Thứ bảy, 20/04/2024 | 12:47 GMT+7

Cần đẩy mạnh tiết kiệm điện

02/06/2010

Chiều 1-6, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã họp báo về tình hình vận hành, cung ứng điện tháng 5 và kế hoạch cung ứng trong tháng 6. Theo đó, còn khoảng 20 ngày nữa, tình hình cấp điện vẫn tiếp tục căng thẳng.

Chiều 1-6, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã họp báo về tình hình vận hành, cung ứng điện tháng 5 và kế hoạch cung ứng trong tháng 6. Theo đó, còn khoảng 20 ngày nữa, tình hình cấp điện vẫn tiếp tục căng thẳng.


hd1.jpg

 

Các nguồn điện đang được huy động tối đa


Còn 20 ngày căng thẳng về điện


Ông Đặng Hoàng An - Phó Tổng Giám đốc EVN đã chia sẻ như vậy tại cuộc họp báo. Theo ông An, do điều kiện thời tiết năm nay diễn biến phức tạp, nên đến khoảng ngày 20-6, tình hình cung ứng điện có thể mới được cải thiện.


Trước đó, EVN dự báo từ giữa tháng 6 năm nay, cung ứng điện sẽ đi vào ổn định. EVN cho biết, sản lượng điện toàn hệ thống giai đoạn cuối tháng 5 đầu tháng 6 đạt mức 285-300 triệu kWh/ngày, với công suất cực đại hệ thống lên tới khoảng 15.000MW. Nếu tình hình thời tiết tiếp tục khô hạn, giữa tháng 6, sản lượng điện trên toàn hệ thống đạt khoảng 275 triệu kWh/ngày.


Hiện tại, mực nước tại một số hồ thuỷ điện xuống gần mực nước chết. Hồ Hoà Bình cách mực nước chết 2,22m; Hồ Thác Bà cách mực nước chết 0,5m. Mực nước một số hồ thuỷ điện phía Nam cũng xuống rất thấp, như: hồ Thác Mơ cách mực nước chết 0,75m; Hồ Trị An cách mực nước chết 1,48m…


Theo quy luật, khi miền Bắc bắt đầu mùa nóng, thì miền Nam bước vào mùa mưa. Nhưng năm nay, mùa mưa ở miền Nam cũng đến muộn hơn so với mọi năm. Ông An chia sẻ: “Phải cắt điện luân phiên chúng tôi rất áy náy. Nhưng ở nước ta, thuỷ điện chiếm 35%, mà thuỷ điện thì chỉ đảm bảo trong mùa lũ”.


EVN tính toán, 5 tháng đầu năm nay, cả nước có thêm 1.500MW nguồn điện mới so với năm 2009, nhưng tính đến khoảng cuối tháng 6, sản lượng điện có thể sụt giảm tới 2 tỷ kWh do thời tiết. Nguồn điện thì có, nhưng lại khó sản xuất ra điện. Cũng theo ông An, chủ trương tăng các nguồn nhiệt điện đang được xúc tiến nhưng xây dựng được một công trình nhiệt điện cũng mất rất nhiều thời gian. Mặt khác, Việt Nam cũng cần nhập than để chạy nhà máy nhiệt điện.


Nhiều nơi chưa tiết kiệm điện


Trong khi điện sinh hoạt nhiều địa phương phải tiết giảm, bị cắt luân phiên thì tại nhiều doanh nghiệp, việc tiết kiệm điện chưa được cộng đồng quan tâm đúng mức. Ông Đặng Hoàng An cho biết: “Số doanh nghiệp thực hiện tiết kiệm điện vẫn còn hạn chế. Nhiều chuyên gia nước ngoài phải ngạc nhiên về việc lãng phí điện của doanh nghiệp Việt Nam.


Còn theo ông Đào Thanh Hoài - Phó Trưởng ban Kinh doanh điện EVN, đợt kiểm tra tình hình thực hiện tiết kiệm điện tại 20 địa phương cho thấy, chỉ có 2 địa phương thực hiện tốt là Hải Phòng và Hưng Yên. Hai tỉnh này đã làm việc với các doanh nghiệp, có kế hoạch tiết giảm điện cụ thể nên điện phục vụ dân sinh dường như không bị cắt luân phiên. Các địa phương còn lại vẫn lãng phí trong sử dụng điện.


Cụ thể, tại thành phố Hồ Chí Minh , có 66/216 tuyến phố chính được kiểm tra có hệ thống điện chiếu sáng chưa tiết giảm 50% theo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ; 169 tuyến phố bật đèn chiếu sáng trước 19h, trong khi Chỉ thị của UBND thành phố là 19h30 mới được chiếu sáng; 206/575 biển quảng cáo được kiểm tra chưa thực hiện việc tiết kiệm điện theo quy định. Bên cạnh đó, chỉ có 250 khách hàng là nhà hàng, khách sạn đăng ký tiết giảm điện 5-10%; 14/73 khách hàng tiêu thụ điện công nghiệp trên địa bàn thực hiện tiết kiệm điện. “Con số này là quá ít” - ông An nói.


Ông Đào Thanh Hoài cho rằng: “Khối cơ quan hành chính sự nghiệp cần tiết kiệm hơn trong sử dụng điện, không chỉ trong năm nay mà cả những năm tiếp sau”. Ngoài ra, EVN cũng có ý kiến với các sân vận động, các doanh nghiệp quảng cáo trong việc tiết giảm điện. “Để phục vụ 1 trận đấu bóng đá, khán giả rất vắng, trong khi mới 17h nhiều sân vận động đã bật cả hệ thống chiếu sáng đồ sộ.


Chỉ cần sân bóng này tiết giảm điện, tắt ở những khu vực không cần thiết thì cả một xã có thể dùng thoải mái. Nhưng EVN không làm gì được, chỉ nhắc nhở, còn lại phụ thuộc vào ý thức của người sử dụng” - ông Hoài nhấn mạnh. Cũng theo ông Hoài thì các hệ thống chiếu sáng đô thị cần được điều hành linh hoạt hơn trong bối cảnh thiếu điện, không nên máy móc theo chế độ tự động.      

Theo ANTD