Thứ ba, 07/05/2024 | 09:11 GMT+7

Tái chế vỏ trấu thành năng lượng tái sinh

19/09/2013

Giải pháp "Sản xuất vật liệu chất đốt bằng việc tái chế vỏ trấu" đã tận dụng được trấu để sản xuất ra loại chất đốt kinh tế và không ô nhiễm môi trường

Giải pháp "Sản xuất vật liệu chất đốt bằng việc tái chế vỏ trấu" đã tận dụng được trấu để sản xuất ra loại chất đốt kinh tế và không ô nhiễm môi trường (củi trấu). Đây là dạng năng lượng tái sinh, chi phí thấp, thay thế than đá, dầu DO, FO...

Hàng năm, sau mỗi vụ mùa, lượng trấu thải ra môi trường rất lớn, gây ô nhiễm và lãng phí nguồn nguyên liệu tự nhiên. Người ta đã biết cách tận dụng sự hữu hiệu của trấu để làm năng lượng tái sinh, phục vụ cho cuộc sống hàng ngày, giảm chi phí xử lý môi trường, tăng tuổi thọ của thiết bị và thu nhập.

Trấu có khả năng cháy và sinh nhiệt tốt do thành phần có 75% là chất xơ. Nhiều năm trở lại đây, ngành công nghiệp xay xát, chế biến lương thực ở thị xã Quảng Trị có sự chuyển biến và phát triển mạnh. Tuy nhiên, cũng chính từ đó mà vấn đề ô nhiễm môi trường từ khói bụi và trấu thải ra trong quá trình xay xát khá trầm trọng. Trước tình hình đó, phòng kinh tế thị xã đã tham mưu cho UBND thị xã Quảng Trị thực hiện đề án sản xuất than củi từ trấu phế thải. Sau hai năm thực hiện, đề án này không những giải quyết được vấn đề ô nhiễm môi trường, mà còn đem lại hiệu quả kinh tế cao cho doanh nghiệp, tạo công ăn việc làm cho hàng chục người lao động.

caf14762b_sneichderelectric53341379299667.jpg
Máy ép củi trấu.

Hiện trên địa bàn thị xã có hàng chục các nhà máy xay xát và chế biến lương thực đang vận hành. Đặc biệt, tại khu vực điểm quy hoạch Ba Bến, thuộc phường 2 thị xã Quảng Trị có 3 doanh nghiệp xay xát chế biến với công suất lớn là cơ sở Hiệt Thinh, Hùng Oanh và Công ty TNHH Hoành Huệ. Ba cơ sở này mỗi năm đã thải ra từ 4.000 đến 5.000 tấn trấu một năm. Điều này đã gây ô nhiễm môi trường trong khu vực cũng như lãng phí nguồn nguyên liệu từ trấu.

Trước thực trạng đó, phòng kinh tế thị xã Quảng Trị đã tìm hiểu và áp dụng công nghệ định hình sinh khối để sản xuất thành nhiên liệu có chất lượng cao từ trấu, sản xuất bánh than củi trấu nhằm giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường, tạo ra nguồn chất đốt ở nông thôn. Đây là một loại chất đốt không gây ô nhiễm môi trường và không gây hại đến sức khoẻ con người. Hơn nữa giá thành lại rẻ hơn một nửa so với nhiều loại chất đốt khác như than đá hay nhiệt điện… nên nhiều doanh nghiệp sản xuất - chế biến các mặt hàng sử dụng lò hơi có xu hướng chuyển sang dùng củi trấu để thay thế. Chính vì vậy, sau gần hai năm thực hiện việc chế biến chất đốt từ trấu phế thải, sản phẩm củi đốt từ trấu của các nhà máy kể trên không đủ cung ứng cho các doanh nghiệp làm gốm, sấy thuỷ sản, cà phê…

Cơ sở xay xát và chế biến trấu thải thành củi đốt Hiệt Thinh tại cụm xay xát chế biến lương thực Ba Bến thuộc phường 2, thị xã Quảng Trị có gần 10 công nhân đang miệt mài làm việc, cùng sự vận hành của giàn máy ép trấu đang cho ra những thanh củi trấu chất lượng cao.

Một  chủ doanh nghiệp xay xát chế biến lương thực cho biết trước đây, số trấu thải ra chất cao như núi, chúng tôi cho người dân trong vùng lấy về đốt lò phần còn lại phải đốt bỏ, gây ô nhiễm môi trường xung quanh. Mặt khác, do các cơ sở xay xát nằm gần kề với bờ kênh thủy lợi Nam Thạch Hãn, nên trấu tràn ra bờ kênh làm tắc nghẽn dòng chảy, ảnh hưởng đến việc tưới tiêu đồng ruộng. Nhưng gần hai năm nay, doanh nghiệp này đã tận dụng trấu để ép thành củi đốt nên việc ô nhiễm môi trường không còn. Hiện trấu thải ra không đủ để ép củi và phải đi thu mua từ các cơ sở xay xát trong vùng.

