Thứ sáu, 26/04/2024 | 14:03 GMT+7

Tiết kiệm điện từ việc sử dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi

31/10/2014

Theo thống kê của các địa phương tỉnh Trà Vinh, hiện trên địa bàn tỉnh có khoảng 1.000 hộ chăn nuôi sử dụng đệm lót sinh học.

Theo thống kê của các địa phương tỉnh Trà Vinh, hiện trên địa bàn tỉnh có khoảng 1.000 hộ chăn nuôi (gia cầm, gia súc) sử dụng đệm lót sinh học. Đây là mô hình được phát động từ năm 2012-2013, thông qua việc chuyển giao kỹ thuật của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh. Nhờ việc sử dụng đệm lót sinh học, nên các hộ chăn nuôi đã tiết kiệm các chi phí trong sử dụng nguồn điện để bơm nước tắm cho heo, thắp đèn ủ ấm cho gà và heo giai đoạn đầu…

 8e30d09dc_tamlotsinhhoc.jpg

Nuôi heo sử dụng đệm lót sinh học, góp phần giảm lượng điện dùng trong bơm nước tắm heo

Bình quân đối với một chu kỳ nuôi heo thịt (khoảng 3,5 tháng), theo phương pháp nuôi truyền thống thì mỗi ngày 01 chuồng nuôi khoảng 10-15 con heo cần khoảng 02 tiếng đồng hồ chạy mô-tô nước (tiêu tốn khoảng 1,5kWh điện) để vệ sinh chuồng trại. 

Trong khi đó, với việc nuôi heo bằng đệm lót sinh học hay còn gọi là chăn nuôi heo khô (không tắm), do nhờ các chất phân hủy có trong đệm lót sinh học nên chất thải từ heo không bị ô nhiễm. Về mặt kinh tế đã giúp cho người chăn nuôi tiết kiệm khoảng 180-200 kWh điện/chu kỳ nuôi. 

Bên cạnh đó, trong việc chăn nuôi có sử dụng đệm lót sinh học còn giúp cho heo con hoặc gà, vịt giai đoạn đầu (20 ngày) hạn chế việc sử dụng bóng đèn sợi tóc để ủ ấm, từ 60-70%. Do đệm lót sinh học tạo ra độ nhiệt độ trong quá trình phân hủy phân, chất thải; nên giữ được độ ấm cho đàn gia cầm, gia súc giai đoạn còn nhỏ. Hưởng ứng chương trình tiết kiệm điện, nâng cao thu nhập cho kinh tế hộ trong chăn nuôi qua việc sử dụng đệm lót sinh học là rất cần thiết, vừa góp phần đảm bảo môi trường và nâng cao hiệu quả kinh tế.

Theo PC Trà Vinh