Chủ nhật, 28/04/2024 | 22:05 GMT+7

Điểm sáng về tiết kiệm điện chiếu sáng công cộng

28/05/2013

Ban Quản lý các công trình công cộng thành phố Tam Kỳ (BQL) được giao nhiệm vụ quản lý, vận hành toàn bộ hệ thống điện chiếu sáng công cộng trên địa bàn thành phố Tam Kỳ và chi trả tiền điện cho bên bán điện theo ngân sách phân bổ của thành phố.

Ban Quản lý các công trình công cộng thành phố Tam Kỳ (BQL) được giao nhiệm vụ quản lý, vận hành toàn bộ hệ thống điện chiếu sáng công cộng trên địa bàn thành phố Tam Kỳ và chi trả tiền điện cho bên bán điện theo ngân sách phân bổ của thành phố. Trong những năm qua, thực hiện chỉ thị của UBND tỉnh Quảng Nam về thực hiện tiết kiệm điện và Thông tư 111/2009/TTLT/BTC-BCT của Liên Bộ Tài chính - Công Thương về hướng dẫn thực hiện tiết kiệm điện trong các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, BQL đã xây dựng và thực hiện kế hoạch tiết kiệm điện năng sử dụng trong lĩnh vực chiếu sáng công cộng trong toàn thành phố.

e2a8485c0_cscc.28.5.13.jpg

Sửa chữa đèn đường trên đường Hùng Vương, Tp. Tam Kỳ

Theo đó, dưới sự phối hợp và hướng dẫn của PC Quảng Nam và Sở Công Thương, BQL đã thực hiện các giải pháp tiết kiệm điện đối với hệ thống điện chiếu sáng công cộng theo yêu cầu của UBND tỉnh, như: Thường xuyên kiểm tra, đánh giá chế độ chiếu sáng công cộng theo các tiêu chuẩn chiếu sáng hiện hành, đảm bảo vừa đủ độ sáng cho các phương tiện giao thông và người qua lại, góp phần giữ vững trật tự, trị an ở các khu phố vừa sử dụng điện hợp lý, tiết kiệm trên mỗi tuyến đường; từng bước đầu tư áp dụng hệ thống thiết bị điều khiển tự động có chế độ điều chỉnh công suất để giảm công suất chiếu sáng về đêm khi mật độ giao thông giảm; khi thay thế đèn hư hỏng phải sử dụng nguồn sáng và các thiết bị chiếu sáng hiệu suất cao; chỉ sử dụng các loại đèn tiết kiệm điện và giảm 50% công suất chiếu sáng tại các vườn hoa, công viên vào giờ cao điểm buổi tối của hệ thống điện…

Ông Nguyễn Đình Toản, Giám đốc BQL cho biết, hệ thống đèn chiếu sáng công cộng toàn thành phố có khoảng 5.300 bóng đèn các loại, công suất vận hành tối đa 1.014kW. Trong đó, 3.977 bóng đèn cao áp công suất từ 70 - 400W được lắp đặt ở các tuyến đường chính, còn lại là các loại bóng đèn compact tiết kiệm điện được lắp ở các kiệt, hẻm. Theo ông Toản, nếu hệ thống đèn này nếu vận hành đầy đủ hàng đêm, mỗi năm sẽ tiêu tốn hơn 4,4 triệu kWh, tương ứng 6,7 tỷ đồng. 

Cũng theo ông Toản, hiện tại thành phố chưa đủ kinh phí để đầu tư thay thế hệ thống đèn cao áp bằng đèn Led (khoảng 50 tỷ đồng), và cũng chưa thể đầu tư áp dụng hệ thống thiết bị điều khiển tự động có chế độ điều chỉnh công suất để giảm công suất chiếu sáng cho toàn bộ hệ thống (khoảng 20 tỷ đồng). Vì vậy, hiện tại hệ thống đèn chiếu sáng công cộng trên địa bàn thành phố vẫn phải sử dụng các loại đèn cao áp, được điều khiển theo phương thức bật, tắt thủ công. 

Để tiết kiệm điện, BQL phải thực hiện cắt điện luân phiên đối với 50% số bóng đèn và điều chỉnh thời gian bật, tắt hợp lý các bóng đèn ở mỗi tuyến đường. “Tiết kiệm theo cách này vẫn đảm bảo được quang thông cho xe cộ và người qua lại; đồng thời cũng đã góp phần tiết kiệm khoảng 40% lượng điện tiêu thụ, tương ứng 1,7 triệu kWh/năm. Với cách làm này, mỗi năm đơn vị đã góp phần làm lợi cho ngân sách thành phố khoảng 2,58 tỷ đồng” – ông Toản nói.

Ông Phạm Duy Tích, Phó giám đốc BQL, người trực tiếp theo dõi việc thi công lắp đặt thiết bị điều khiển tự động đèn chiếu sáng công cộng, cho biết thêm về tình hình đầu tư kinh phí lắp đặt hệ thống thiết bị điều khiển tự động hiện nay trên địa bàn thành phố. Theo đó, UBND thành phố đã thống nhất đầu tư từng bước, trước mắt phân bổ 2,5 tỷ đồng lắp đặt thiết bị điều khiển tự động cho 6 xuất tuyến có lưu lượng giao thông cao trong toàn thành phố. 

Được biết, khi hạng mục đầu tư này hoàn thành, công nhân có thể không cần đến hiện trường vẫn nắm chắc thực trạng hệ thống và điều khiển được giờ bật, tắt hoặc tăng, giảm công suất cho 306 bóng đèn ở giai đoạn đầu.


Mai Anh T.h