Chủ nhật, 05/05/2024 | 23:50 GMT+7

Gian nan vận động tiết kiệm điện

06/06/2013

Ngành điện đang phải đối diện với rất nhiều thách thức trong việc đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ điện phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội cũng như sinh hoạt của người dân.

Ngành điện đang phải đối diện với rất nhiều thách thức trong việc đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ điện phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội cũng như sinh hoạt của người dân.

8655dcf18_img_9519.jpg
 
Tuyên truyền tiết kiệm điện tại Trường tiểu học Thực Nghiệm

Trong khi chờ đợi những thay đổi về mặt chính sách có thể hỗ trợ vốn cũng như tăng khả năng tích lũy để đầu tư, công tác tuyên truyền tiết kiệm điện được ngành điện đặt ra là giải pháp ưu tiên hàng đầu. Hình ảnh những bóng áo cam không quản nắng mưa, đêm ngày len lỏi đến từng ngõ xóm, trường học, công sở, xí nghiệp… để thuyết phục, vận động người dân thực hiện các giải pháp tiết kiệm đã trở nên rất đỗi gần gũi, thân thuộc.

Gian nan gây dựng phong trào

Liên tục vài năm nay, một trong các công tác hàng đầu của ngành điện lực là phong trào tiết kiệm điện, sử dụng điện năng hiệu quả. Với mục tiêu tiết kiệm hơn 235,5 triệu kWh điện, Tổng Công ty Điện lực Hà Nội (EVN HANOI) là một trong các đơn vị hàng đầu mạnh dạn đưa ra các chỉ tiêu vượt trội với lượng điện tiết kiệm ít nhất 2% tổng lượng điện thương phẩm, tương đương 1.055 tỉ đồng và tăng thêm 26,5 triệu kWh so với mức thực hiện năm 2012. Một trong những mũi nhọn của phong trào tiết kiệm điện là những tuyên truyền viên đang sát cánh bên người dân để động viên, cung cấp các thông tin sử dụng điện đúng cách, tiết kiệm. Chúng tôi đã cùng các tuyên truyền viên tiết kiệm điện rong ruổi đến với các trường tiểu học, từng cụm dân cư thành phố Hà Nội để mục sở thị những công tác tuyên truyền tiết kiệm điện.

Quận Long Biên là một trong các quận mới thành lập có mức độ đô thị hóa nhanh chóng trong những năm vừa qua. Khi dân số liên tục tăng, các khu dân cư được xây mới, kéo theo tốc độ phát triển phụ tải điện tăng chóng mặt. Chính vì vậy, đây là một trong những quận trọng điểm tuyên truyền tiết kiệm điện đến tổ dân cư. Trong cái nắng nóng xấp xỉ 40oC, chúng tôi cùng hai tuyên truyền viên Hồng Hạnh và Tiến Dũng len lỏi trong tổ 17 phường Đức Giang, quận Long Biên để gặp mặt phổ biến chủ trương tiết kiệm năng lượng và phát từng tờ rơi tuyên truyền.

Trước những ngôi nhà mới xây, cửa sắt vòng trong vòng ngoài, chúng tôi bấm chuông rồi đứng đợi hơn chục phút mới thấy một người đi ra, nhưng nhất định không chịu mở cổng. Phần lớn họ là người giúp việc, được lệnh “không mở cổng cho người lạ” nên rất nhiều người tỏ vẻ khó chịu. Có lẽ gặp trường hợp này nhiều lần nên chị Hạnh và anh Dũng vẫn kiên nhẫn thay nhau nói đến “gãy lưỡi” họ mới nhận chuyển giúp những tờ rơi tuyên truyền. Có thể nói, tuyên truyền trực tiếp, phát tài liệu bằng hình thức tờ rơi còn nhiều hạn chế như thời gian, khó đến tay người nhận, dễ bị hiểu lầm sang các dịch vụ bán hàng khác và mất nhiều công sức của tuyên truyền viên nhất.

Đến cuối tổ dân phố, chúng tôi nhập với nhóm thời sự của Đài Truyền hình Việt Nam đang quay phim tiết kiệm điện tiêu biểu. Có vài bà xồn xồn thấy máy quay phim liền hỏi: “Này, có vụ gì đấy mấy cháu…”. Nghe chúng tôi trình bày về chương trình tiết kiệm điện của thành phố, bà ta quay ngoắt 180o, nguýt một cái dài và không quên kèm theo một câu mát mẻ: “Ối dào, tiền tôi tôi tiêu, điện tôi tôi dùng, chả liên quan đến ai mà phải dạy khôn…”. Trong đoàn có ông Nguyễn Văn Thành, Phó giám đốc Công ty Điện lực Long Biên nghe mấy câu chửi đổng, ông lắc đầu ngao ngán nói: “Mặc dù tuyên truyền tiết kiệm điện đã thực hiện nhiều năm, phần lớn người dân đã có ý thức tự giác thực hiện nhưng, một bộ phận nhỏ vẫn giữ thái độ thiếu thiện cảm với ngành điện, chưa hiểu hết được tầm quan trọng của tiết kiệm điện. Chính vì vậy, công tác tuyên truyền càng phải đẩy mạnh hơn nữa theo phương châm “mưa dầm thấm lâu” thì mới có thể thành công…”.

