Chủ nhật, 22/09/2024 | 12:41 GMT+7

Kết quả thực hiện Chương trình TKNL năm 2008:TRIỂN KHAI ĐỒNG BỘ 6 NHÓM NỘI DUNG

16/01/2009

Năm 2008 có thể coi là năm thành công của hoạt động TKNL. Trên cơ sở kế hoạch đã được phê duyệt và nội dung của Chương trình, Văn phòng TKNL đã điều phối và chỉ đạo triển khai đồng bộ các đề án, dự án thuộc 06 nhóm nội dung trên phạm vi toàn quốc, bao gồm:

Nhóm 1: Tăng cường quản lý nhà nước về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, tổ chức hệ thống quản lý về TKNL.

Nhóm 2: Tăng cường giáo dục, tuyên truyền phổ biến thông tin, vận động cộng đồng, nâng cao nhận thức, thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, bảo vệ môi trường.

Nhóm 3: Phát triển, phổ biến các trang thiết bị hiệu suất cao, TKNL, từng bước loại bỏ các trang thiết bị hiệu suất thấp.

Nhóm 4: Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp.

Nhóm 5: Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong các tòa nhà.

Nhóm 6: Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong giao thông vận tải.

Trong năm qua, Văn phòng đã hoàn thành việc khảo sát  trên 500 doanh nghiệp trọng điểm để xác định tiềm năng TKNL nhằm mục đích xây dựng định mức tiêu thụ năng lượng của một số ngành sản xuất công nghiệp tiêu thụ nhiều năng lượng. Kết quả khảo sát cũng chỉ ra rằng, đối với một số ngành như Dệt May, Hóa chất, Sản xuất xi măng lò đứng, Giấy...  tiềm năng TKNL có thể đạt từ 5-20% nếu thực hiện các biện pháp quản lý và công nghệ khác nhau. Cơ quan công sở khối hành chính sự nghiệp, chiếu sáng công cộng, kinh doanh, dịch vụ và sinh hoạt dân cư cũng  là các đối tượng có khả năng TKNL đáng kể.

Một mô hình rất hiệu quả trong công tác triển khai TKNL là Chương trình quảng bá sử dụng đèn compact giai đoạn 2007-2010 do Tập đoàn Điện lực Việt Nam  phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện, thông qua việc xây dựng và phát triển mạng lưới phân phối đèn Compact tiết kiệm điện, trong đó các Đơn vị điện lực là đại lý bán đèn compact chất lượng tốt với giá thấp hơn 10% so với giá thị trường. Đến ngày 30/11/2008, mạng lưới phân phối đèn compact EVN của Tập đoàn đã có 2.948 điểm bán đèn, được triển khai trên phạm vi 1.732 phường, xã, thị trấn thuộc 627 huyện, thị xã, bán được 1,2 triệu bóng đèn compact.

Tháng 11/2008, lần đầu tiên tại Việt Nam, một hội chợ triển lãm riêng về các sản phẩm TKNL, dịch vụ kỹ thuật công nghệ TKNL và các vật liệu có khả năng tăng cường hiệu quả sử dụng năng lượng đã được tổ chức công phu và qui mô với các hoạt động phối hợp: Hội thi Phụ nữ TKNL, Sinh viên TKNL, Sản phẩm TKNL, Hội thảo chuyên đề… thu hút hơn 10.000 lượt khách tham quan. Nối tiếp thành công của Hội chợ này, tháng 12/2008, gian hàng chuyên bán thiết bị TKNL mang thương hiệu Ecoshoping đã được khai trương tại siêu thị điện máy lớn của TP. Hồ Chí Minh, giới thiệu nhiều sản phẩm gia dụng TKNL thu hút được sự quan tâm của đông đảo khách hàng.

Nhìn chung, trong năm 2008, các hoạt động TKNL trong khuôn khổ Chương trình được đánh giá tích cực, hiệu quả và có sức nhân rộng. Hoạt động này không chỉ tập trung tại các đô thị mà còn được triển khai mạnh mẽ tại các vùng nông thôn thông qua hoạt động của các Hội phụ nữ, Trung tâm Khí sinh học với các dự án về sử dụng hầm biogas cả qui mô gia đình và qui mô trang trại, vừa sử dụng năng lượng một cách hiệu quả, vừa có tác dụng bảo vệ môi trường. Có lẽ vì vậy mà nhiều người cho rằng, năm 2008 là năm của TKNL.

Cần tăng thêm kinh phí

Tại Hội nghị  đánh giá kết quả thực hiện Chương trình MTQG về sử dụng năng lượng TK&HQ năm 2008 và kế hoạch thực hiện năm 2009, vấn đề được các đại biểu quan tâm nhiều nhất chính là kinh phí. Tham vọng thì lớn, nhưng nguồn kinh phí còn hạn hẹp. Năm 2008, nguồn kinh phí được phân bổ hạn chế với 22 tỉ đồng từ nguồn kinh phí sự nghiệp và 14 tỉ đồng từ nguồn kinh phí đầu tư. Trong đó, Bộ Công Thương và các đơn vị tham gia Chương trình 16,7 tỉ đồng, Bộ Xây dựng 2 tỉ đồng, Bộ Giao thông Vận tải 1,5 tỉ đồng, Bộ Giáo dục Đào tạo 1,8 tỉ đồng; Dự án hỗ trợ đầu tư Phòng thí nghiệm hiệu suất năng lượng cho thiết bị điều hòa nhiệt độ và tủ lạnh 6,9 tỉ đồng; Dự án cải tiến, nâng cao hiệu suất sử dụng năng lượng của Công ty CP Nhựa Rạng Đông 3,3 tỉ đồng; Dự án cải tiến nâng cao hiệu suất sử dụng năng lượng của Công ty CP Bia và nước giải khát Phú Yên 1,3 tỉ đồng; Dự án cải tạo hệ thống chiếu sáng dân sinh tại một số quận thuộc thành phố Hồ Chí Minh 2,5 tỉ đồng.

