Thứ bảy, 04/05/2024 | 11:11 GMT+7

Tổng quan về hiện trạng phát triển thủy điện nhỏ ở các nước thành viên mới và chuẩn bị gia nhập liên minh Châu Âu

20/12/2006

Bài viết này đưa ra cái nhìn tổng thể về lĩnh vực thủy điện nhỏ ở những thành viên mới và các nước chuẩn bị gia nhập EU.

Thủy điện nhỏ đóng vai trò chủ yếu trong việc phát triển nguồn năng lượng tái tạo của Liên minh Châu Âu, đặc biệt là trong Châu Âu mở rộng. Song song với phát triển nhu cầu điện, các thỏa thuận quốc tế trong việc giảm khí nhà kính (như nghị định thư Kyoto), sự suy thoái môi trường từ việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch, và thực tế là ở rất nhiều nước Châu Âu, thủy điện lớn đã và đang được khai thác hết, do vậy, phát triển thủy điện nhỏ đang được quan tâm.

Xu hướng này đã được nêu bật trong Sách trắng của Uỷ ban Châu Âu về năng lượng tái tạo Uỷ ban phát điện từ năng lượng tái tạo của Ủy ban Châu Âu. Cả hai tổ chức này đều thống nhất quan điểm rằng cần phải tăng cường việc sử dụng năng lượng tái tạo để giảm các tác động môi trường, đảm bảo an ninh cung cấp năng lượng và phát triển bền vững. Hướng dẫn này đã thiết lập các mục tiêu quốc gia cho tiêu thụ năng lượng từ nguồn năng lượng tái tạo, thúc đẩy các chính sách hỗ trợ quốc gia, kêu gọi các nước thành viên đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong quá trình cấp phép và để bảo đảm kết nối với hệ thống truyền tải và phân phối điện từ các nguồn năng lượng tái tạo.

Theo Hướng dẫn năng lượng tái tạo, nguồn phát điện từ năng lượng tái tạo cần phải cung cấp 22% điện năng đến năm 2010 trong những quốc gia thành viên hiện tại của EU. Nhưng vào ngày 1/5/2004, 8 nước Đông Âu và 2 nước Địa Trung Hải (Cộng hòa Séc, Cyprus, Estonia, Hungary, Latvia, Lithuania, Malta, Ba Lan, Slovakia, Slovenia) đã gia nhập EU. Bungari, Rumani và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ gia nhập EU trong tương lai gần. Do vậy, mục tiêu quốc gia cho các thành viên mới và các ứng viên của EU trong việc đóng góp điện năng phát từ năng lượng tái tạo so với tổng điện năng tiêu thụ đến năm 2010 đã thay đổi. Các số liệu thống kê chỉ ra rằng 2 quốc gia, Latvia và Slovenia có mục tiêu cao nhất trong việc đóng góp phát điện từ nguồn năng lượng tái tạo đến năm 2010.

Từ hơn 100 năm qua, thủy điện nhỏ đã được khai thác để phát điện ở những quốc gia này, trừ MaltaCyprus. Những quốc gia dẫn đầu là Cộng hòa Séc, Rumani, Ba Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, Bungari, Slovenia và Slovakia. Hiện tại, hầu hết ở tất cả các thành viên mới, thủy điện nhỏ là nguồn chiếm ưu thế trong việc phát điện từ năng lượng tái tạo. Có một điểm thú vị khi so sánh phần trăm của thủy điện trong phát điện từ nguồn năng lượng tái tạo ở những nước được phân tích: hầu hết ở tất cả những nước thủy điện là nguồn chiếm ưu thế trong phát điện từ năng lượng tái tạo. Thủy điện nhỏ được ước tính chiếm khoảng 4,6% tổng điện năng phát từ thủy điện ở những nước thành viên mới và ứng viên của EU. Không một nguồn năng lượng tái tạo nào khác (gió, biomass,…) có thể so sánh được với thủy điện nhỏ ở những nước này.

Giống như 15 nước thành viên của EU, những thành viên mới không có sự thống nhất trong việc xác định ngưỡng công suất thủy điện nhỏ (Ba Lan < 5 MW, Latvia < 2 MW và Estonia < 1 MW), vì vậy, bài viết này sử dụng ngưỡng công suất cho thủy điện nhỏ là < 10 MW. Con số này được Uỷ ban thủy điện nhỏ Châu Âu (ESHA), Uỷ ban Châu Âu và Hiệp hội sản xuất và phân phối điện thế giới (UNIPEDE) chấp nhận áp dụng.

