Thứ sáu, 17/05/2024 | 08:46 GMT+7

Biến nhựa thải thành nhiên liệu sinh học

10/07/2012

Một phương pháp mới nhằm tạo ra nhiên liệu sinh học bằng cách sử dụng chất xúc tác với lưu lượng vừa đủ để phá vỡ liên kết chất dẻo (nhựa plastic) sẽ được triển khai ở Vương quốc Anh vào tháng 7 này.

Một phương pháp mới nhằm tạo ra nhiên liệu sinh học bằng cách sử dụng chất xúc tác với lưu lượng vừa đủ để phá vỡ liên kết chất dẻo (nhựa plastic) sẽ được triển khai ở Vương quốc Anh vào tháng 7 này.

Phương pháp này được phát minh bởi một sinh viên 16 tuổi người Ai Cập, Azza Abdel Hamid Faiad, đang học tại trường ngôn ngữ Zahran tại Alexandria, Ai Cập. Faiad đã giành giải thưởng tại cuộc thi Các nhà khoa học trẻ Liên minh châu Âu lần thứ 23 với 130 thí sinh tham dự đến từ 37 quốc gia, vừa được tổ chức tại Phần Lan năm ngoái.

Faiad cho biết, lượng tiêu thụ nhựa của Ai Cập là rất lớn, ước tính khoảng 1.000.000 tấn mỗi năm, và khoảng 80% số lượng đó thành chất thải thải ra môi trường.

bcf48becb_biofuel20_03.jpg

“Nhựa thải là một vấn đề thực sự đối với không chỉ Ai Cập, mà còn ở hầu hết các nước đang phát triển. Dự án này chỉ đơn giản là tìm ra một giải pháp phù hợp” Nourwanda Sorour, một sinh viên tại Đại học Alexandria Ai Cập, và là một trong những cố vấn của Faiad phát biểu.

Faiad đã thành công trong việc chuyển đổi nhựa dẻo thành nhiên liệu sinh học bằng cách sử dụng chất xúc tác có chi phí rất thấp là calcium bentonite, cho phá vỡ các liên kết chất nhựa dẻo. Khi chất nhựa dẻo được chia nhỏ, nó sản sinh ra các loại khí như propane, methane, ethane, sau đó được chuyển đổi thành ethanol để sử dụng làm nhiên liệu sinh học.

Phương pháp phá vỡ liên kết của chất thải nhựa và polyme bằng cách nung nóng ở nhiệt độ cao không phải là một ý tưởng mới, nhưng chính loại chất xúc tác được sử dụng mới là một phát minh mang tính đột phá của Faiad.

“Dự án này có thể dễ dàng được triển khai thực hiện, vì nó không tạo ra bất kỳ loại khí độc hại nào, miễn là tuân thủ đủ các biện pháp an toàn,” Sorour nói.

Còn Faiad thì cho biết: “Tôi sẽ nỗ lực theo đuổi những kế hoạch của mình để dự án của tôi được cấp bằng sáng chế trong năm nay thông qua Văn phòng cấp bằng sáng chế Ai Cập và cũng sẽ làm hết sức để biến ý tưởng trở thành một dự án được áp dụng thực tế”.

Mamdouh Elmelawy, đến từ Viện Nghiên cứu Dầu khí Ai Cập cho hay, dự án này rất hữu ích đối với hầu hết các quốc gia, nhằm thúc đẩy việc thay thế nhiên liệu hóa thạch.

Lê My Theo Petrotimes