Thứ sáu, 19/04/2024 | 11:19 GMT+7

Phát triển các dự án khí sinh học quy mô công nghiệp trong khuôn khổ Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả

30/07/2008

Với mục tiêu đặt ra là thúc đẩy khí sinh học công nghiệp, góp phần tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường, trên cơ sở các kết quả khảo sát hiện trạng, đánh giá tiềm năng kinh tế kỹ thuật các loại hình khí sinh học ở Việt Nam, trong năm 2007, dự án “Phát triển các loại công trình khí sinh học tiết kiệm năng lượng quy mô công nghiệp” tập trung vào việc xây dựng các mô hình trình diễn quy mô gia đình và quy mô công nghiệp.

Dự án do Trung tâm rau quả chủ trì thực hiện trong khuôn khổ các hoạt động của Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Các mô hình đều được xây dựng theo phương thức hợp tác với người ứng dụng. Gia đình hoặc trang trại bỏ kinh phí xây dựng công trình, dự án đóng góp một phần kinh phí và cung cấp tư vấn kỹ thuật (thiết kế, hướng dẫn thi công, lắp đặt, vận hành, bảo dưỡng). Người ứng dụng được khai thác sử dụng công trình. Dự án được sử dụng mô hình để trình diến, thu thập kinh nghiệm.

Kiểu thiết bị KT31 sử dụng vòm chứa khí compodit đã được thử nghiệm có kết quả qua một số mẫu. Dự án đã xây dựng thiết kế mẫu cho các cỡ khác nhau và ứng dựng để xây dựng 20 mô hình: 5 mô hình ở xã Phương Đình, huyện Đan Phượng, tỉnh Hà Tây, 5 mô hình tại xã Dân chủ, huyện Hưng Hà và 10 mô hình tại xã Vũ Quý, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình.

Công nghệ mới còn được Hội Liên hiệp Phụ nữ ứng dụng tại Thái Bình và Nghệ An thành công, người ứng dụng hưởng ứng nhiệt tình vì kỹ thuật xây dựng quen thuộc, dễ thực hiện, công trình gọn, tiết kiệm mặt bằng (ở Hưng Hà nhiều hộ xây công trình ngay dưới ao), hiệu suất sinh khí cao do kín khí tốt. Tới nay các mô hình đã hoạt động tốt, mở ra triển vọng phát triển công nghệ khí sinh học theo hướng công nghiệp hoá và thương mại hoá.

Đặc biệt, dự án đã xây dựng 2 mô hình cỡ lớn với 2 công nghệ khác nhau: công trình khuấy trộn đều phát điện và công trình hồ kỵ khí có tấm phủ phát điện.

Mô hình khuấy trộn đều phát điện được xây dựng ở trang trại của Hợp tác xã Đan Hoài, huyện Đan Phượng, tỉnh Hà Tây với quy mô đàn lợn gồm 700 lợn thịt và 160 lợn nái. Lượng nước thải lẫn chất thải hàng ngày ước tính khoảng 15 m3/ngày. Với nguồn nước thải lớn như vậy, dự án đề nghị xây dựng công trình khí sinh học để xử lý phần nước thải đặc có tải lượng ô nhiễm lớn (khoảng 640 kg phân và 4,5 m3 nước một ngày) và thu hồi khí sinh học phục vụ nhu cầu năng lượng của trại, tiết kiệm năng lượng phải mua. Bể thu nước thải cũng sẽ làm luôn nhiệm vụ của bể khuấy trộn và được lắp thiết bị khuấy. Sau khi phân và nước được khuấy trộn đều, nước thải sẽ được bơm vào bể phân huỷ của thiết bị khí sinh học.

Thiết bị cũng áp dụng kiểu nắp cố định KT31 cỡ lớn với vòm compodit gồm 4 mô đun ghép nối tiếp với nhau theo hình chữ chi. Mỗi mô đun gồm 5 ô nối tiếp tạo thành 1 bể dài dạng chảy ống. Mỗi ô có 1 vòm chứa khí compodit. Sau này có thể mở rộng quy mô bằng cách xây ghép thêm các mô đun vào thiết bị đã xây. Khí thu được sẽ dùng để chạy máy phát điện 10 kVA.

Công trình đã được đưa vào hoạt động và cung cấp khí đun nấu và chạy máy phát điện điêzen cải tạo thành máy lưỡng nguyên liệu khí sinh học – điêzen.

Mô hình hồ kỵ khí có tẩm phủ phát điện được xây dựng tại Công ty cổ phần Đầu tư Nhà vườn Yên Bài. Hệ thống được bố trí thành 3 khu cách nhau khoảng 1 km tại huyện Lương Sơn, tỉnh Hoà Bình.

Mô hình được xây tại khu số 3 hiện có 9 chuồng, mỗi chuồng nuôi khoảng 650 lợn. Mô hình chỉ giải quyết xử lý chất thải cho 2 chuồng. Sau này sẽ phát triển tiếp mô hình ra toàn hệ thống. Khí thu được sẽ dùng để chạy máy phát điện điêzen 20 kVA cải tạo thành máy lưỡng nguyên liệu khí sinh học – điêzen.

Công trình đã hoàn thành xây dựng. Vì chưa tìm được nơi cung cấp và thi công tấm phủ HDPE nên đã dùng tạm tấm phủ ni lông. Thiết bị đã cho khí nhưng tấm phủ sẽ phải thay bằng HDPE để đảm bảo lâu bền.

Một kết quả đạt được từ việc xây dựng mô hình trình diễn là dự án đã chuyển giao công nghệ để nhân rộng mô hình: chuyển giao công nghệ cho Hội Liên hiệp Phụ nữ xây dựng các công trình kiểu KT31 tại Thái Bình và Nghệ An, tư vấn cho Học viện Hậu cần xây dựng công trình KT31 quy mô trang trại tại Sơn Tây...

Ngoài ra, dự án còn biên soạn nhiều tài liệu phục vụ tuyên truyền và tập huấn dưới dạng sổ tay hướng dẫn kỹ thuật, tờ gấp....; tổ chức 2 lớp huấn luyện xây dựng, vận hành, bảo dưỡng công trình khí sinh học tại tỉnh Hà Tây và Thái Bình cho gần 100 người; tổ chức thành công Hội thảo “Công nghệ khí sinh học quy mô công nghiệp với sự tham gia của trên 50 đại biểu...

Định hướng triển khai các nội dung dự án trong thời gian tới, Trung tâm sẽ tiếp tục triển khai các mô hình trình diễn quy mô công nghiệp và chuyển giao công nghệ với mục tiêu nhân rộng quy mô trên toàn quốc./.

Thu Trang