Thứ hai, 29/04/2024 | 21:36 GMT+7

Khó khăn nào trong việc xây dựng Tổng sơ đồ phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam?

02/07/2010

Mặc dù Tổng sơ đồ phát triển năng lượng tái tạo (NLTT) Việt Nam giai đoạn đến 2015, tầm nhìn 2025 đã được Viện Năng lượng Việt Nam xây dựng, đang chờ Thủ tướng phê duyệt. Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng đã gặp nhiều khó khăn và có nhiều luồng ý kiến khác nhau. Phóng viên Bản tin TKNL đã có cuộc trao đổi với TS Phạm Khánh Toàn – Viện trưởng Viện Năng lượng Việt Nam để hiểu thêm về vấn đề này.

Mặc dù Tổng sơ đồ phát triển năng lượng tái tạo (NLTT) Việt Nam giai đoạn đến 2015, tầm nhìn 2025 đã được Viện Năng lượng Việt Nam xây dựng, đang chờ Thủ tướng phê duyệt. Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng đã gặp nhiều khó khăn và có nhiều luồng ý kiến khác nhau. Phóng viên Bản tin TKNL đã có cuộc trao đổi với TS Phạm Khánh Toàn – Viện trưởng Viện Năng lượng Việt Nam để hiểu thêm về vấn đề này.

 

PV:  Xin ông cho biết tình hình triển khai xây dựng Tổng sơ đồ phát triển NLTT Việt Nam giai đoạn 2015, tầm nhìn 2025 hiện nay như thế nào?


TS Phạm Khánh Toàn: Tổng sơ đồ (TSĐ) phát triển NLTT Việt Nam đã được Viện Năng lượng hoàn thành trong năm 2009. Sau khi nhận được đóng góp ý kiến của các bộ, ngành và của UBND các tỉnh, thành phố, Viện đã hoàn thiện báo cáo trình lên Bộ Công Thương đầu năm 2010. Chính phủ đã tổ chức cuộc họp để lấy ý kiến đóng góp của các bộ, ngành và một số tỉnh. Hiện nay, bản báo cáo cuối cùng đã được hoàn chỉnh theo góp ý của các đại biểu và đang trình Chính phủ để xem xét phê duyệt.


PV: Quá trình xây dựng TSĐ được dựa trên cơ sở thực tế nào? Xin ông cho biết khó khăn lớn nhất trong việc xây dựng TSĐ đó?


TS Phạm Khánh Toàn: Có 5 cơ sở chính để xây dựng TSĐ phát triển NLTT ở Việt Nam. Đó là dựa vào cơ sở pháp lý mà Nhà nước, Chính phủ đã ban hành; Dựa vào nhu cầu năng lượng, điện năng của đất nước trong thời kỳ phát triển mới; Dựa vào khả năng cung ứng có hạn và sự thiếu hụt các nguồn năng lượng truyền thống; Dựa vào tiềm năng sẵn có các nguồn NLTT của Việt Nam và các yêu cầu về bảo vệ môi trường, giảm thiểu phát thải khí nhà kính...


nltt.jpg

TSĐ phát triển NLTT Việt Nam là bản quy hoạch phát triển NLTT đầu tiên được xây dựng cho Việt Nam nên có gặp một số khó khăn như việc đánh giá chính xác tiềm năng kinh tế của NLTT là chưa có, hay nói cách khác là cần phải có một hệ thống cơ sở dữ liệu chính xác để có thể hoạch định được quy hoạch phù hợp theo một kịch bản kinh tế hợp lý. Ngoài ra, NLTT là một tập hợp các dạng năng lượng khác nhau với các công nghệ khác nhau, nguồn cung cấp lại phụ thuộc mùa vụ, thời tiết... Do vậy, cần phải có kinh nghiệm về công nghệ, cần các công cụ đánh giá, các mô hình mô phỏng, tính toán khác nhau cũng như các giải pháp hỗ trợ khác nhau, phù hợp cho từng dạng NLTT, từng vùng miền trong điều kiện thực tế của Việt Nam, đặc biệt trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế thế giới và lạm phát toàn cầu.


PV: Vậy để khắc phục khó khăn trên, Viện đã làm gì, thưa ông?


TS Phạm Khánh Toàn: Để có cơ sở dữ liệu và đánh giá chính xác về tiềm năng kinh tế, kỹ thuật về NLTT, Viện đã tổ chức nhiều hội thảo, hội nghị mời các chuyên gia đến từ nhiều bộ, ngành, kể cả các chuyên gia nước ngoài tham gia đóng góp, trao đổi và thu thập thông tin. Đặc biệt là hội nghị các nhà đầu tư, các chủ dự án (cả các dự án đang đầu tư và sẽ đầu tư) để trao đổi thu thập và bổ sung các thông tin chi tiết, nhằm xây dựng đường cong cung cấp cho tất cả các dạng NLTT. Đây là cơ sở thiết lập mục tiêu khai thác các dạng NLTT và cơ chế hỗ trợ cho từng dạng cụ thể. Viện cũng khai thác kinh nghiệm của thế giới, đặc biệt là các nước tương đồng với Việt Nam như Trung Quốc, Thái Lan thông qua trao đổi, hội họp của Tổ chức HAPUA trong khuôn khổ hợp tác các nước ASEAN về năng lượng và điện. Các trao đổi về cơ chế hỗ trợ, công nghệ và giá công nghệ, các giải pháp, biện pháp thực hiện khả thi...


