Chủ nhật, 05/05/2024 | 03:16 GMT+7

Hoạch định chính sách ngành chiếu sáng cần thêm nhiều qui định chi tiết

25/01/2011

Xây dựng, hoạch định chính sách và hỗ trợ các địa phương triển khai thực hiện chính sách là kết quả được đánh giá cao nhất của Dự án chiếu sáng công cộng hiệu suất cao (VEEPL) do UNDP và Quỹ Môi trường toàn cầu tài trợ. Theo kế hoạch, Dự án sẽ kết thúc vào tháng 6/2011. Sau đây, Bản tin TKNL xin giới thiệu ý kiến của những chuyên gia, các nhà quản lý doanh nghiệp, những người đã và đang được hưởng lợi từ Dự án nói về những nỗ lực trong việc xây dựng chính sách của Dự án.

Xây dựng, hoạch định chính sách và hỗ trợ các địa phương triển khai thực hiện chính sách là kết quả được đánh giá cao nhất của Dự án chiếu sáng công cộng hiệu suất cao (VEEPL) do UNDP và Quỹ Môi trường toàn cầu tài trợ. Theo kế hoạch, Dự án sẽ kết thúc vào tháng 6/2011. Chúng tôi  xin giới thiệu ý kiến của những chuyên gia, các nhà quản lý doanh nghiệp, những người đã và đang được hưởng lợi từ Dự án nói về những nỗ lực trong việc xây dựng chính sách của Dự án.


GS. __ng V_ Minh (Large).jpgGS. Đặng Vũ Minh – Chủ nhiệm Ủy ban KHCN&MT: Dự án đã có công lớn trong cải tạo chiếu sáng học đường.

 

Dự án thực sự rất có ý nghĩa. Trong 25% điện năng dùng cho chiếu sáng hiện nay, chỉ cần giảm được 1-2% nhờ Dự án này thì sự đóng góp ấy cũng đã là vô cùng to lớn.

 

Dự án tuy mới triển khai 5 năm nhưng đã đến được nhiều địa phương, có tác động lớn tới chiếu sáng công cộng và đặc biệt là chiếu sáng học đường. Cách đây 5 năm, chiếu sáng học đường còn rất xa lạ với chúng ta, mặc dù các con số về cận thị ở trẻ em, các bệnh về mắt liên tục được nhắc tới. Với sự hỗ trợ của Dự án để làm các mô hình điểm, đến nay, hầu hết các thành phố đã ý thức được ánh sáng trong lớp học và đang thúc đẩy cải tạo ánh sáng toàn bộ các lớp học theo tiêu chuẩn. Đây là một thành công rất lớn của Dự án.

Tôi nghĩ, quan trọng nhất là Ban điều hành dự án đã phối hợp tốt với các địa phương, các bộ, các ngành các doanh nghiệp.

 

PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến – Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật, Bộ Xây dựng: Để chính sách đi vào cuộc sống, quan trọng là nhận thức của người đứng đầu.


Chiếu sáng công cộng đang được nhân rộng. Mọi người đã hiểu hơn về chiếu sáng và hiểu hơn về tính ưu việt của chiếu sáng công cộng, góp phần TKNL, giảm hiệu ứng nhà kính, bảo vệ môi trường.

 

Năm 2005, lần đầu tiên được tham dự hội nghị về chiếu sáng đường phố và triển khai Nghị định của Chính phủ về chức năng của Bộ Xây dựng, có quản lý chiếu sáng công cộng, lúc đầu chúng tôi không hình dung được quản lý chiếu sáng là quản lý gì, quản lý như thế nào và cần những văn bản pháp luật nào để quản lý. Nhưng khi tham gia kỹ và sâu hơn với Dự án thì trong 3-4 năm qua, nhiều văn bản quan trọng đã được ban hành. Đây là lĩnh vực lần đầu tiên có văn bản pháp luật nên cần có lộ trình để triển khai thực hiện. Văn bản soạn thảo đã khó nhưng để văn bản đi vào cuộc sống còn khó hơn rất nhiều. Để đi vào cuộc sống thì quan trọng là nhận thức của người đứng đầu địa phương, của các cơ quan tham mưu từ trung ương đến địa phương.

 

_ng Thái Ng_c Bích (Large).jpgÔng Thái Ngọc Bích – Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP. Quy Nhơn: Cần những qui định chi tiết, cụ thể hơn.

 

Từ chỗ chưa có gì, Dự án đã xây dựng được chiến lược chiếu sáng công cộng đến năm 2025 và Nghị định về quản lý chiếu sáng công cộng, cũng như ban hành qui định đưa chiếu sáng công cộng hạ tầng vào các công trình, dự án. Đây là những cơ sở pháp lý quan trọng để triển khai các hoạt động về chiếu sáng hiệu suất cao. Nó cũng là căn cứ để các địa phương theo đó thực hiện.


