Thứ hai, 29/04/2024 | 20:24 GMT+7

Việt Nam có nhiều tiềm năng biến rác thải thành năng lượng

13/08/2013

Theo tính toán của Viện Năng lượng, trong 10 năm qua, nhu cầu năng lượng Việt Nam tăng trung bình 10%/năm và nhu cầu điện tăng 14,5%/năm. Do vậy, áp lực về nguồn cung năng lượng hóa thạch trong thời gian tới là rất lớn.

Theo tính toán của Viện Năng lượng, trong 10 năm qua, nhu cầu năng lượng Việt Nam tăng trung bình 10%/năm và nhu cầu điện tăng 14,5%/năm. Do vậy, áp lực về nguồn cung năng lượng hóa thạch trong thời gian tới là rất lớn.

b48c77e91_download_3.jpg

Ông Nguyễn Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Năng lượng tái tạo và cơ chế phát triển sạch, Viện Năng lượng cho biết, để có thể giảm áp lực cho nguồn cung năng lượng hóa thạch, nhất thiết phải phát triển thêm nhiều nguồn cung tái tạo khác. Trong đó, đáng chú ý là tiềm năng phát triển năng lượng sinh khối các loại ước tính khoảng 150 triệu tấn/năm, tương đương 50 triệu tấn dầu quy đổi.

Trên thực tế, nguồn nguyên liệu sinh khối nước ta rất dồi dào. Ngoài trấu, tất cả các loại chất xơ cây trồng, phế thải từ hoạt động nông, lâm nghiệp sau thu hoạch (bã mía, vỏ hạt cà phê, hạt điều… sau chế biến và thậm chí là rác thải sinh hoạt) nếu được xử lý với công nghệ cao đều có thể tạo ra khí sinh học và sử dụng theo nhiều mục đích khác nhau. Đơn cử như đốt để sản xuất điện và hòa vào mạng lưới khí quốc gia sau hoặc sử dụng làm nhiên liệu cho các loại phương tiện giao thông sử dụng khí gas tự nhiên; sử dụng làm nguyên liệu đốt dùng cho nấu nướng ở gia đình…

Trên thực tế, một lượng lớn năng lượng sinh khối đang được thu và sử dụng rải rác trên cả nước. Cụ thể, hiện đang thu được 150 MW điện dựa vào công nghệ đồng phát từ 38 nhà máy đường trên cả nước; 2,5 MW điện từ rác được khai thác và lắp đặt ở bãi chôn lấp rác Gò Cát, TPHCM. Ngoài ra, hàng năm lượng mêtan thu hồi tương đương 65.000kg dầu quy đổi từ khoảng 200.000 hầm khí sinh học, quy mô trung bình 10m3 cũng đang được lắp ở các hộ gia đình chăn nuôi rải rác trên cả nước. Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận rằng, hoạt động của các dự án trên cũng đang trong trạng thái cầm chừng do chính sách ưu đãi của nhà nước chưa rõ ràng. Ba nhà máy đường bán điện thừa lên lưới điện quốc gia là Sơn La, La Ngà (Đồng Nai) và Bourbon (Tây Ninh) nhưng không có cơ chế, chính sách rõ ràng nên việc mua bán điện giữa Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) với các nhà máy đường lúc có, lúc không khiến doanh nghiệp cũng không chú trọng đầu tư. Còn với điện sản xuất từ rác tại bãi chôn lấp rác Gò Cát, Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị đang phải bán với giá 4cent/kWh - thấp hơn giá sản xuất nên công ty cũng không mặn mà đầu tư nâng thêm công suất sản xuất…

Có thể thấy rằng, trong bối cảnh ngày càng cạn kiệt nhiên liệu hóa thạch nội địa, giá dầu thế giới tăng cao và sự phụ thuộc ngày càng nhiều hơn vào giá năng lượng thế giới, khả năng đáp ứng năng lượng đủ cho nhu cầu trong nước ngày càng khó khăn và trở thành một thách thức lớn. Việc xem xét khai thác nguồn năng lượng tái tạo sạch có ý nghĩa hết sức quan trọng cả về kinh tế, xã hội và phát triển bền vững. Chỉ có điều, muốn tạo ra thị trường khí sinh học và sinh khối chính thức, Chính phủ cần phải xây dựng cơ chế giá đủ hấp dẫn để thu hút các nhà đầu tư. Mặt khác, hoàn thiện đội ngũ tư vấn, lập thiết kế dự án đủ năng lực và trình độ để giảm rủi ro cho các nhà đầu tư khi tham gia vào lĩnh vực này.

Thúy Hằng