Thứ sáu, 19/04/2024 | 11:13 GMT+7

Đồng Nai chú trọng phát triển công nghiệp xanh

16/10/2015

Nhờ việc chú trọng áp dụng sản xuất sạch hơn và các giải pháp tiết kiệm năng lượng tại các khu công nghiệp mà Đồng Nai đang ngày một tiến gần hơn tới mục tiêu phát triển công nghiệp xanh và bền vững.

Nhờ việc chú trọng áp dụng sản xuất sạch hơn và các giải pháp tiết kiệm năng lượng tại các khu công nghiệp mà Đồng Nai đang ngày một tiến gần hơn tới mục tiêu phát triển công nghiệp xanh và bền vững.  

Chú trọng áp dụng sản xuất sạch hơn

 

Một nhà máy ở Khu công nghiệp Nhơn Trạch 3, huyện Nhơn Trạch áp dụng quy trình sản xuất xanh.

Cuối tháng 6/2015, Sở Công Thương Đồng Nai đã tổ chức thành công hội nghị “Tuyên truyền chính sách hỗ trợ, quy trình thực hiện sản xuất sạch hơn trong công nghiệp và sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả”. Đây là một hội nghị tập huấn cho trên 100 cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý năng lượng, sản xuất sạch hơn của các doanh nghiệp trọng điểm trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.

Không dừng lại ở các buổi tập huấn bằng lý thuyết, từ năm 2011, nhờ hỗ trợ của Hợp phần sản xuất sạch hơn trong công nghiệp của Bộ Công thương, Đồng Nai đã triển khai xây dựng kế hoạch sản xuất sạch hơn trong công nghiệp đến năm 2015 và thành lập Phòng Sản xuất sạch hơn trực thuộc Trung tâm Tư vấn công nghiệp.

Bên cạnh công tác tuyên truyền, Sở Công Thương Đồng Nai còn hỗ trợ các doanh nghiệp áp dụng giải pháp sản xuất sạch hơn và sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả. Các công ty được hỗ trợ thực hiện thí điểm chương trình sản xuất sạch hơn đều đem lại hiệu quả cao, như: Công ty TNHH Mabuchi Motor Việt Nam, Công ty cổ phần cơ khí Đồng Nai, Công ty cổ phần điện cơ Đồng Nai, Công ty cổ phần bao bì Biên Hòa (TP. Biên Hòa).

Qua khảo sát, nhân thấy tiềm năng tiết kiệm năng lượng tại Công ty cổ phần bao bì Biên Hòa là gần 12%, chi phí năng lượng giảm hơn 9%; tiềm năng của Công ty cổ phần công nghiệp Tung Kuang là 16,5%, chi phí từ tiết kiệm năng lượng hơn 17%; Công ty TNHH Meiwa Việt Nam tiết kiệm 6,5% năng lượng tiêu thụ, giảm chi phí về năng lượng hơn 15%; Công ty TNHH xây dựng và trang trí nội thất số 7 tiết kiệm năng lượng tiêu thụ 17%, giảm gần 27% chi phí năng lượng; Công ty TNHH Phi Dung tiết kiệm 32% năng lượng, giảm 32% chi phí năng lượng.

Ngoài ra, tất cả các khu công nghiệp tại Đồng Nai đều có nhà máy xử lý nước thải tập trung. Cụ thể như ngành chế biến kim loại, các mảnh thép, nhôm thừa được thu hồi tái chế, dầu cũng được thu hồi lại và tái sử dụng làm nhiên liệu. Trong ngành giấy, các chất thải có thể tận dụng cho ra các sản phẩm khác tăng lợi nhuận. Ngành chế biến thực phẩm, phế thải được thu hồi và dùng làm thức ăn chăn nuôi, nước thải sau khi xử lý sẽ phát ra khí metan dùng cho việc phát điện và nhiệt…

Xử lý rác thải tập trung tại KCN Đồng Nai

Tiết kiệm điện là ưu tiên hàng đầu

Tiết kiệm điện trong quá trình sản xuất là một trong những giải pháp quan trọng trong quá trình giảm thiểu chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm cũng như giảm phát thải khí gây ô nhiễm môi trường. Tại Đồng Nai, các doanh nghiệp đặc biệt chú trọng tới vai trò của tiết kiệm điện và xem đây là một trong những ưu tiên hàng đầu mang lại lợi ích cho bản thân doanh nghiệp cũng như lợi ích chung của cộng đồng.

Ngày hội tiết kiệm điện tại Đồng Nai

Ông Chu Văn Hiếu, Giám đốc Trung tâm Tư vấn công nghiệp, Sở Công thương Đồng Nai, cho biết: “Hàng năm, trung tâm đều có kế hoạch hỗ trợ các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh thực hiện kiểm toán năng lượng, lập các báo cáo nghiên cứu khả thi và các báo cáo nghiên cứu đầu tư để thúc đẩy các hoạt động tiết kiệm năng lượng tại các doanh nghiệp.”

Các chương trình hỗ trợ nâng cao kiểm toán năng lượng do Sở Công thương tổ chức có sự tham gia của rất nhiều doanh nghiệp thuộc nhiều ngành nghề khác nhau. Sau quá trình trình áp dụng giải pháp cải tạo hệ thống nhiệt và tận dụng giờ thấp điểm, tránh giờ cao điểm tại 5 doanh nghiệp thí điểm trên, khảo sát cho thấy năng lượng tiêu thụ tại các doanh nghiệp giảm trong khoảng 6,5-32%, chi phí nhiên liệu đầu vào giảm 9,3-32%.

Nhờ việc cắt giảm chi phí nhiên liệu đầu vào mà tổng điện tiết kiệm được tại các doanh nghiệp là trên 2,8 triệu kWh/năm, 312 tấn dầu/năm, hàng trăm tấn gas và giảm gần 2.800 tấn CO2 phát thải ra môi trường. Các chi phí đầu tư cho những giải pháp tiết kiệm năng lượng của 5 doanh nghiệp này là khoảng 10,7 tỷ đồng, nhưng số tiền tiết kiệm được từ giảm sử dụng điện, gas, dầu là gần 14 tỷ đồng/năm nên thời gian hoàn vốn của các doanh nghiệp chỉ hơn 9 tháng.

Bên cạnh những doanh nghiệp thí điểm tiết kiệm năng lượng và những doanh nghiệp lớn chú trọng đầu tư công nghệ sản xuất sạch hơn và tiết kiệm năng lượng, vẫn còn có những doanh nghiệp nhỏ chưa chú ý đến việc áp dụng các giải pháp tiết kiệm điện, các công nghệ sản xuất xanh vì năng lực tài chính có hạn. Tuy nhiên, để phát triển bền vững thì việc đầu tư cho sản xuất sạch hơn và các giải pháp tiết kiệm năng lượng là hướng đi tất yếu cho tất cả các doanh nghiệp trong thời kỳ hội nhập.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai có hơn 18 nghìn doanh nghiệp từ nhiều ngành nghề khác nhau. Nhờ chủ trương áp phát triển công nghiệp xanh và bền vững mà tính chọn lọc các dự án đầu tư tại đây cao hơn: mạnh dạn từ chối những dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao và ưu tiên mời gọi các dự án công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, dự án thân thiện với môi trường để hướng đến nền công nghiệp xanh, sạch.

Yến Lê