Thứ sáu, 26/04/2024 | 23:43 GMT+7

Tokyo hướng tới siêu đô thị "xanh" nhất thế giới

04/06/2010

Để thực hiện mục tiêu biến thủ đô đất nước Mặt trời mọc thành một thành phố xanh và sử dụng năng lượng hiệu quả, chính quyền Tokyo đã và đang xúc tiến nhiều chương trình cải thiện môi trường táo bạo, bao gồm đẩy mạnh công tác xử lý rác thải, quy định các công ty, nhà máy phải cắt giảm khí thải, tài trợ chi phí lắp đặt hệ thống pin năng lượng Mặt trời…

Trên một hòn đảo nhân tạo thuộc Vịnh Tokyo, rác thải đang được xử lý và tái chế triệt để. Hàng chục tấn rác được vận chuyển đến đây mỗi ngày và tập trung xử lý tại một nhà máy tái chế rác có quy mô lớn. Những thứ không thể tái chế thì được đốt và lọc bỏ các chất độc hại. Phần tro được chế biến thành vật liệu xây dựng, còn hơi nóng trong quá trình đốt rác được biến thành điện năng, đủ cung cấp cho 55.000 hộ dân. Cách làm này không chỉ giúp tiết kiệm không gian chứa rác, mà còn hạn chế tối đa ô nhiễm không khí.

cghinh sach ho tro cua Nhat.jpg

Dự kiến trong năm nay, Công ty Điện tái chế khu cảng Tokyo sẽ thu được khoản lợi nhuận đầu tiên sau 4 năm hoạt động. Nhưng Chủ tịch Ikuo Onaka của công ty cho rằng phần thưởng dành cho họ không chỉ là tiền. “Chúng tôi đang đóng góp (một phần công sức) cho xã hội”, ông Onaka, người đứng đầu một trong 9 công ty phụ trách tái chế rác thải cho cả thành phố, tự hào nói. Những công ty tư nhân này là một trong những “cánh tay đắc lực” của chính quyền Tokyo trong nỗ lực biến đô thị đông đúc với khoảng 13 triệu dân này thành siêu đô thị thân thiện môi trường nhất thế giới.

Bên cạnh việc cắt giảm rác thải, trong mấy năm qua, Tokyo đã đưa ra hàng loạt chương trình nhằm khích lệ ý thức bảo vệ môi trường. Đó là thắt chặt các tiêu chuẩn xây dựng, hỗ trợ tài chính lên tới 100.000 yen (khoảng 20 triệu đồng)/hộ dân để khuyến khích người dân trang bị hệ thống pin năng lượng Mặt trời, và một kế hoạch làm cho thành phố trở nên xanh tươi hơn bằng cách trồng 500.000 cây xanh và cải tạo bãi chứa rác thải gần 87 hec-ta trước đây trên Vịnh Tokyo thành một công viên cây cối sum sê.

Nhưng mục tiêu có tham vọng lớn nhất của Tokyo phải kể đến dự án vừa được xúc tiến hồi đầu tháng 4. Trong dự án này, chính quyền thành phố yêu cầu 1.400 nhà máy và cao ốc văn phòng trong khắp thành phố làm sao đến năm 2020 phải cắt giảm 25% lượng khí thải CO2 so với năm 2000. Kế hoạch này bao gồm một hệ thống hạn chế và kinh doanh khí các-bon. Theo đó, chính quyền sẽ có cơ chế thiết lập hạn mức khí thải và buộc những công ty thải CO2 vượt mức quy định phải mua tín chỉ phát thải từ những công ty không dùng hết định mức của mình.

Trong khi một số công ty phàn nàn về kế hoạch cắt giảm khí thải mới của Tokyo, nhiều doanh nghiệp khác lại xem đó là cơ hội. Masahiro Takeda, giám đốc bộ phận phát triển bền vững của Công ty xây dựng Mori – một trong những công ty lớn nhất ở Tokyo, cho biết nhu cầu xây dựng công trình tiết kiệm năng lượng và giảm bớt chi phí điều hành đang gia tăng.

Tái chế rác thải, nước mưa, trồng nhiều cây xanh và biến lượng nhiệt thải ra thành năng lượng đã trở thành những điểm tiêu chuẩn trong các công trình của Mori. Đơn cử như Roppongi Hills, khu liên hợp văn phòng và trung tâm mua sắm rộng 8,4 hec-ta được Mori xây dựng giữa lòng thủ đô có đến 1/4 diện tích là cây xanh, bao gồm một ruộng lúa trên mái nhà. Cây cối nơi đây hấp thụ CO2 trong không khí và hạ nhiệt cho mái nhà, góp phần làm mát tòa nhà và tiết kiệm năng lượng.

Hiện nay, Tokyo là đô thị tiên phong trong số các thành phố lớn về các vấn đề liên quan đến bảo vệ môi trường. Kế hoạch xúc tiến chương trình hạn chế và kinh doanh khí thải của chính quyền Tokyo cũng nhận được sự ủng hộ rất nhiệt tình của các chuyên gia môi trường nước này. “Tokyo là đô thị đầu tiên trên thế giới áp dụng chương trình hạn chế và kinh doanh khí thải”, ông Tetsunari Iida, Giám đốc điều hành Viện nghiên cứu các chính sách năng lượng bền vững ở Tokyo, khẳng định. Ông cho rằng các nhà lãnh đạo muốn chứng tỏ hệ thống này có thể phát huy tác dụng, giúp Tokyo xanh mát hơn và góp phần hạn chế hiện tượng ấm nóng toàn cầu.

Thụy Trúc (Theo LA Times)