Mỗi nhà máy ép trấu thành củi có công suất 1,2 tạ củi một giờ sẽ giải quyết trên 10 lao động trên địa bàn với mức lương 3-5 triệu đồng một tháng. "Khi chưa làm trong nhà máy này, tôi chỉ biết làm ruộng hay phụ thợ hồ để kiếm sống hàng ngày, cuộc sống vất vả lắm. Từ khi vào làm tại cơ sở sản xuất trấu thành củi đốt này, cuộc sống của gia đình tui đã khá giả hơn, lương tháng ốn định nên có điều kiện để nuôi 2 đứa con ăn học tốt hơn", một công nhân đang làm việc tại cơ sở ép trấu thành củi chia sẻ.

Mặt khác, từ khi những cơ sở ép trấu thành củi đốt ra đời đã giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường trong khu vực và giảm một phần chi phí rất lớn trong việc xử lý chất thải từ trấu ra môi trường. Một chủ doanh nghiệp cho biết, ngoài việc tạo công ăn việc làm ổn định cho gần 10 công nhân. Nếu tính trừ mọi chi phí, doanh nghiệp này cũng lãi 300-400 triệu đồng một năm từ việc ép trấu thành chất đốt và giảm tiêu tốn khoảng trên 200 triệu đồng một năm để xử lý chất thải.

Củi trấu có thể sử dụng cho lò trấu truyền thống, bếp than, bếp than đá rất dễ vì bắt lửa nhanh, không có khói và cháy có mùi dễ chịu. Vì vậy, sử dụng trấu để sản xuất thành củi trấu là giải pháp vừa kinh tế vừa góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Với mức đầu tư gần 6 tỷ đồng, các cơ sở xay xát chế biến ở thị xã Quảng Trị đã mạnh dạn đầu tư thiết bị để xây dựng hệ thống dây chuyền máy ép củi từ trấu là việc làm thích hợp với nhu cầu kinh doanh. Hiện nay,  trên địa bàn tỉnh ta và các tỉnh khu vực miền Trung chưa có loại sản phẩm này. Nó thay thế củi mình đốt truyền thống và phục vụ nhu cầu chất đốt của các cơ sở sản xuất công nghiệp tại các lò đốt, mang lại hiệu quả thiết thực và bảo vệ môi trường sinh thái.

Việc sản xuất củi từ trấu phế thải không chỉ tạo ra được chất đốt, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, mà còn mở ra triển vọng giải quyết tình trạng khan hiếm chất đốt ở vùng nông thôn, giảm nạn phá rừng, thay thế các loại nhiên liệu ga, dầu lửa, mang lại hiệu quả kinh tế trong quá trình sản xuất. Do đó, việc ứng dụng khoa học kỹ thuật chế biến từ trấu trở thành củi đang là mô hình đưa lại hiệu quả cao và có thể áp dụng được với nhiều địa phương khác có số máy xay xát gạo quy mô lớn.

Ngoài ra, trấu còn được sử dụng làm sơn nano chống đạn. Nguyên liệu chính để làm ra các loại sơn nano này là silicat nano từ vỏ trấu được tách ra, giá trị lớn gấp trăm lần so với trấu, được dùng cho nhiều lĩnh vực như sơn, chống thấm, mỹ phẩm, dược phẩm, vi tính…

Loại sơn này được dùng cho các áo chống đạn để tăng khả năng chống đạn lên nhiều lần và giúp giảm cân nặng cho áo. Áo chống đạn sử dụng sơn nano từ trấu đã được thử nghiệm ở Campuchia với sự hỗ trợ của quân đội nước này. Kết quả, viên đạn súng lục không xuyên qua 6 lớp vải khi có sơn chống đạn, ở cự ly 2 m, trong khi áo chống đạn bình thường có 20 - 40 lớp vải nên trọng lượng rất nặng.

6a12b4e37_sneichderelectric380761379299667.jpg

PGS.TS Nguyễn Thị Hòe giới thiệu áo chống đạn làm bằng vải có phủ sơn nano làm từ trấu.

PGS.TS Nguyễn Thị Hòe sẽ đưa sáng chế này đăng ký ở Mỹ và hy vọng sẽ nhận được giấy phép của Mỹ để có thể chuyển giao công nghệ cho các công ty sản xuất áo chống đạn trên thế giới. Mặt khác, trong chương trình nghiên cứu của mình, bà còn tập trung vào vật liệu chống cháy với bề mặt chủ yếu là bê tông, gỗ, sắt thép. Sản phẩm sơn chống cháy nano từ trấu bảo vệ các bề mặt bê tông, thép, gỗ... trong tòa nhà dưới sức nóng lên đến 1.000 độ C của lửa trong vòng 2-6 tiếng.

Sơn kháng khuẩn được sự quan tâm của giới y khoa. Loại sơn này được tích hợp công nghệ nano bạc và các hợp chất hữu cơ đặc biệt tạo ra khả năng diệt đến 99% vi khuẩn trên bề mặt sơn. Khả năng diệt khuẩn của sản phẩm đã được chứng nhận tại Singapore và sản phẩm đang được bán tại nước này.

Theo Vnexpress.net