PV: Được biết, quy hoạch trên đã đưa ra 5 kịch bản và xem xét lựa chọn 1 kịch bản để thực hiện, vậy ông có thể cho biết, Viện đã lựa chọn kịch bản nào? Ưu điểm của kịch bản này là gì?


TS Phạm Khánh Toàn: Các kịch bản được đề xuất nhằm mục đích đánh giá các khả năng phát triển NLTT trong các điều kiện khác nhau và mục tiêu khác nhau. Ví dụ như sự thay đổi trong các kịch bản về phát triển NLTT ở mức giá kinh tế của các dạng NLTT nối lưới được khai thác, tỷ lệ điện khí hóa hộ gia đình đến năm 2025, tỷ lệ phát triển phong điện nối lưới, chỉ tiêu phát triển các công nghệ NLTT cho sử dụng nhiệt như: Khí sinh học, đun nước nóng bằng năng lượng mặt trời, bếp đun sinh khối cải tiến, thúc đẩy chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển nhiên liệu sinh học. Và đặc biệt là khả năng, nguồn kinh phí hỗ trợ giá cho dạng NLTT có thể chấp nhận được theo từng giai đoạn.


Kịch bản được đề xuất có ưu điểm là: Căn cứ vào tiềm năng (được xác định bước đầu) các nguồn NLTT có thể khai thác được về mặt kinh tế-kỹ thuật; Căn cứ vào khả năng và nguồn kinh phí hỗ trợ có thể có trong điều kiện Việt Nam cho phép; Căn cứ vào nhu cầu điện tăng cao trong giai đoạn từ nay đến năm 2015 và định hướng đến 2025.


PV: Ông có thể so sánh ưu và nhược điểm của việc khai thác phát triển NLTT với việc khai thác phát triển các dạng năng lượng khác?


TS Phạm Khánh Toàn: So với các dạng năng lượng khác, thì khai thác NLTT có 3 ưu điểm nổi trội đó là:  Sạch, bảo vệ môi trường bền vững cả ở quy mô toàn cầu lẫn quy mô quốc gia vì NLTT không phát thải hoặc trung hòa về phát thải khí nhà kính... Khai thác NLTT đồng nghĩa với việc khai thác mà không mất đi nguồn dự trữ, đảm bảo đa dạng hóa nguồn cung cấp, an ninh năng lượng, giảm phụ thuộc vào nguồn năng lượng hóa thạch, giảm phụ thuộc vào giá năng lượng thế giới biến động theo xu hướng tăng. Thường quy mô các dạng NLTT ở loại nhỏ và xây dựng ở các vùng nông thôn, khi đó phát triển NLTT sẽ theo việc phát triển cơ sở hạ tầng (đường sá), tận thu các phế thải nông - lâm nghiệp để tạo nguồn NL mới.


Tuy nhiên, khai thác phát triển NLTT ở Việt Nam hiện nay sẽ gặp phải một số hạn chế sau. Do quy mô nhỏ hơn, nên suất đầu tư cao, làm cho giá thành sản xuất cao hơn các dạng năng lượng truyền thống. Công nghệ NLTT có giá thành còn cao cũng là một trong các nguyên nhân làm cho NLTT chưa thể phát triển như mong muốn. Khai thác NLTT còn phục thuộc vào thời tiết (mặt trời, gió, thủy điện), mùa vụ (các loại sinh khối trấu, bã mía...). Đối tượng sử dụng (khí sinh học, bếp đun, đun nước nóng bằng mặt trời...) thường là các hộ gia đình, nhất là các hộ gia đình ở vùng sâu, vùng xa chưa có lưới điện quốc gia vươn tới, chưa có khả năng kinh tế chi trả các dịch vụ, giá năng lượng...


PV: Theo ông, muốn khai thác thành công NLTT ở Việt Nam cần những yếu tố nào?


TS Phạm Khánh Toàn: Phải có quyết tâm đồng bộ của cả hệ thống như, sớm ban hành chính sách khuyến khích và hỗ trợ cho NLTT; Xây dựng và lập quy hoạch, lộ trình khai thác cho từng dạng NLTT; Tăng cường và đầu tư mạnh cho nghiên cứu để từng bước nội địa hóa và giảm giá thành. Để NLTT cạnh tranh được với các dạng năng lượng khác, cần thiết phải tính đúng, tính đủ các chi phí về mặt xã hội và môi trường mà NLTT mang lại, sớm dỡ bỏ trợ giá cho một số dạng năng lượng hóa thạch nội địa, vì Việt Nam sẽ phải nhập khẩu năng lượng để đáp ứng nhu cầu (dự kiến nhập khẩu than cho sản xuất điện).


 Xin cảm ơn Ông!


Thu Hoài Bản tin TKNL