Thứ năm, 28/03/2024 | 22:39 GMT+7

Thép Việt Sing áp dụng công nghệ, tối ưu hóa năng lượng

25/03/2022

Việc áp dụng các giải pháp kỹ thuật và công nghệ mới đã giúp Thép Việt Sing giảm tiêu hao điện năng và dầu FO. Cụ thể, từ năm 2015 đến năm 2020, điện năng phụ trợ giảm từ 21,70 Kwh/tấn xuống 20,48 Kwh/tấn sản phẩm; Điện năng sản xuất giảm từ 97,97 KWh/tấn sản phẩm xuống dưới 86,79 KWh/ tấn sản phẩm; Dầu FO cho nung phôi giảm từ 32,50 lít/ tấn sản phẩm xuống 31,29 lít/tấn sản phẩm.

Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là một giải pháp thiết thực giúp cải thiện hiệu quả của nền kinh tế, đồng thời giúp bảo tồn nguồn năng lượng quốc gia, bảo vệ môi trường và giảm phát thải khí nhà kính. Việc doanh nghiệp sản xuất tăng cường triển khai các giải pháp tiết kiệm năng lượng có ý nghĩa rất quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Công ty TNHH NatSteelVina -Thép Việt Sing nằm trong Khu công nghiệp Gang thép Thái Nguyên, nhiều năm qua đơn vị luôn quan tâm, sử dụng năng lượng tiết kiệm, coi đây như một nét văn hóa trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Đầu tư công nghệ mới nhằm tối ưu hóa việc tiêu thụ năng lượng luôn được Thép Việt Sing quan tâm
Để hướng tới sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Công ty đã xây dựng hệ thống quản lý năng lượng; Xây dựng kế hoạch 5 năm về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Xây dựng chỉ tiêu về năng lượng điện, nước, dầu cho từng loại sản phẩm; Xây dựng các quy trình vận hành, hướng dẫn sử dụng đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật và tối ưu hóa trong sử dụng năng lượng tiết kiệm và có hiệu quả cho các loại nguồn năng lượng Điện, Dầu FO, Nước, Khí nén của các khu vực trọng điểm có liên quan; Nâng cao ý thức cán bộ công nhân viên về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Chia sẻ về các giải pháp tiết kiệm năng lượng tiêu biểu đã được Thép Việt Sing thực hiện, ông Lê Khắc Giang - Phó Phòng Sản xuất, Phó Ban Quản lý năng lượng của Công ty cho biết, những năm qua đội ngũ kỹ thuật của Công ty đã đầu tư nghiên cứu và đưa ra những giải pháp, áp dụng công nghệ mới nhằm tối ưu hóa tiêu thụ năng lượng, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm.
Cụ thể, đã xây dựng quy trình vận hành lò nung phôi theo kích thước phôi, công suất cán nhằm tối ưu hóa sử dụng năng lượng và đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật liên quan; Lắp biến tần tự động điều khiển áp lực gió lò nung thay cho van tiết lưu điều khiển cửa hút giúp giảm 25% tiêu hao điện năng cho động cơ quạt gió 75HP; Lắp hệ thống bù tự động cho các tủ phân phối hạ thế, bù cục bộ tới từng động cơ AC (>22KW) góp phần duy trì Coshitrung bình hàng tháng xung quanh 0,95, giúp tiết kiệm khoảng 2.5% tiêu hao điện năng.

Sơ đồ khối điều khiển trạm bơm tăng áp.
Đặc biệt, trong hệ thống cấp nước, trước kia Công ty chỉ dùng một trạm đầu nguồn và hòa các bơm với nhiều đặc tính khác nhau, gây tổn thất năng lượng, hay gặp sự cố ở hệ thống bơm và không đáp ứng tốt cho sản xuất, thì nay tiến hành cải tạo, phân ra làm 2 trạm độc lập và ghép nối tiếp với nhau. Trạm đầu nguồn giảm áp lực, tăng lưu lượng để cấp cho một phần dây truyền và trạm bơm tăng áp dùng cho các thiết bị có yêu cầu áp lực cao hơn. Mỗi trạm bơm này gồm một số bơm hòa chung đầu ra với các bơm có đặc tính tương đương và mỗi trạm có 1 bơm biến tần làm chủ đạo điều khiển tự động các bơm còn lại theo áp lực đặt. Việc này luôn duy trì áp lực như mong muốn của từng khu vực, giảm tiêu hao điện năng và thiết bị cũng bền hơn.
Vật liệu của các tháp giải nhiệt trước đó là PVC với thời gian làm việc ngắn, thay thế định kỳ 3 năm và bám cặn bẩn rất nhiều, làm giảm quá trình trao đổi nhiệt, nay cũng được thay thế bằng vật liệu Composite (FRP) với khả năng chịu nhiệt tốt hơn, không bám cáu bẩn và thiết kế kiểu Splash Bar, tạo dòng chảy rối và bắn tóe giúp cho quá trình trao đổi và giải nhiệt tốt hơn (nhiệt độ trước đó qua tháp chỉ giảm được từ 5-7oC đã nâng lên 10-12oC, giảm điện năng tiêu thụ cho quạt làm mát, tuổi thọ của vật liệu dài hơn 10 năm.
Bên cạnh đó, trần lò trước đó làm bằng bê tông chịu nhiệt bị thất thoát nhiệt khá lớn với nhiệt độ đo được trên 100oC, Công ty đã cho thay thế bằng vật liệu mới bằng sợi gốm, nhiệt độ giảm xuống xung quanh 70oC và đảm bảo tuổi thọ tốt hơn trong quá trình làm việc.
Với một loạt các giải pháp kỹ thuật trên, Báo cáo kiểm toán năng lượng năm 2018 cho thấy hoạt động quản lý năng lượng ở Thép Việt - Sing đã được đạt những chỉ số khá tốt, tiêu hao điện năng và dầu FO đều giảm. Công ty tiếp tục phát huy những kết quả đã có và cụ thể là về điện năng, từ năm 2015 đến năm 2020, điện năng phụ trợ giảm từ 21,70 Kwh/tấn xuống 20,48 Kwh/tấn sản phẩm (5,96%); Điện năng cho sx giảm từ 97,97 KWh/tấn sản phẩm xuống dưới 86,79 KWh/ tấn sản phẩm (12,88%). Dầu FO cho nung phôi năm 2015 đến năm 2020 giảm từ 32,50 lít/ tấn sản phẩm xuống 31,29 lít/tấn sản phẩm (3,86%).
Đặc biệt, suất tiêu hao năng lượng năm ngày một được cải thiện và năm 2020 thấp hơn 6.88% so với hạn ngạch tiêu thụ năng lượng (1650MJ/tấn) của ngành thép trong Thông tư số 20/2016/TT-BCT ngày 20 tháng 9 năm 2016 của Bộ CôngThương.
Ông Lê Khắc Giang - Phó Phòng Sản xuất, Phó Ban Quản lý năng lượng của Công ty TNHH NatSteelVina - Thép Việt Sing đã được vinh danh ở hạng mục cá nhân có thành tích hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ về Quản lý năng lượng tại Doanh nghiệp đã tham gia "Giải thưởng Hiệu quả năng lượng trong công nghiệp năm 2021" do Bộ Công Thương phối hợp với Hội Khoa học và Công nghệ sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (VECEA) tổ chức . 
Giải thưởng nhằm khuyến khích, thúc đẩy cộng đồng doanh nghiệp áp dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng. Đồng thời ghi nhận, tôn vinh các mô hình, giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả tiêu biểu trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, từ đó tạo hiệu ứng, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội.
Mai Anh