Cũng theo báo cáo của Văn phòng TKNL, năm 2007, các tỉnh, thành phố đã tiết kiệm được 669,2 triệu kWh. Chỉ riêng 4 tháng đầu năm 2008, ước tính cả nước đã tiết kiệm xấp xỉ 340 triệu kWh. Tính ra con số tiết kiệm lên đến hàng nghìn tỉ đồng. Theo ông Huỳnh Kim Tước - Giám đốc Trung tâm TKNL thành phố Hồ Chí Minh, với lượng điện tiết kiệm được như vậy, chúng ta xứng đáng có được nguồn kinh phí dồi dào hơn để thực hiện tốt hơn công tác TKNL. Về vấn đề này, Thứ trưởng Đỗ Hữu Hào chia sẻ, cần thực hiện từng bước một cách chắc chắn, khi chúng ta có được kết quả cụ thể để báo cáo thì căn cứ vào đó Nhà nước sẽ tăng thêm kinh phí cho Chương trình, nhưng chắc chắn không thể tăng ngay được mà phải tăng dần.

Dự kiến kinh phí cho Chương trình trong năm 2009 có tăng hơn một chút so với năm 2008 với kinh phí sự nghiệp 25 tỉ đồng và phần đầu tư phát triển là 15 tỉ đồng. Trên thực tế, lượng kinh phí mà Chương trình cần hàng năm để triển khai các hoạt động phải từ 80-100 tỉ đồng. Đây sẽ là vấn đề cần sớm giải quyết.

Chuẩn bị nguồn nhân lực

Bên cạnh vấn đề kinh phí, một yếu tố nữa không kém phần quan trọng, có vai trò rất quyết định đến sự thành công của công tác TKNL là nguồn nhân lực. PGS. TS Phạm Hoàng Lương – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, trong khuôn khổ Chương trình Mục tiêu Quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, từ tháng 1 đến tháng 12/2007, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội đã biên soạn 3 bộ tài liệu và tổ chức nhiều đợt tập huấn về quản lý năng lượng, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả và kiểm toán năng lượng cho 3 nhóm học viên gồm: i) Lãnh đạo các sở công nghiệp và các nhà quản lý doanh nghiệp (gọi chung là cán bộ lãnh đạo), ii) Cán bộ quản lý năng lượng tại các doanh nghiệp; iii) Cán bộ kiểm toán năng lượng và kỹ thuật viên.

Nhìn chung, các đợt tập huấn đã được tổ chức khá bài bản. Đối với khóa tập huấn dành cho cán bộ quản lý năng lượng và kiểm toán năng lượng, các học viên phải tham gia kiểm tra cuối đợt. Phản hồi của các học viên thông qua Phiếu đánh giá cuối đợt tập huấn và kết quả kiểm tra đã khẳng định, tính phù hợp, hữu ích của nội dung đào tạo đối với công việc thực tế của các học viên.

Tuy đã đầu tư thích đáng thời gian và công sức để soạn thảo nội dung tập huấn, đội ngũ giảng viên Trường Đại học Bách khoa Hà Nội vẫn thấy cần thiết phải hoàn thiện và nâng cấp chất lượng nội dung tập huấn, đặc biệt là các khái niệm, mô hình mới về quản lý năng lượng bền vững, đánh giá lợi ích môi trường từ các hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả. Đồng thời, việc soạn thảo và tổ chức các khóa tập huấn về quản lý và kiểm toán năng lượng cho các phân ngành cụ thể (ví dụ hóa chất, thép, vật liệu xây dựng, công nghiệp thực phẩm, tòa nhà thương phẩm cao tầng, giấy và bột giấy...) cũng được đề xuất, nhằm thúc đẩy các hoạt động tiết kiệm năng lượng trong các phân ngành công nghiệp này trong thời gian tới. Đồng thời, sẽ thành lập một Trung tâm Đào tạo nguồn nhân lực TKNL tại Trường Đại học Bách khoa Hà Nội nhằm đẩy mạnh công tác đào tạo, chuẩn bị tốt nguồn nhân lực để triển khai công tác TKNL một cách hiệu quả.

Hiểu và kiểm soát tốt nguồn năng lượng không chỉ giúp chúng ta tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, giảm chi phí mà quan trọng hơn, còn giúp chúng ta bảo vệ và gìn giữ môi trường trong sạch, đảm bảo sự phát triển bền vững trong tương lai. Đẩy mạnh công tác TKNL là công việc mang nhiều ý nghĩa và do đó, cần được sự ủng hộ của các ngành, các cấp và của cả cộng đồng.

Hồ Nga