Thứ ba, 17/09/2024 | 02:18 GMT+7

Một số vướng mắc về chính sách tài chính khuyến khích sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả

16/11/2007

Trong những năm vừa qua, các cơ quan Chính phủ đã và đang thúc đẩy mạnh các hoạt động trong lĩnh vực tiết kiệm năng lượng. Tuy nhiên trong cơ chế tài chính hiện hành vẫn còn nhiều tồn tại cần nghiên cứu chỉnh sửa để xây dựng một chính sách tài chính khuyến khích có hiệu quả cho các hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Mặc dù Nghị định 102/2003/NĐ-CP cũng đã có quy định việc khuyến khích nhập khẩu, sản xuất các sản phẩm tiết kiệm năng lượng, tuy nhiên mới chỉ dừng lại ở mức độ quy định chung về nguyên tắc, chưa có quy định cụ thể về ưu đãi thuế (thuế xuất, nhập khẩu; thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp), về ưu đãi tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với các dự án nhập khẩu, sản xuất các sản phẩm tiết kiệm năng lượng. Cụ thể là:

Về chính sách ưu đãi đầu tư: theo Danh mục lĩnh vực ngành nghề khuyến khích đầu tư và đặc biệt khuyến khích quy định tại Nghị định 108/2006/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Luật Đầu tư thì không có lĩnh vực, ngành nghề sản xuất sản phẩm tiết kiệm năng lượng (Phụ lục A Danh mục lĩnh vực ưu đãi đầu tư Ban hành kèm theo Nghị định số 108/2006/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư).

Như vây, dự án sản xuất sản phẩm tiết kiệm năng lượng, hoặc nhập khẩu hàng hoá, nguyên vật liệu, máy móc, thiết bị, dây chuyền…để sản xuất sản phẩm tiết kiệm năng lượng không thuộc lĩnh vực, ngành nghề khuyến khích đầu tư theo quy định của Luật đầu tư hiện hành.

Về chính sách thuế:

Thuế nhập khẩu: Điều 16 Luật thuế xuất khẩu, nhập khẩu hiện hành quy định ưu đãi thuế nhập khẩu (miễn thuế) đối với các trường hợp: (i) Hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định của dự án khuyến khích đầu tư; (ii)Nguyên liệu, vật tư, linh kiện nhập khẩu để sản xuất của dự án thuộc Danh mục lĩnh vực đặc biệt khuyến khích đầu tư … được miễn thuế nhập khẩu trong thời hạn năm năm, kể từ khi bắt đầu sản xuất; (iii) Các trường hợp cụ thể khác do Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Như vậy, để được hưởng các ưu đãi miễn thuế nhập khẩu thì các dự án sản xuất, nhập khẩu hàng hoá là sản phẩm tiết kiệm năng lượng hoặc nhập khẩu nguyên liệu, vật tư …để sản xuất ra sản phẩm tiết kiệm năng lượng phải thuộc danh mục lĩnh vực, ngành nghề ưu đãi đầu tư theo quy định của Luật đầu tư và Nghị định quy định chi tiết thi hành. Nhưng theo Danh mục lĩnh vực, ngành nghề ưu đãi đầu tư ban hành kèm theo Nghị định 108/2006/NĐ-CP thì lại không có lĩnh vực, ngành nhề sản xuất, nhập khẩu sản phẩm tiết kiệm năng lượng.

Mặc dù, tại Điều 16 Luật thuế xuất khẩu, nhập khẩu có quy định “mở” đối với các trường hợp khác (được hưởng ưu đãi miễn thuế nhập khẩu) theo quy định của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, Nghị định 102/2003/NĐ-CP lại không quy định cụ thể các trang thiết bị, vật tư, dây chuyền công nghệ nhập khẩu cho mục đích tiết kiệm năng lượng, các sản phẩm thuộc danh mục các sản phẩm tiết kiệm năng lượng được hưởng ưu đãi miễn thuế nhập khẩu  mà chỉ nêu nguyên tắc thực hiện theo của quy định pháp luật về thuế.

