Chủ nhật, 05/05/2024 | 18:33 GMT+7

Ngành gốm sứ: Tiết kiệm năng lượng bằng mở rộng dung tích lò

15/01/2007

Gốm sứ là ngành cần nhiều nhiệt năng trong quá trình sản xuất. Vì vậy, ngành này còn tiềm ẩn nhiều biện pháp tiết kiệm năng lượng. Dự án nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong các doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa đã dành nhiều quan tâm cho ngành gốm sứ. Khi áp dụng, doanh nghiệp tiết kiệm hàng chục ngàn USD chi phí mở rộng sản xuất và chi phí nhiên liệu.

Bỏ thói quen cũ

Xuất phát từ làm ăn nhỏ, các DN gốm sứ thường có rất nhiều lò nung nhưng hầu hết đều có dung tích nhỏ hơn 10 m3. Thực tế này đã tồn tại từ rất lâu. Nhưng gần đây, khi giá nhiên liệu tăng vọt, phương án tiết kiệm năng lượng được đặt ra. Khi đó, các DN bắt đầu chú ý đến dung tích của lò nung. Vinaceglass được “Dự án nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong các DN nhỏ và vừa” chọn thực hiện dự án “Hoàn thiện, mở rộng dung tích các lò bông gốm có dung tích nhỏ hơn 10 m3 hiện đang sử dụng ở các làng nghề gốm sứ”. Mục tiêu của dự án là mở rộng dung tích lò nung nhưng phải tiết kiệm năng lượng.

Theo tính toán cân bằng năng lượng, lò 9,5 m3 trước khi áp dụng biện pháp nghiên cứu, trung bình thải ra 40,71 m3 CO2/m3 dung tích hữu ích. Trong khi đó, lò 12 m3 sau khi áp dụng các biện pháp nghiên cứu trung bình chỉ còn thải ra 37,81 m3 CO2/m3 dung tích hữu ích. Như vậy, áp dụng biện pháp tiết kiệm năng lượng, trước mắt đã giảm được 5% khí thải gây hiệu ứng nhà kính.

Với giá thành hiện nay, chi phí đầu tư xây dựng một lò nung dung tích 7 m3 phải tốn 17.000 USD. Trong khi đó, chi phí để nâng cấp 3 lò từ 9,5 m3 lên 12 m3 chỉ tốn 7.000 USD. Như vậy, với phương án này DN tiết kiệm được 10.000 USD cho chi phí mở rộng quy mô sản xuất.

Ngoài ra, việc mở rộng dung tích lò cũng làm giảm đáng kể lượng gas sử dụng đốt lò. Theo tính toán thực tế, nếu so với xây dựng lò 7 m3, việc mở rộng 3 lò từ 9,5 m3 lên 12 m3 sẽ tiết kiệm được 1.838,25 USD/năm chi phí mua gas.

Cải tiến lò ngoại thành lò nội

Một DN gốm ở làng nghề Bát Tràng đã bấm bụng bỏ ra 43.000 USD để nhập một lò nung của Hàn Quốc có dung tích 8 m3. Nhưng lò nung nhập ngoại này lại không hiệu quả về sử dụng năng lượng và chất lượng sản phẩm. Chỉ khoảng 50%-60% sản phẩm đạt loại A, thời gian nung kéo dài 18 giờ - 20 giờ.

Sau đó, DN này chấp nhận phương án nâng dung tích lên 15 m3. Kết quả, thời gian nung mỗi mẻ giảm còn 10 giờ, giảm được gần một nửa lượng gas sử dụng đốt lò. Chất lượng sản phẩm cũng được cải thiện rõ rệt.

Đến nay, điển hình này đã được nhân rộng ở làng nghề Bát Tràng.

(Nguồn: BTM)