Chủ nhật, 22/09/2024 | 05:47 GMT+7

Hiệu quả từ cuộc vận động “Xây dựng mô hình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong mỗi hộ gia đình”

28/07/2008

Tháng 3 năm 2008, trong khuôn khổ Chương trình mục tiêu Quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2006 – 2015, do Bộ Công Thương chủ trì, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (HLHPN) tổ chức Hội nghị Tổng kết dự án thí điểm triển khai Cuộc vận động “Xây dựng mô hình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong mỗi hộ gia đình” năm 2007. Đây là Dự án được triển khai từ năm 2007 và sau một năm thực hiện bước đầu đã thu được kết quả tốt.

CON ĐƯỜNG XÂY DỰNG MÔ HÌNH

Xác định được vai trò to lớn của phụ nữ trong các chương trình phát triển năng lượng, trong nhiều năm qua, HLHPN đã triển khai các hoạt động hỗ trợ phụ nữ sử dụng và khai thác các nguồn năng lượng có hiệu quả tại các vùng, miền trong cả nước. Phát huy kết quả đã đạt được, trong năm 2007, Hội LHPN Việt Nam đã triển khai dự án thí điểm Cuộc vận động Xây dựng mô hình “Sử dụng năng lượng Tiết kiệm và hiệu quả (TK&HQ) trong mỗi hộ gia đình” tại 06 tỉnh, thành là Hà Nội, Hà Tây, Thái Bình, Nghệ An, Quảng Ngãi và Đồng Nai. Mục đích của việc xây dựng các mô hình này là hỗ trợ các hộ gia đình thực hiện các biện pháp tiết kiệm năng lượng, góp phần bảo vệ tài nguyên, môi trường, giải phóng phụ nữ, đồng thời, làm mô hình trình diễn và tuyên truyền nhân rộng mô hình sử dụng năng lượng TK&HQ trong cộng đồng.

Với mạng lưới rộng khắp từ cơ sở và sự ủng hộ của các cấp, các ngành liên quan từ trung ương đến địa phương, Hội LHPN Việt Nam đã tổ chức thành công các hoạt động phong phú về nội dung, đa dạng về hình thức, cung cấp bộ tài liệu truyền thông, tổ chức các lớp tập huấn tuyên truyền viên, các chiến dịch truyền thông tại cộng đồng, các chương trình phát thanh, truyền hình, tin, bài trên các báo, gắn hoạt động truyền thông với xây dựng các mô hình sử dụng tiết kiệm năng lượng tại các gia đình.

Các hoạt động đã thu hút sự quan tâm và ủng hộ của lãnh đạo địa phương và nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi thực hành tiết kiệm và hiệu quả năng lượng trong các tầng lớp nhân dân tại các tỉnh/thành triển khai dự án. Các gia đình đã tự giác áp dụng các biện pháp và cách thức tiết kiệm năng lượng trong cuộc sống hàng ngày, có thói quen tắt điện khi ra khỏi phòng, biết cách sử dụng năng lượng thiên nhiên như ánh sáng mặt trời, gió để tiết kiệm điện và sử dụng các thiết bị điện một cách hợp lý vào giờ cao điểm, mua và sử dụng các thiết bị ít tiêu tốn điện năng đem lại hiệu quả cao.

KẾT QUẢ CỦA DỰ ÁN

Cuộc vận động xây dựng mô hình sử dụng năng lượng TK&HQ trong mỗi hộ gia đình đã mang lại lợi ích nhiều mặt cho các gia đình. Được truyền thông, nâng cao nhận thức về TKNL, ý thức được tầm quan trọng của việc thực hiện TKNL đối với gia đình và xã hội, các gia đình đã tự giác áp dụng các biện pháp và cách thức tiết kiệm năng lượng. Nhiều gia đình đã áp dụng khá nhiều cách thức để giảm tiêu thụ năng lượng mà vẫn đáp ứng nhu cầu sử dụng.

Kết thúc giai đoạn thí điểm, các gia đình trên địa bàn thực hiện dự án ở 6 tỉnh, thành đã tự giác thực hiện các biện pháp TKNL như có các hành vi sử dụng các nguồn năng lượng một cách tiết kiệm và hiệu quả, tận dụng năng lượng thiên nhiên để tiết kiệm điện, thay thế các thiết bị tiêu tốn nhiều năng lượng bằng các thiết bị TKNL như đèn chiếu sáng compact, hầm ủ khí sinh học Biogas, dàn đun nước nóng bằng năng lượng mặt trời… Với sự hỗ trợ một phần kinh phí của chương trình cho các gia đình xây dựng mô hình, năm 2007 đã có 1.500 mô hình thay đèn sợi đốt bằng đèn compact TKNL (mỗi mô hình thay 2 đèn); 87 mô hình xây và sử dụng công trình khí sinh học; 20 mô hình lắp đặt và sử dụng dàn nước nóng đun bằng năng lượng mặt trời. Các mô hình đã mang lại lợi ích nhiều mặt cho các gia đình, tiết kiệm được năng lượng, góp phần bảo vệ tài nguyên, môi trường, khai thác hợp lý các nguồn tài nguyên năng lượng, thực hiện phát triển kinh tế – xã hội bền vững.

Đến với hội nghị, chị Nguyễn Thị Bích, hội viên phụ nữ phường Ngọc Thụy, quận Long Biên, TP. Hà Nội đã khẳng định: Trước khi chưa thay đèn sợi đốt bằng đèn compact và còn sử dụng điện một cách lãng phí, gia đình chị phải trả 300.000 đồng tiền điện mỗi tháng. Song từ khi thay toàn bộ đèn compact và biết cách sử dụng điện hợp lý, tiền điện gia đình chị đã giảm xuống còn 200.000 đồng mỗi tháng. Còn gia đình chị Phạm Thị Hệ, xã Hùng Dũng, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình, nhờ xây hầm ủ khí sinh học mà chị đã tiết kiệm được mỗi tháng 200.000 đồng tiền mua chất đốt. Cũng nhờ có hầm khí sinh học mà gia đình chị đã giải quyết được nguồn chất thải, giữ vệ sinh môi trường và tăng đàn lợn từ 6 con, nay là 25 con. Nhưng, điều quan trọng đối với chị là, nhờ đun bằng khi sinh học mà chị đã được “giải phóng” khỏi chuyện bếp núc, đun nấu rất thuận tiện, chồng con chị cũng tham gia vào công việc nội trợ, chị có nhiều thời gian để tham gia công tác xã hội và nghỉ ngơi, giải trí. Thiết nghĩ, mỗi xã, phường ở Việt Nam hiện có 2000 – 3000 hội viên, phụ nữ. Nếu hội viên, phụ nữ nào cũng thực hiện mô hình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả như gia đình chị Bích, chị Hệ thì số tiền tiết kiệm được từ các gia đình quả là rất lớn.

Nối tiếp thành công của Dự án, năm 2008, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tiếp tục phát động cuộc vận động “Xây dựng gia đình tiết kiệm năng lượng” tại các địa bàn dự án, mở màn tại 3 phường thuộc 3 quận nội thành của Thủ đô Hà Nội là Ba Đình, Hoàn Kiếm và Hai Bà Trưng. Mục đích của Cuộc vận động nhằm khuyến khích các hộ gia đình thực hành tiết kiệm và hiệu quả năng lượng, nhân rộng mô hình gia đình văn minh trong sử dụng hiệu quả các nguồn năng lượng, xây dựng phong trào tiết kiệm năng lượng thiết thực trong cộng đồng.

Phạm Hạnh Sâm

Phó Trưởng ban Tuyên giáo Hội LHPN Việt Nam