể thay thế tất cả các nguồn truyền thống trong vòng 10-15 năm tới. Xét về hiệu quả kinh tế, đây là thiết bị phát sáng có hiệu suất cao nhất do con người tạo ra do đó mang lại hiệu quả cao. Còn xét về công nghệ, đèn LED hiệu quả hơn trong việc chuyển điện thành ánh sáng, vì vậy chúng tiết kiệm năng lượng hơn và tỏa ít nhiệt hơn. Chúng cũng cho phép người sử dụng bật tắt thường xuyên hơn mà không gây ra sự suy giảm đáng kể tuổi thọ bóng đèn trong so sánh với đèn huỳnh quang. Đặc biệt, một trong những lợi ích năng lượng hiệu quả chính của đèn LED là tỷ lệ chuyển hoá năng lượng thành ánh sáng cao hơn nhiều tỷ lệ chuyển hoá thành nhiệt.

Đồng ý với quan điểm này, ông Nguyễn Đoàn Thăng - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông khẳng định: Công nghệ LED đã phát triển nhanh chóng trong vòng năm năm qua. Cụ thể, đèn LED đã được cải tiến với biên độ ánh sáng phủ kín quang phổ, có thể tạo ra ánh sáng với các màu sắc ấm áp hơn, giúp tăng cường hiệu suất lao động tại nơi làm việc. Việc điều chỉnh ánh sáng có thể kéo dài đáng kể tuổi thọ của thiết bị chiếu sáng và phụ kiện. Trên thực tế, chi phí để lắp đặt bộ điều chỉnh độ sáng cũng tương đương với tiết kiệm chi phí thay mới và bảo dưỡng bóng đèn. Đối với tất cả các doanh nghiệp hiện nay đang chịu sức ép về chi phí năng lượng và tìm cách để tiết kiệm chi phí, điều chỉnh ánh sáng là một giải pháp thiết thực cần được xem xét để đạt được mục tiêu trên.

Thực tế đã chứng minh hiệu quả từ việc sử dụng đèn LED trong chiếu sáng. Tuy nhiên, TS Nguyễn Thị Mỹ Dung – Đại diện Bộ Tài chính phía Nam tỏ răng băn khoăn với việc làm thế nào để ngày càng có nhiều người dân, doanh nghiệp thậm chí cả các cơ quan hành chính quan tâm và sử dụng đèn LED là một điều khó khăn bởi giá thành của loại đèn này tương đối lớn. Trong khi hầu hết các doanh nghiệp trong nước chưa tự sản xuất được, hiện đang nhập khẩu từ nước ngoài thì việc thay thế toàn bộ thiết bị chiếu sáng bằng LED đang là vấn đề quá “xa xỉ” với đại đa số bộ phận người dân. Bà Dung đề xuất nên giảm thuế nhập khẩu cho sản phẩm này để giảm giá thành sản phẩm, kích cầu tiêu dùng. Ngoài ra, bà Dung cũng đề xuất nên thành lập Quỹ môi trường để thu hút vốn đầu tư, phát triển công nghệ này ngay trong nước ta.

Phát biểu bế mạc hội thảo, ông Đặng Huy Đông - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh: Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách và quyết tâm để thực hiện việc nâng cao nhận thức và triển khai bằng một loạt các chương trình ứng dụng công nghệ để tiết kiệm năng lượng. Trên thực tế, chúng ta đã đạt được một số kết quả trong thời gian qua nhưng dư địa và tiềm năng vẫn còn rất lớn.

Trong những năm qua, các nhà khoa học, các doanh nghiệp đã kiên nhẫn, bền bỉ tiếp nhận công nghệ đèn LED trên thế giới và ứng dụng vào Việt Nam. Hiện, đã có doanh nghiệp Việt Nam tuyên bố kiểm soát được 80% công nghệ này và đã đưa vào sản xuất trong nước. Đây chính là tiền đề để chúng tôi kiến nghị Chính phủ, Nhà nước phải có chính sách quyết liệt hơn nữa đưa chương trình tiết kiệm năng lượng quốc gia đạt hiệu quả cao trong thời gian tới.

 

Theo Diễn đàn Doanh nghiệp