Thứ sáu, 03/05/2024 | 15:46 GMT+7

Điểm sáng về phong trào tiết kiệm điện

02/09/2011

Số liệu từ Tổng công ty Điện lực TP HCM (EVN HCMC) cho thấy, mục tiêu ban đầu của thành phố là năm 2011 sẽ tiết kiệm khoảng 320 triệu kWh (tăng 43,5% so với năm 2010). TP HCM đang trở thành một trong những địa phương thực hiện tiết kiệm điện hiệu quả nhất.

Trong khi cả nước đang chật vật phấn đấu để giảm dần hệ số đàn hồi giữa tốc độ tăng trưởng nhu cầu điện và GDP từ 2 lần hiện nay xuống còn 1,5 lần vào năm 2015 và giảm xuống 1 vào năm 2020 thì 7 tháng đầu năm 2011, hệ số đàn hồi ở TP HCM đã đạt con số 0,9. Với kết quả này, TP HCM đang trở thành một trong những địa phương thực hiện tiết kiệm điện hiệu quả nhất.

 Ngành điện luôn đóng vai trò chủ động

Số liệu từ Tổng công ty Điện lực TP HCM (EVN HCMC) cho thấy, mục tiêu ban đầu của thành phố là năm 2011 sẽ tiết kiệm khoảng 320 triệu kWh (tăng 43,5% so với năm 2010). Tuy nhiên, 7 tháng đầu năm 2011, toàn thành phố đã tiết kiệm được hơn 232,8 triệu kWh điện, tương đương gần 325,7 tỷ đồng, đạt trên 72% kế hoạch năm, tăng 87% so với cùng kỳ năm 2010, chiếm 2,73% điện thương phẩm (8.513 triệu kWh), một con số cao nhất từ trước đến nay.

e2c3e1a97_dien_hcm.jpg

 Ông Nguyễn Văn Lý, Phó TGĐ EVN HCMC khẳng định, có được thành tích trên là do có sự huy động tổng lực tất cả các ban ngành đoàn thể chính trị xã hội trên địa bàn TP đồng loạt vào cuộc để triển khai sâu rộng chương trình tiết kiệm điện đến mọi đối tượng, mọi lĩnh vực. Ông Lý cho biết, chương trình TKNL ở TP HCM thực ra đã được triển khai từ lâu nhưng hiệu quả còn hạn chế. Từ khi Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả có hiệu lực, cùng với sự ra đời của Nghị quyết 11 về kiềm chế lạm phát và Chỉ thị 171 về tiết kiệm điện của Thủ tướng Chính phủ, Thành ủy và UBND TP đã ban hành hàng loạt chỉ thị nhằm cụ thể hóa và giao nhiệm vụ cho từng tổ chức ban ngành trong việc phối hợp với ngành điện. Đặc biệt, trong khi ở nhiều địa phương, ngành điện chỉ là một thành viên tham gia Ban chỉ đạo TKĐ thì ở TPHCM, ngành điện đã thực sự là linh hồn, đóng vai trò thiết kế nội dung, tài trợ và giám sát các chương trình. EVN HCMC đã chủ động gặp gỡ các đơn vị như Hội liên hiệp phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh, các Sở giáo dục, Công Thương, Giao thông, Trung tâm tiết kiệm năng lượng để cùng nhau bàn bạc tìm giải pháp tuyên truyền hướng dẫn phù hợp với từng đối tượng.

