Thứ bảy, 04/05/2024 | 06:48 GMT+7

Ngành điện cần 6 tỷ USD mỗi năm

25/07/2011

Với nhu cầu đầu tư 5-6 tỷ USD mỗi năm, giá bán hiện nay vẫn chưa đủ khả năng thu xếp vốn cho ngành. Theo Quy hoạch điện 7, giá điện sẽ điều chỉnh tiến tới tiệm cận thị trường, tiệm cận chi phí biên.

Giá bán điện được điều chỉnh dần từng bước theo cơ chế thị trường, dự kiến đến năm 2020 tương đương 8-9 cents mỗi kWh thay vì khoảng 6 cent như hiện tại, theo quy hoạch mới được Thủ tướng duyệt.

Thủ tướng vừa phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 - 2020 có xét đến năm 2030 (Quy hoạch điện 7). Theo đó, sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu năm 2015 khoảng 194 - 210 tỷ kWh. Đến năm 2020, lượng điện sẽ lên tới 330 - 362 tỷ kWh. Con số này sẽ lên tới 695 - 834 tỷ kWh vào năm 2030.

9dee64b7d_nganhdiencan6tyusdmoinamd.jpg

Theo Quy hoạch, thị trường phát điện cạnh tranh sẽ từng bước hình thành. Nhà nước chỉ giữ độc quyền lưới điện truyền tải để đảm bảo an ninh hệ thống năng lượng quốc gia. Các tập đoàn Điện lực, Dầu khí, Công nghiệp Than- Khoáng sản sẽ chịu trách nhiệm chính trong việc phát triển nguồn. Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia chịu trách nhiệm chính trong việc bảo đảm phát triển hệ thống truyền tải.

Tổng vốn đầu tư cho toàn ngành đến năm 2020 khoảng 929,7 nghìn tỷ đồng (tương đương với 48,8 tỷ USD). Trong giai đoạn 2011 - 2030, vốn đầu tư lên tới khoảng 2.359 nghìn tỷ đồng (tương đương 123,8 tỷ USD).

Yêu cầu tiên quyết đối với việc triển khai quy hoạch điện VII chính là thực hiện giá bán theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước nhằm kích thích phát triển, thu hút đầu tư và khuyến khích cạnh tranh trong các khâu xuất khẩu, truyền tải, phân phối và sử dụng điện. Giá bán phải thu hồi được chi phí và mức lợi nhuận hợp lý nhằm bảo đảm các doanh nghiệp được tự chủ về tài chính.

Cụ thể, giá bán sẽ được điều chỉnh theo giá nhiên liệu, tỷ giá hối đoái và cơ cấu sản lượng phát điện. Giá sẽ được giảm dần tiến tới bù chéo giữa các nhóm hàng, giữa các miền, theo mùa và theo vùng. Theo đó, giá điện được điều chỉnh dần từng bước, dự kiến đến năm 2020 tương đương 8-9 cent mỗi kWh.

Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ chiều qua, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng QuốcVượng cho hay, với nhu cầu đầu tư 5-6 tỷ USD mỗi năm, giá bán hiện nay vẫn chưa đủ khả năng thu xếp vốn cho ngành. Theo Quy hoạch điện 7, giá điện sẽ điều chỉnh tiến tới tiệm cận thị trường, tiệm cận chi phí biên.

"Theo tính toán thì chi phí biên là 6-8 cent cho một kWh. Đó là định hướng, nhưng khi nào tăng và tăng với tốc độ bao nhiêu thì sẽ rất linh hoạt", ông Vượng nhấn mạnh.

Cũng theo quy hoạch, tỷ trọng nguồn năng lượng tái tạo điện gió, điện mặt trời... sẽ nâng từ mức 3,5% năm 2010, lên 4,5% tổng điện năng sản xuất vào năm 2020 và đạt 6% vào năm 2030. Tổng công suất nguồn điện gió sẽ lên tới 1.000 MW vào năm 2020 và đạt 6.200 MW vào năm 2030. Tổng công suất thủy điện từ 9.200 MW hiện nay lên 17.400 MW vào năm 2020. Điện hạt nhân sẽ được vận hành từ năm năm 2020 và 10 năm sau, nguồn điện hạt nhân sẽ có công suất 10.700 MW.

Trong giai đoạn 2011 - 2015, đầu tư mở rộng lưới điện quốc gia nhằm cung cấp cho 500.000 hộ dân nông thôn. Nguồn năng lượng điện tái tạo sẽ đáp ứng cho khoảng 377.000 hộ dân nông thôn. Đến năm 2020 hầu hết số hộ dân nông thôn có điện.

Hoàng Lan