Vì vậy, căn cứ theo pháp luật hiện hành về đầu tư, về thuế nhập khẩu thì các dự án nhập khẩu hàng hoá là sản phẩm tiết kiệm năng lượng hoặc nhập khẩu nguyên liệu, vật tư …để sản xuất ra sản phẩm tiết kiệm năng lượng không được hưởng ưu đãi miễn thuế nhập khẩu.

Thuế thu nhập doanh nghiệp: Theo quy định tại Luật thuế thu nhập doanh nghiệp và Nghị định 164/2003/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành luật thuế thu nhập doanh nghiệp thì để được ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp doanh nghiệp ngoài điều kiện về địa bàn đầu tư và số lượng lao động sử dụng là các điều kiện do doanh nghiệp tự xác định và thực hiện thì điều kiện về lĩnh vực, ngành nghề ưu đãi đầu tư là do cấp có thẩm quyền quyết định. Tuy nhiên, như đã nói trên thì không có lĩnh vực, ngành nghề sản xuất sản phẩm tiết kiệm năng lượng trong Danh mục lĩnh vực ngành nghề khuyến khích đầu tư và đặc biệt khuyến khích đầu tư quy định tại Nghị định 108/2006/NĐ-CP. Do vậy, các dự án sản xuất sản phẩm tiết kiệm năng lượng sẽ không được hưởng ưu đãi về miễn, giảm và thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định tại Điều 17 Nghị định 164/2003/NĐ-CP: Miễn thuế, giảm thuế cho dự án đầu thành lập cơ sở kinh doanh mới thuộc ngành nghề, lĩnh vực, địa bàn khuyến khích đầu tư…được áp dụng thuế suất 20%, 15%, 10%. Dự án đầu tư thành lập cơ sở kinh doanh mới thuộc ngành nghề, lĩnh vực khuyến khích đầu tư …được miễn thuế tối đa là bốn năm, kể từ khi có thu nhập chịu thuế và giảm 50% số thuế phải nộp tối đa là chín năm tiếp theo.

Thuế giá trị gia tăng: Điều 7 Nghị định 158/2003/NĐ-CP ngày 10/12/2003 quy định chi tiết Luật thuế giá trị gia tăng quy định mức thuế suất 10% đối với hàng hoá, dịch vụ: " Sản phẩm điện tử; sản phẩm cơ khí tiêu dùng, đồ điện ; Sản phẩm gốm, sứ, thuỷ tinh, cao su, nhựa; gỗ và sản phẩm bằng gỗ, xi măng, gạch, ngói và vật liệu xây dựng khác (trừ các loại sản phẩm thuộc nhóm thuế suất 5%) »

Như vậy, theo quy định hiện hành thì các hàng hoá sản phẩm điện tử, có khí tiêu dùng, sản phẩm là vật liệu xây dựng… trong đó bao gồm cả các sản phẩm điện tử, cơ khí tiêu thụ năng lượng thấp và các loại vật liệu xây dựng cách nhiệt tốt đang phải chịu mức thuế suất (10%) cao hơn so với các sản phẩm khác có mức suất 5%, hoặc không phải chịu thuế giá trị gia tăng.

Về chính sách tín dụng:

Theo quy định hiện hành về chính sách ưu đãi tín dụng thì doanh nghiệp có thể được hưởng ưu đãi tín dụng dưới 01 trong 03 hình thức: Vay ưu đãi; Hỗ trợ lãi suất sau đầu tư và Bảo lãnh tín dụng đầu tư. Đối với hình thức thứ nhất thì điều kiện để được hưởng là doanh nghiệp phải thuộc Danh mục các dự án, chương trình do Chính phủ quyết định cho từng thời kỳ, còn đối với với 02 trường hợp sau (hỗ trợ lãi suất và bảo lãnh tín dụng) thì doanh nghiệp phải có dự án đầu tư theo Danh mục ngành nghề thuộc lĩnh vực được hưởng ưu đãi đầu tư.