Khu vực chiếu sáng sinh hoạt: Mưa dầm thấm lâu

Bà Hoàng Thị Tuyết ở đường Trần Văn Đang, quận 3, TPHCM sống trong ngôi nhà 3 tầng với 6 nhân khẩu. Nhà bà có tới 2 ti vi, 3 điều hòa, 1 tủ lạnh, 3 bình nước nóng, 3 quạt điện…. nhưng tiền điện mỗi tháng cả gia đình chỉ hết 250 – 260.000 đồng. Bà cho biết, trước kia giá điện còn rẻ nhưng vì chưa biết áp dụng các giải pháp TKĐ nên nhà bà vẫn phải trả tiền điện 500-600.000 đồng/tháng. Khi xây nhà mới, bà đã được Hội phụ nữ và ngành điện hướng dẫn sử dụng toàn bộ đèn compact trong nhà, công trình phụ dùng đèn Led, sử dụng loại quạt nhỏ công suất thấp, lúc không dùng tivi, điều hòa thì tắt nguồn. Ngành điện còn hỗ trợ lắp đặt bình nước nóng năng lượng mặt trời nên gia đình bà có thể tắm giặt, đun nấu bằng nước nóng thoải mái, vừa TKĐ vừa đỡ tốn ga. Vì vậy, mặc dù năm nay giá điện đã tăng nhưng tiền điện nhà bà lại giảm đi một nửa. Hiện rất nhiều gia đình hàng xóm sang học tập cách sử dụng điện của nhà bà.

Theo ông Lý, phong trào TKĐ sinh hoạt ở TP HCM đang được coi là giải pháp hiệu quả nhất. Trong số 232,8 triệu kWh tiết kiệm được ở 7 tháng đầu năm 2011 thì có 120,4 triệu kWh là điện thắp sáng sinh hoạt (chiếm gần 52%). Kết quả khảo sát cho thấy, 7 tháng đầu năm toàn TP đã có hơn 900.000 hộ gia đình có lượng điện năng tiêu thụ giảm so với năm 2010. Trong đó, gần 561.900 hộ tiết kiệm trên 10%, gần 129.300 hộ tiết kiệm 5%-10% và hơn 208.400 hộ tiết kiệm điện dưới 5%. Tuy nhiên, giải pháp này khó bền vững vì phụ thuộc hoàn toàn vào sự tự nguyện của người dân. Vì vậy, quan trọng nhất là phải nâng cao ý thức, tạo thói quen sử dụng điện tiết kiệm ở mỗi hộ gia đình. Mục tiêu của TP là phấn đấu 100% số hộ gia đình thực hiện TKĐ. EVN HCMC đã phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ và Trung tâm TKNL tổ chức chương trình thi đua “Gia đình TKĐ năm 2011”. Cấp phát gần 3,6 triệu tờ rơi và cuốn cẩm nang hướng dẫn cách sử dụng điện tiết kiệm với nội dung đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hiện. Hàng loạt băng rôn tuyên truyền được triển khai rầm rộ xuống tận các quận, huyện, phường, xã cùng với hệ thống loa truyền thanh, báo chí. Đặc biệt, theo ông Lý, biện pháp tuyên truyền miệng đến tận từng người, từng hộ gia đình chính là giải pháp “mưa dầm thấm lâu” và được coi là hiệu quả nhất hiện nay.

Chiếu sáng công cộng: Áp dụng công nghệ mới

Mục tiêu của thành phố là tiết giảm 50% sản lượng điện chiếu sáng công cộng (CSCC) nhưng không tiết giảm ánh sáng, không ảnh hưởng đến giao thông đường phố, mỹ quan đô thị. Để thực hiện mục tiêu này, EVN HCMC phối hợp với công ty chiếu sáng đô thị thành phố xây dựng kế hoạch cấp điện cụ thể từng khu vực. Những khu hẻm có mật độ đèn chiếu sáng quá lớn thì ngắt điện xen kẽ cắt giảm 50% công suất, thay đèn 40W trở lên bằng bóng đèn compact 18W. Các tuyến đường, khu đô thị, thương mại thì lắp đặt đèn chiếu sáng 2 cấp công suất để tăng giảm ánh sáng theo ý muốn. Thành lập Trung tâm điều khiển CSCC, quản lý mở - tắt điện đúng giờ, phù hợp với thời tiết. Các tấm biển quảng cáo lớn đều tiết giảm 50% công suất và tắt hẳn sau 22h hàng ngày. Thuyết phục các DN kinh doanh dịch vụ lựa chọn các giải pháp như giảm công suất thiết bị giờ cao điểm, cài đặt điều hòa ở 25 độ trở lên, tự sử dụng máy phát khi thiếu điện. Các giải pháp tòa nhà xanh, khách sạn TKĐ cũng được đặc biệt chú trọng. Kết quả, 7 tháng đầu năm 2011, khu vực này đã tiết kiệm được 46,5 triệu kWh.