Cụ thể như ở Quy Nhơn, thành phố đã có sự thay đổi căn bản. Số lượng đèn hiệu suất thấp trước kia chiếm 80-90%, giờ còn lại chỉ 70%. Trong thời gian tới, Thành phố sẽ thay hết đèn sợi đốt, chuyển sang sử dụng bóng đèn hiệu suất cao cho chiếu sáng công cộng, tiến tới phát triển đến các tuyến phố trong khu dân cư để đảm bảo an toàn cho người dân.

 

Do đó, theo tôi, trên cơ sở các qui định chính sách đã có, cần những qui định chi tiết cụ thể hơn để làm cơ sở pháp lý cho các cấp, các ngành tuân thủ và thực hiện tốt hơn. Vì trong một địa phương, không chỉ có chính quyền thành phố mới làm chiếu sáng công cộng mà còn nhiều nhà đầu tư khác nhau. Qui định cụ thể để quản lý cho hiệu quả. Bên cạnh chiếu sáng ở công viên, quảng trường, lễ hội… cần tiếp tục nghiên cứu trên lĩnh vực giáo dục, y tế, gia đình… Nhất là cải thiện chiếu sáng học đường, tiết kiệm điện nhưng vẫn đủ ánh sáng, đảm bảo đôi mắt trẻ em.

 

Ông Trần Trọng Huệ - Chủ tịch Hội đồng thành viên Cty TNHH MTV Chiếu sáng công cộng TP.HCM: Chính sách địa phương xuất phát từ thực tiễn của các doanh nghiệp.

 

Ban đầu, khi mới tiếp cận với Dự án, chúng tôi chưa nhận thức được đầy đủ về dự án, nhưng trong quá trình triển khai, nhận thức không chỉ ở chúng tôi mà đã lan tỏa đến các địa phương, đăc biệt là các cơ quan quản lý nhà nước và các cơ quan chuyên ngành kỹ thuật.  

 

Nếu không có dự án chúng tôi vẫn làm, và thực tế các đơn vị chiếu sáng, đặc biệt là các thành phố lớn, chiếu sáng hiệu suất cao đã triển khai từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, có dự án tác động, mọi việc diễn ra nhanh chóng và thuận lợi hơn. Tôi cho rằng, chính sách địa phương là rất quan trọng và cần thiết, nhưng muốn nó thật sự hiệu quả thì phải xuất phát từ thực tiễn của cơ sở. Tôi lấy ví dụ ở TP.HCM, hệ thống chiếu sáng do nhiều chủ đầu tư. Chủ đầu tư chạy theo lợi nhuận, làm hệ thống chiếu sáng rẻ nhất, đơn vị thẩm định không có chuyên môn nên không biết, đến khi bàn giao về Công ty chúng tôi không đáp ứng được. Từ đó, Công ty đã ra một tiêu chuẩn kỹ thuật đề xuất Thành phố ban hành tiêu chí nhất định về hệ thống chiếu sáng để các công ty kinh doanh địa ốc phải theo khi xây dựng. Cơ sở phải chủ động mới mong nhanh được. Nhà nước còn rất nhiều việc, nếu chúng ta cứ trông chờ cấp trên thì việc của chúng ta không biết đến bao giờ mới có kết quả.

 

Ông Nguyễn Duy Lễ - Chuyên gia tư vấn tài chính Dự án quản lý tài chính công – Bộ Tài chính: Dự án đã hội tụ đầy đủ 3 yếu tố.

 

Trong các dự án hỗ trợ kỹ thuật, thường chúng ta không bắt nhịp được những ưu tiên của Chính phủ, những nhu cầu của xã hội, những mong muốn của doanh nghiệp. Nhưng riêng dự án này đã hội tụ đầy đủ cả 3 yếu tố đó.


Thông thường, hoạch định chính sách là từ các nhà quản lý, nhưng ở Dự án này lại từ các nhà khoa học. Sau 5 năm, Dự án đã đáp ứng được nguyện vọng của cộng đồng dân cư và đặc biệt đóng góp vào việc bảo vệ môi trường.


Tài chính cho một dự án có nhiều nguồn: Từ ngân sách nhà nước, từ doanh nghiệp, ngân hàng, cộng đồng tài chính dân cư và các nhà tài trợ hảo tâm. Dự án cần nghiên cứu làm thế nào để huy động 5 nguồn này cùng hỗ trợ quá trình thực hiện. Chúng ta cũng cần nghiên cứu đề xuất việc ưu đãi về thuế, chính sách chiếu sáng như thế nào, ưu tiên sử dụng ngân sách ra sao. Làm thế nào để sử dụng đồng vốn ít nhưng có hiệu quả, là động lực để đẩy các chính sách khác lên.