Nhìn những bóng áo cam đẫm mồ hôi giữa những cơn gió tây nóng hầm hập, tôi như thấy lòng mình trĩu nặng. Tìm được sự cảm thông giữa ngành điện lực với khách hàng tiêu thụ điện không phải chuyện đơn giản, một sớm một chiều.

Nỗi lòng tuyên truyền viên

Trong Tập đoàn Điện lực Việt Nam, các đơn vị thành viên trực thuộc, lực lượng đoàn viên, thanh niên là nòng cốt, phụ trách toàn bộ công tác tuyên truyền tiết kiệm điện. Hiện nay, hầu hết các tuyên truyền viên đang thực hiện chế độ kiêm nhiệm. Chính vì vậy, ngoài công tác chuyên môn thì vào những tháng cao điểm họ phải thêm trách nhiệm đi “gõ cửa từng nhà” để tuyên truyền về tiết kiệm điện.

Anh Tiến Dũng, tuyên truyền viên quận Long Biên cho biết: “Đi làm công tác tuyên truyền, bị nói mát, chửi đổng là chuyện thường xuyên. Có lần em còn bị người dân vác chổi đuổi đánh vì hôm trước công ty lỡ cắt điện đúng khu vực đang tuyên truyền, trong đó có nhà thuộc dân “xã hội”. Nhưng đau nhất là những người thân, xóm giềng xỉa xói sau lưng mình mỗi khi không hài lòng. Nhiều lần ăn cơm mà nuốt không trôi vì những câu nói mát mẻ, chửi đổng chua ngoa, sự dửng dưng, lạnh nhạt đến gai người…”. Chuyện người dân bức xúc trong những ngày nắng nóng lại bị cắt điện triền miên nên họ tìm cách xả lên đầu ngành điện, mà tuyên truyên viên là những người phải hứng chịu để cho người tiêu dùng xả giận. Mở bất cứ trang báo nào cũng đầy rẫy những bài, chuyên đề “tố” ngành điện lực. Không dừng ở đó, nhiều cá nhân để thể hiện sự bức xúc còn lên các trang mạng xã hội vung vít tất cả những lời lẽ miệt thị. Trong khi đó, chính họ có chịu theo dõi lịch cắt điện đâu trong khi đó ngành điện lúc nào cũng có lịch thông báo cắt điện đến từng quận, quận đến từng phường rồi đến từng tổ dân phố.

Đối lập những khó khăn của tuyên truyền viên tại các tổ dân phố, công tác tuyên truyền tiết kiệm điện tại các trường học bậc THCS rất hiệu quả. Năm 2013, EVN HANOI đặt mục tiêu tuyên truyền toàn bộ 505 trường tiểu học trên địa bàn TP Hà Nội. Công tác tuyên truyền trong trường học với những hình thức sinh động như các trò chơi đố chữ, hoạt động ngoài trời đã giúp các em thêm hiểu về các thiết bị điện. Ở độ tuổi hình thành nhân cách, nếu có nhận định đúng đắn về tiết kiệm điện, các em sẽ là hạt nhân cho nhiều gia đình xây dựng ý thức tiết kiệm điện năng. Chị Thanh Trang, tuyên truyền viên Tổng Công ty Điện lực Hà Nội hào hứng nói: “Với thanh niên, được làm việc với các em nhỏ luôn thú vị và vui nhộn. Chúng em cố gắng dùng các trò chơi thông minh tạo sự náo nhiệt, hấp dẫn để tuyên truyền. Từ đó, các thông điệp như “Học sinh tiểu học chung tay tiết kiệm điện”, “Tôi và bạn hãy cùng hành động” được các em hưởng ứng rất nhiệt tình”.

Năm 2013, ngành điện xác định là năm “EVN với khách hàng”, hướng tới xây dựng một thị trường điện hiện đại. Nhìn nhận đúng về ngành điện, để đạt được sự cảm thông, chia sẻ, những thiện cảm của nhân dân về những con người đang ngày đêm giữ gìn sự ổn định năng lượng quốc gia chính là nhiệm vụ của công tác truyền thông. Trong đó, tiết kiệm điện là một trong những mục tiêu hàng đầu và lâu dài.

Sự kiện Giờ trái đất, thành phố Hà Nội đã tiết kiệm được 219.000kWh tương đương hơn 1 tỉ đồng, tăng 11,7% so với năm 2012 (196.000 kWh).

Tính đến hết tháng 3-2013, EVN HANOI đã tiết kiệm được 70,16 triệu kWh (đạt 2,88% tổng lượng điện thương phẩm tiết kiệm theo kế hoạch).

EVN HANOI thống kê được 1.891 lượt khách hàng trung ương và 3.468 lượt khách hàng địa phương có mức sử dụng điện tăng trên 10% so với cùng kỳ năm 2012, báo cáo Sở Công Thương và UBND TP Hà Nội để có biện pháp xử lý.

 
Theo Petrotimes