Khối sản xuất công nghiệp: Phối hợp và hỗ trợ

Là thành phố công nghiệp lớn nhất nước, 7 tháng qua, khối DN sản xuất của TP đã tiết kiệm trên 43,2 triệu kWh. Theo ông Lý, đây là lĩnh vực còn nhiều tiềm năng TKĐ và các giải pháp TKNL có tính bền vững nhất. Thời gian qua, EVN HCMC đã tư vấn cho 326 khách hàng sản xuất trọng điểm thực hiện các giải pháp TKNL. Hỗ trợ kinh phí kiểm toán cho 98 doanh nghiệp, trong đó 76 DN đã thực hiện các giải pháp theo đề xuất của kiểm toán và đã tiết kiệm được 28,87 triệu kWh/năm, tương ứng với 34,6 tỷ đồng/năm. EVN HCMC cũng gặp gỡ 898 khách hàng lớn đề nghị ký thỏa thuận điều hòa phụ tải, chuẩn bị máy phát điện dự phòng, tư vấn cho họ cách sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả. Phối hợp chặt chẽ với Ban quản lý các KCN của thành phố để tuyên truyền, hỗ trợ và giám sát việc sử dụng điện của các DN trong KCN. Theo ông Lý, vấn đề không phải ở chỗ DN dùng bao nhiêu điện mà là suất tiêu hao điện năng/đơn vị sản phẩm đã hợp lý chưa. Ông Lê Anh Tuấn, Phó trưởng Ban quản lý cho biết, những KCN hình thành cách đây trên 10 năm có mức lãng phí năng lượng rất lớn, tập trung chủ yếu ở hệ thống chiếu sáng (30 - 50%) và trạm bơm cấp nước (20 - 30%). Đặc biệt, việc sử dụng thiết bị công nghệ lạc hậu là nguyên nhân quan trọng của tình trạng sử dụng điện lãng phí. Vì vậy, bên cạnh các giải pháp đổi mới quản lý, cải tiến hệ thống chiếu sáng thì việc giám sát công nghệ thiết bị đạt tiêu chuẩn TKNL là rất quan trọng. Để làm được việc này cần sự phối hợp chặt chẽ của rất nhiều cơ quan như Khoa học công nghệ, Đầu tư, Công Thương… Được biết, toàn TP có 326 DN thuộc diện bắt buộc kiểm toán năng lượng, trong đó 98 DN đã được ngành điện hỗ trợ kiểm toán giai đoạn 2009-2010. Dự kiến trong năm 2012 sẽ thực hiện kiểm toán toàn bộ số còn lại.

Khối hành chính sự nghiệp: Kiên trì và kiên quyết

TP HCM có trên 1990 cơ quan hành chính sự nghiệp. Những đơn vị nào chưa thực hiện TKĐ thì ngành điện sẽ thông báo đến cơ quan tình hình sử dụng điện và khuyến cáo thực hiện TKĐ. Nếu việc này không hiệu quả thì các công ty Điện lực sẽ phối hợp với Phòng Công Thương đến tận cơ quan để kiểm tra, tìm hiểu nguyên nhân và tư vấn giải pháp. Nếu đơn vị vẫn không thực hiện thì giải pháp cuối cùng là gửi danh sách về Ban chỉ đạo TKĐ của Thành phố để xử lý tài chính. Thời gian qua, các công ty Điện lực đã gửi 900 lượt thư khuyến cáo đến khách hàng chưa TKĐ, tổ chức kiểm tra 472 lượt đơn vị. Việc này đã góp phần nâng cao nhận thức và trách nhiệm của người đứng đầu trong việc sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả. Nhờ đó, 7 tháng qua, khu vực hành chính sự nghiệp đã tiết kiệm được 22,6 triệu kWh.

Theo Trang Thông tin Ngành Điện