 

_ng Nguy_n _oàn Th_ng (Large).jpgÔng Nguyễn Đoàn Thăng – TGĐ Cty CP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông: Tác động của Dự án chính là từ những đồng doanh thu bán hàng.

 

Chúng tôi được hỗ trợ triển khai mô hình chiếu sáng học đường. Sau khi triển khai thí điểm, TP Hà Nội đã có 80% lớp học cải tạo theo mô hình Công ty làm. Hiện Công ty đang tiếp tục triển khai ở Hải Phòng, Thái Bình. Sau 5 năm triển khai mô hình chiếu sáng học đường, nhận thức của người tiêu dùng đối với đèn hiệu suất cao đã thay đổi rất nhiều. Nếu như năm 2006, tỉ lệ đèn T8 chỉ chiếm 2% tổng số sản phẩm, thì năm 2010, tỉ lệ này đã đạt 15%. Năm 2006, Rạng Đông mới cung cấp 10 triệu bóng đèn compact ra thị trường, thì đến năm 2010 đã sản xuất và tiêu thụ được 30 triệu bóng đèn compact. Năm 2011, chúng tôi đặt kế hoạch sản xuất 40 triệu bóng đèn compact – một sự tăng trưởng rất lớn.

 

Tôi có thể nói, tác động của Dự án chính từ những đồng doanh thu mà chúng tôi thu về từ mạng lưới bán hàng. Điều đó các doanh nghiệp có thể nhìn thấy ngay hiệu quả, mà không cần lý thuyết gì nhiều.

 

Ông Lương Văn Phan – Phó Viện trưởng Viện Tiêu chuẩn chất lượng Việt Nam: Dự án đã kết nối để nhà sản xuất và người tiêu dùng đến với nhau.


Từ khi khởi động dự án, 3 năm gần đây, sản lượng bóng đèn hiệu suất cao tăng trưởng với tốc độ rất lớn. Trung bình mỗi năm có khoảng 100 triệu bóng đèn hiệu suất cao được sử dụng trong cuộc sống. Làm một bài toán đơn giản, lấy bóng compact 14W thay cho bóng sợi đốt 60W thì mỗi năm đã tiết kiệm được 8,6 tỉ kWh, gần tương đương 10% sản lượng điện năm 2010.

 

Dự án thực sự đã kết nối để nhà sản xuất và người tiêu dùng đến được với nhau. Đó là ý nghĩa thực sự quan trọng của Dự án.

 

Bà Nguy_n Thu An (Large).jpgBà Nguyễn Thu An – Giám đốc Công ty CP Thương mại và Dịch vụ ánh sáng Thăng Long: Cần một chế tài để kiểm soát việc thực hiện qui định.


So với cách đây 5-6 năm thì nhận thức của các vị lãnh đạo đã có nhiều thay đổi. Dự án đã tạo ra hành lang pháp lý rất tốt để các đơn vị lấy đó làm cơ sở thực hiện. Tuy nhiên, cần phải có một chế tài để tất cả các dự án chiếu sáng công cộng hiệu suất cao của Việt Nam đều phải tuân thủ các tiêu chuẩn đã ban hành. Nếu có chế tài thì sẽ đưa được hết những thành tựu của dự án vào thực tế, có kết quả bền vững. Tôi có thể lấy một ví dụ, gần đây nhất có một dự án xây dựng tuyến đường từ Vĩnh Yên lên Tam Đảo. Khi chúng tôi muốn tham gia, xem bản thiết kế, thấy một tuyến đường dài như thế mà không đưa được các thiết bị rất quan trọng như chấn lưu 2 công suất, tủ điều khiển 2 công suất vào. Bởi thực tế, cả người thiết kế lẫn người thẩm định đều không có chuyên môn, hơn nữa cũng không muốn đẩy chi phí lên cao. Yếu tố pháp lý ở đây bị coi nhẹ. Rõ ràng chúng ta cần một chế tài để kiểm soát việc thực hiện các qui định mà chúng ta đưa ra.

 

Mặt khác, các công ty dịch vụ năng lượng cũng phải nâng cao năng lực kiểm toán của mình để các kết quả đưa ra là chính xác và có độ tin cậy cao. Có như vậy, các ngân hàng mới yên tâm cho doanh nghiệp vay tiền để triển khai các dự án về TKNL.

 

Theo tôi, một phương thức hết sức hiệu quả là phương thức hợp tác công – tư. Các đối tác cùng hợp tác, cùng vận động mới đến với nhau, đừng trông chờ vào Chính phủ, trông chờ vào tiền của ngân sách.

 

Minh Hạnh