Thứ bảy, 04/05/2024 | 08:07 GMT+7

Kiến trúc xanh nhìn từ một công trình

16/09/2010

Dự án Mercure Sơn Trà Resort của Công ty cổ phần Dịch vụ tổng hợp Sài Gòn (Savico), vừa được khởi công xây dựng ở TP Đà Nẵng. Đây là công trình được thiết kế trên cơ sở tiếp cận khái niệm kiến trúc thân thiện môi trường (kiến trúc xanh) với tinh thần tiết kiệm năng lượng, nguồn nước, và sử dụng vật liệu bền vững (loại vật liệu mà khâu sản xuất ra nó không ảnh hưởng đến môi trường).

Dự án Mercure Sơn Trà Resort của Công ty cổ phần Dịch vụ tổng hợp Sài Gòn (Savico), vừa được khởi công xây dựng ở TP Đà Nẵng. Đây là công trình được thiết kế trên cơ sở tiếp cận khái niệm kiến trúc thân thiện môi trường (kiến trúc xanh) với tinh thần tiết kiệm năng lượng, nguồn nước, và sử dụng vật liệu bền vững (loại vật liệu mà khâu sản xuất ra nó không ảnh hưởng đến môi trường).

 

Giải thích về khái niệm kiến trúc xanh được áp dụng ở công trình, kiến trúc sư Dương Hồng Hiến, cho biết, đầu tiên phải xác định hướng nhà. Dự án gồm hai phần: phần khách sạn 120 phòng và 22 biệt thự. Hướng khách sạn là hướng Đông Tây nhưng biệt thự là hướng Bắc Nam.


 phoicanh_mercu_trich.jpg


Khách sạn chọn hướng Đông Tây vì hướng Tây đã có núi che, hướng Đông đón ánh nắng mặt trời giúp hạn chế sử dụng ánh sáng nhân tạo, đồng thời khách vãng lai cũng không ở liên tục trong phòng nên tính chất gay gắt của ánh nắng không ảnh hưởng sinh hoạt và đồng thời tiết kiệm được  năng lượng trong chiếu sáng và điều hòa không khí.


Trong khi ở biệt thự thì hầu hết các cạnh ngắn, ít cửa sổ của mặt bằng đều đưa về phía các hướng có nắng mạnh nhằm giảm thiểu việc tiêu thụ năng lượng điều hòa.
 

Kế đến, việc phân bổ ánh sáng liên quan đến công năng sử dụng của công trình: ví dụ khu vực hành lang sẽ là ánh sáng tối thiểu, nhưng ánh sáng ở khu trung tâm sẽ được dồn nhiều hơn. Nhà vệ sinh của phòng khách sạn và villa có kính thông suốt để mượn ánh sáng vào từ phía phòng ngủ mở thoáng giảm thiểu dùng đèn.

 

Đồng thời, các hệ thống cửa đều sử dụng loại có thể cho khí trời vào (đóng lưới ngăn muỗi) giúp hạn chế sử dụng điều hòa ở phần lớn thời gian; phần nước mưa hoặc nước thải được tái sử dụng bằng cách tập trung vào trạm xử lý nước thải,  xử lý xong đưa lại vào hồ cảnh, từ đó phân bổ làm nước tưới cây. Nguồn nước sinh hoạt (nước máy) tách riêng với nguồn nước tưới cây, trang trí.

 

KTS Hiến cho biết thêm, dự án này ông cũng tính toán chiếu sáng lối đi cho cảnh quan toàn khu bằng đèn năng lượng mặt trời, ban ngày tiếp nhận ánh sáng, ban đêm phát ra ánh sáng. Đèn chiếu sáng là đèn bóng tiết kiệm điện hoặc đèn LED có tuổi thọ cao và tiết kiệm điện (tùy chỗ để đầu tư). Hệ thống nước nóng sử dụng năng lượng mặt trời là giải pháp ưu tiên dành cho khách sạn.


Nội thất dự án Mercure Sơn Trà Resort cũng sử dụng tập trung vào các chủng loại tự nhiên như đá tự nhiên cho ốp lát, tranh cát trên tường, gỗ tự nhiên cho những phần trang trí và gốm sứ là những vật liệu làm bằng tay. Vải sẽ là lụa, đay, bông.

 

Mặt khác, vì đứng trên núi hay lối vào chính có thể thấy nóc của khách sạn nên giải pháp trồng cỏ trên nóc nhà được nghiên cứu như một giải pháp cảnh quan, đồng thời giúp giảm thiểu sự tham gia bất đắc dĩ của bê tông vào thiên nhiên của bờ biển.

 

Việc trồng cây bóng mát đúng chỗ cho các biệt thự nhằm che chắn cho các khu vực phòng ngủ của khu villa, phòng sinh hoạt, cũng là một sự quan tâm đặc biệt trong quá trình thiết kế cảnh quan giúp tiết kiệm được năng lượng sử dụng cho điều hòa không khí.


Lộc Nguyễn