Tính đến nay, hơn 82% tiềm năng khả thi về kinh tế đã được khai thác ở những nước thành viên cũ của EU 15. Tỷ lệ khai thác nguồn thủy điện nhỏ ở EU 10 ít hơn gần 2 lần so với EU 15 và rất nhỏ ở những quốc gia chuẩn bị gia nhập (5,8%).

Tình hình khai thác thủy điện nhỏ ở những nước thành viên mới của Châu Âu như sau: lớn nhất là những nước Cộng hòa Séc, Rumani, Slovenia và Bungari (từ 40% đến 60% tiềm năng khả thi về kinh tế), ở Estonia, Latvia và Lithuania (khoảng 15 đến 20%), Thổ Nhĩ Kỳ 3%. Tiềm năng khả thi về kinh tế ước tính vào khoảng 26 TWh/năm ở những nước thành viên mới và những nước chuẩn bị gia nhập. Phần lớn tiềm năng này nằm ở Thổ Nhĩ Kỳ (chiếm khoảng 80% tương ứng với 19.300 GWh/năm). Ba Lan và Rumani đứng hàng thứ 2, nhưng tiềm năng chỉ bằng 1/6 đến 1/10 của Thổ Nhĩ Kỳ. Nhóm thứ 3 là các nước Cộng hòa Séc, Slovenia, Bungari và Slovakia. Tiềm năng khả thi về kỹ thuật của những nước này từ 755 đến 2800 GWh/năm và tiềm năng khả thi về kinh tế của những nước này từ 700 đến 1.480 GWh/năm. Tiếp sau đó là LatviaLithuania, cuối cùng là EstoniaHungary  (hai nước này chỉ có một vài trạm thủy điện nhỏ tồn tại).

Ở những nước EU-15 cũ, có khoảng 1.400 trạm thủy điện nhỏ đang vận hành với quy mô trung bình là 0,7 MW. Ở các nước EU-10 (mới) có khoảng 2.770 trạm thủy điện nhỏ (quy mô trung bình là 0,3 MW) và với các nước ứng viên là 390 trạm (quy mô trung bình là 1,6 MW). Qua những con số trên có thể nhận thấy là ở những nước thành viên mới của EU (10 nước) phổ biến các nhà máy thủy điện nhỏ (với quy mô công suất trung bình chỉ bằng ½ so với các nước EU-15). Trong khi đó, ở những nước ứng viên, quy mô công suất trung bình của các trạm thủy điện nhỏ xấp xỉ 2 lần so với các nước EU-15. Thực tế là những trạm thủy điện thuộc các nước EU-15 đã được xây dựng từ lâu và đã trải qua nhiều năm vận hành. Các nước thành viên mới và ứng viên, đặc biệt là các nước ứng viên có các nhà máy thủy điện nhỏ mới xây dựng và vận hành.

Tổng công suất lắp máy của các trạm thủy điện nhỏ đã xây dựng ở những nước thành viên mới và ứng viên thấp hơn các nước thành viên cũ ít nhất là 10 lần. Điện năng phát của các trạm thủy điện nhỏ ở EU-15 cao hơn EU-10 đến 15 lần và cao hơn các nước ứng viên đến 30 lần.

Từ những năm 1960, thủy điện nhỏ dần bị suy giảm ở một số nước thành viên mới. Rất nhiều trạm thủy điện nhỏ đã bị đóng cửa do đã vận hành quá lâu và do sự cạnh tranh từ những nhà máy lớn hơn, mới hơn (những nhà máy này phần lớn sử dụng nhiên liệu hóa thạch). Tổng cộng có khoảng 3.200 nhà máy đã được lắp đặt ở 12 nước đã được đề cập ở trên với công suất lắp máy vào khoảng 1.430 MW. Quy mô trung bình của các nhà máy thủy điện nhỏ vào khoảng 0,44 MW (0,7 MW ở những nước EU-15). Đồ thị chỉ ra rằng Cộng hòa Séc có số lượng trạm thủy điện nhỏ lớn nhất (1.302 MW), tiếp theo là Ba Lan (608 MW), Slovenia (400 MW) và Rumani (234 MW). Hai nước hầu như không sử dụng thủy điện là MaltaCyprus (chỉ có 1 trạm thủy điện nhỏ đang vận hành). Nếu sắp xếp thứ tự về công suất lắp máy của các trạm thủy điện nhỏ đang vận hành thì Rumani (275 MW), Cộng hòa Séc (273 MW), Ba Lan (238 MW) là 3 nước dẫn đầu.

Phần lớn các nước trong EU-10 (thành viên mới) có hơn một nửa trên tổng số trạm thủy điện nhỏ là các nhà máy thủy điện nhỏ cột nước thấp (H < 5 m), đặc biệt phổ biến là ở những nước Trung và Đông Âu. Những quốc gia nằm phần lớn ở Nam Âu (Slovenia, Bungari, Rumani và Thổ Nhĩ Kỳ) có số trạm thủy điện nhỏ cột nước cao nhiều nhất.

