Chủ nhật, 28/04/2024 | 04:13 GMT+7

Sẽ loại bỏ các tổ máy nhiệt điện lạc hậu

17/01/2013

Bộ Công Thương đang soạn thảo để trình Chính phủ phê duyệt quy định về việc loại bỏ ra khỏi hệ thống điện quốc gia các tổ máy nhiệt điện chạy than công nghệ lạc hậu, hiệu suất thấp, không mạng lại hiệu quả năng lượng.

Bộ Công Thương đang soạn thảo để trình Chính phủ phê duyệt quy định về việc loại bỏ ra khỏi hệ thống điện quốc gia các tổ máy nhiệt điện chạy than công nghệ lạc hậu, hiệu suất thấp, không mạng lại hiệu quả năng lượng.

Thông tin trên được ông Cù Huy Quang, chuyên viên văn phòng Tiết kiệm năng lượng thuộc Bộ Công Thương cho biết tại Hội thảo về sử dụng năng lượng hiệu quả của các ngành công nghiệp Việt Nam diễn ra tại TPHCM sáng 14-1.

Theo ông Quang, hiện Việt Nam có nhiều tổ máy nhiệt điện chạy than công suất trên dưới 50 MW, tiêu thụ nhiều năng lượng nhưng hiệu suất phát điện thấp (chỉ đạt khoảng 30%).

dc0340f8f_q.jpg

Theo Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, nguồn nhiên liệu để phát điện như than, khí đang dần cạn kiệt 

Trước đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định 73/2011/NĐ-CP quy định mức phạt đến 100 triệu đồng đối với hành vi không loại bỏ các tổ máy phát điện lạc hậu, hiệu suất thấp, không mạng lại hiệu quả năng lượng.

Ông Quang cho biết hiện tại nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là Trung Quốc, đã có quy định loại bỏ các tổ máy phát điện lạc hậu dưới 200 MW ra khỏi hệ thống. Nhưng đối với Việt Nam, các tổ máy nhiệt điện 200 MW vẫn được xem là công suất lớn, còn phổ biến là các tổ máy công suất trên dưới 50 MW.

Ông Quang cho biết việc ban hành quy định mới này còn giúp Việt Nam tránh nhập khẩu các tổ máy nhiệt điện lạc hậu đang được các nước khác thải bỏ. Dự kiến Bộ Công Thương sẽ trình Chính phủ ban hành quy định này vào cuối năm nay.


Tuy nhiên, qua trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online hôm nay (14-1), ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam lại có ý kiến ngược lại.

Theo ông Ngãi, mặc dù các tố máy nhiệt điện thuộc hàng lạc hậu ở Việt Nam có cái “dở” là công nghệ cũ, tiêu hao nhiên liệu nhiều, nhưng hầu hết đã qua thời gian khấu hao, giờ có giá phát điện rất rẻ nên cần tiếp tục khai thác, không nên bỏ.

Ông Ngãi đưa ra ví dụ về hai nhà máy nhiệt điện chạy than là Uông Bí và Phả Lại đã hoạt động trên 40 năm, nay đã qua thời gian khấu hao, đang phát điện rất hiệu quả. 

Tăng hỗ trợ cho doanh nghiệp đổi mới công nghệ sử dụng năng lượng hiệu quả. 

Trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online tại hội thảo sáng nay, ông Cù Huy Quang cho biết trong tháng 4 này, liên Bộ Công Thương – Tài chính – Kế hoạch và Đầu tư sẽ ban hành thông tư về hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ để sử dụng năng lượng hiệu quả.

Thông tư mới này sẽ thay thế Thông tư 142 năm 2007 của liên bộ Công Thương – Tài chính về hướng dẫn sử dụng kinh phí thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Theo đó, mức hỗ trợ không hoàn lại để doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ trong thông tư 142 là 30% trên tổng mức đầu tư tối đa 5 tỉ đồng, thì thông tư mới sẽ nâng mức hỗ trợ tối đa lên 10 tỉ đồng.

 Các đối tượng hỗ trợ cũng được mở rộng ra cho các thành phần kinh tế tư nhân chứ không bó hẹp cho doanh nghiệp nhà nước như hiện nay.

Ngoài ra, thông tư sắp tới cũng nâng mức hỗ trợ cho để doanh nghiệp thực hiện việc kiểm toán năng lượng lần đầu từ 50 triệu đồng/doanh nghiệp lên mức tối đa là 100 triệu đồng/doanh nghiệp. 

 Theo http://www.thesaigontimes.vn