Tại khoản 3 Điều 15 Nghị định 102/2003/NĐ-CP chỉ quy định cho vay ưu đãi (vay vốn trung hạn hoặc dài hạn) đối với doanh nghiệp có dự án đầu tư sản xuất sản phẩm tiết kiệm năng lượng, nhập khẩu dây chuyền công nghệ mới hoặc đầu tư chiều sâu nhằm tiết kiệm năng lượng.

Như vậy, ngoài hình thức được vay vốn với lãi suất ưu đãi nêu trên thì doanh nghiệp không được hưởng chính sách ưu đãi về hỗ trợ lãi suất sau đầu tư hay bảo lãnh tín dụng do Danh mục lĩnh vực, ngành nghề ưu đãi đầu tư ban hành kèm theo Nghị định 108/2006/NĐ-CP không quy định cho lĩnh vực, ngành nhề sản xuất, nhập khẩu sản phẩm tiết kiệm năng lượng như đã trình bày ở trên.

Về chính sách khác:

Tiền sử dụng đất: Điều 12 Nghị định 198/2004/NĐ-CP về thu tiền sử dụng đất quy định ngoài các trường hợp cụ thể được miến, giảm tiền sử dụng đất thì còn có các trường hợp ưu đãi miễn, giảm tiền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về khuyến khích đầu tư và các trường hợp khác theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Tuy nhiên, Luật đầu tư (2006) cũng không quy định cụ thể việc miễn, giảm tiền sử dụng đất cho các dự án thuộc diện ưu đãi đầu tư mà lại quy định chung là (Điều 36): “ Nhà đầu tư đầu tư trong lĩnh vực ưu đãi đầu tư, địa bàn ưu đãi đầu tư được miễn, giảm tiền thuê đất, tiền sử dụng đất, thuế sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật về thuế.

Như vậy, giữa Luật đầu tư và Luật đất đai đã có sự mẫu thuẫn nhau về việc quy định ưu đãi miễn giảm tiền sử dụng đất, không có luật nào quy định cụ thể mức đãi cho các dự án thuộc diện ưu đãi đầu tư (lĩnh vực, ngành nghề khuyến khích đầu tư hoặc đặc biệt khuyến khích đầu tư).

Điều 12 Nghị định 198/2004/NĐ-CP có quy định “mở” về ưu đãi miễn, giảm tiền sử dụng đất đối với trường hợp khác do Thủ tướng Chính phủ quy định, tuy nhiên Nghị định 102/2003/NĐ-CP lại không quy định cụ thể việc miễn, giảm tiền sử dụng đất đối với các dự án xin giao đất có thu tiền sử dụng đất để làm mặt bằng sản xuất sản phẩm tiết kiệm năng lượng, do đó không có cơ sở để hướng dẫn việc miễn, giảm tiền sử dụng đất đối với các dự án sản xuất sản phẩm tiết kiệm năng lượng.

Tiền thuê đất: Tương tự như tiền sử dụng đất, Luật đất đai 2003 và Nghị định 142/2006/NĐ-CP về thu tiền thuê đất, mặt nước cũng chỉ quy định nguyên tắc chung ưu đãi miễn, giảm tiền thuê đất cho các dư án thuộc diện khuyến khích đầu tư, còn lĩnh vực ưu đãi và mức ưu đãi cụ thể thì theo quy định của pháp luật về đầu tư. Tuy nhiên, theo Danh mục lĩnh vực, ngành nghề thuộc diện khuyến khích đầu tư và đặc biệt khuyến khích đầu tư thì lại không có tên lĩnh vực sản xuất sản phẩm tiết kiệm năng lượng và mặc dù Nghị định 142/2005/NĐ-CP cũng có quy định “mở” về ưu đãi miễn, giảm tiền thuê đất đối với trường hợp do Thủ tướng Chính phủ quy định nhưng Nghị định 102/2003/NĐ-CP cũng không quy định cụ thể việc ưu đãi miễn, giảm tiền thuê đất đối với các dự án xin thuê đất để làm mặt bằng sản xuất sản phẩm tiết kiệm năng lượng, vì vậy cũng không có cơ sở hướng dẫn việc miễn, giảm tiền thuê đất cho trường hợp này.

Phúc Lộc