Các nước Hungary, cộng hòa Czech và Bulgaria là những nước có các trạm thủy điện già nhất (hoạt động nhiều năm). Hungary có 100%, cộng hòa Czech có 70% và Bungaria có 65% các trạm thủy điện đã hoạt động trên 40 năm. Các quốc gia Đông Âu (Estonia, Latvia, Lithuania, Ba Lan, Slovenia), Rumani và Thổ Nhĩ Kỳ có nhiều các trạm thủy điện mới xây dựng.

Phần lớn các trạm thủy điện nhỏ thuộc sở hữu của tư nhân, cộng hòa Czech (90%), Estonia (93%), Hungary (100%), Latvia (93%), Lithuania (100%), Bulgaria (84%), trong khi đó tỷ lệ này ở Ba Lan (6%), Thổ Nhĩ Kỳ (20%) và Rumani (0%) là rất thấp.

Công suất lắp máy và điện lượng dự đoán sẽ tăng 11% vào năm 2010, 30% vào năm 2015 ở những nước EU-15. Với các nước thành viên mới thì tỷ lệ này là 11% và 49%. Các nước ứng viên được dự báo là tăng trưởng rất nhanh trong lĩnh vực thủy điện nhỏ với tỷ lệ tăng công suất lắp máy và điện lượng là 34% năm 2010 và 72% năm 2015 (so với năm 2002)

Cộng hòa Czech và Slovenia là những nước có trình độ sản xuất turbine cao nhất. Hungary và Rumani cũng có năng lực trong việc sản xuất turbine. Ở những nước này đều có những nhà sản xuất turbine đã được thế giới công nhận. Công nghiệp sản xuất turbine ở Ban Lan đã phát triển vào những năm 1890 với nhiều xí nghiệp nhỏ sản xuất thiết bị tự động hóa cho các trạm micro cột nước thấp. Đôi khi cũng đã sản xuất được turbine tới công suất 2,5 MW nhưng không có công ty lớn nào có đủ cả kỹ thuật lẫn năng lực chế tạo. Trong những nước EU-10, LatviaLithuania là những nước có năng lực chế tạo turbine cho thủy điện nhỏ kém nhất. Theo như các số liệu hiện có, LatviaLithuania không có ngành công nghiệp chế tạo turbine cho thủy điện nhỏ.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển thủy điện nhỏ, Chính phủ của những nước này đã thiết lập một hệ thống chính sách hỗ trợ. Đó có thể là hỗ trợ về điện năng phát hoặc chi phí đầu tư. Giống như ở các nước EU-15, các nước EU-10 và các ứng viên áp dụng cơ chế hỗ trợ về giá. Cơ chế này cho phép các trạm thủy điện nhỏ được hưởng giá bảo đảm cho điện năng phát. Tỷ lệ mua lại (buy-back) trung bình được áp dụng cho các trạm thủy điện nhỏ vào khoảng 5 Eurocent/Kwh, nước thấp nhất là Bulgaria (3,1 Eurocent/Kwh) và cao nhất là Hungary (7,3 Eurocent/Kwh).

Các kết quả nhiên cứu cũng chỉ rõ rằng ở phần lớn tất cả các nước thành viên mới và ứng viên, tỷ lệ buy-back được sử dụng là không đủ để thu hút đầu tư tư nhân và bảo đảm cho các nhà đầu tư có thể tin cậy. Không một quốc gia nào sử dụng những hệ thống giá phụ dựa trên cơ chế giá xanh (green prices schemes).

Ở một số quốc gia thuộc EU-10 và các nước chuẩn bị gia nhập đã xuất hiện dư luận phản đối việc phát triển thủy điện nhỏ. Tuy nhiên những phản đối này thưòng chỉ xuất hiện trong những trường hợp cá biệt cụ thể. Ví dụ như ở Slovenia, những ảnh hưởng tới cảnh quan của trạm thủy điện nhỏ là rào cản cho việc phát triển thủy điện nhỏ ở Slovenia. Bảo vệ nguồn cá là một vấn đề mấu chốt đối với hầu hết tất cả các nước trừ Rumani, Thổ Nhĩ Kỳ và Bulgaria. Ngoài ra một số trở ngại đối với các công trình ngăn nước xuất phát từ việc mở rộng những vùng bảo tồn bao gồm cả lòng sông theo NATURA 2000 (mạng lưới các khu bảo tồn của EU), quyền sở hữu đất và suy giảm chất lượng nước.

Việt Hòa