Thứ sáu, 03/05/2024 | 07:54 GMT+7

Phát triển công nghiệp điện nặng ở Bình Thuận

18/12/2010

Sản xuất điện là nhóm ngành ưu tiên hàng đầu trong quy hoạch phát triển công nghiệp của tỉnh Bình Thuận đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025. Thực tế, Bình Thuận đã, đang và tiếp tục tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư triển khai thực hiện các dự án điện năng nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế, thúc đẩy kinh tế-xã hội địa phương phát triển...

Hình thành hai trung tâm nhiệt điện lớn


Giữa tháng 4-2009, Tập đoàn công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam (TKV) khởi công thực hiện dự án san gạt mặt bằng Trung tâm Ðiện lực (TTÐL) Vĩnh Tân nằm trên địa bàn xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong (Bình Thuận). Ðây là bước chuẩn bị quan trọng để tiến hành xây dựng ba nhà máy nhiệt điện có tổng công suất khoảng 4.400 MW theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2006-2015, có xét đến năm 2025 (Quy hoạch điện VI) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.


1281319709.nv.gif


Mặt bằng TTÐL Vĩnh Tân được xây dựng theo nguyên tắc san lấp lấn biển, chung quanh khu vực các nhà máy được xây dựng hệ thống kênh thoát nước, ngăn lũ và hình thành ba tuyến đê bao bảo vệ phần đất lấn ra biển. Theo Quyết định phê duyệt hiệu chỉnh quy hoạch tổng thể TTÐL Vĩnh Tân của Bộ Công thương đầu tháng 9-2010, tổng diện tích của trung tâm này gần 663 ha, trong đó, diện tích khu vực nhà máy chính của các dự án hơn 166 ha; diện tích khu vực cảng, đê chắn sóng hơn 213 ha và bãi thải xỉ số 1 rộng gần 181 ha.


Dự án này được TKV giao cho đơn vị thành viên là Tổng công ty Ðông Bắc làm nhà thầu chính. Với việc tổ chức thi công khoa học, hợp lý và kỹ thuật, một trung tâm năng lượng lớn của quốc gia đã dần lộ diện nơi vùng đồi núi ven biển còn hoang sơ ở phía bắc tỉnh Bình Thuận. Ðầu tháng 10 vừa qua, đơn vị thi công đã tổ chức hợp long phần lõi hệ thống đê bao lấn biển, một hạng mục quan trọng của dự án san gạt mặt bằng TTÐL Vĩnh Tân, vượt tiến độ năm tháng, bảo đảm an toàn và chất lượng. Chủ đầu tư TKV phấn đấu bàn giao toàn bộ mặt bằng cho chủ đầu tư Nhiệt điện Vĩnh Tân 2, hoàn thành mặt bằng Vĩnh Tân 1 trong tháng 7-2011 và Vĩnh Tân 3 vào tháng 10-2011, dự kiến vượt tiến độ ba tháng.


Ðể bảo đảm tiến độ đầu tư xây dựng các nhà máy, đầu tháng 8-2010, Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam EVN đã khởi công xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 trên mặt bằng còn khá ngổn ngang của TTÐL Vĩnh Tân. Theo thiết kế, Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 gồm hai tổ máy, có tổng công suất 1244 MW (2 x 622 MW), khi đi vào vận hành toàn bộ, hằng năm, tạo ra sản lượng điện khoảng 7,2 tỷ kW giờ. Chủ đầu tư EVN và tổng thầu (Tập đoàn Ðiện khí Thượng Hải, Trung Quốc) quyết tâm  hoàn thành, đưa vào vận hành thương mại tổ máy số 1 trong tháng 12-2013 và tổ máy số 2 trong tháng 6-2014.


Ðối với Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 1 (tổng công suất 1200 MW), cuối tháng 7-2010, Bộ Công thương có công văn cho phép tổ hợp nhà đầu tư gồm Công ty lưới điện Phương Nam (Trung Quốc), Công ty điện lực quốc tế Trung Quốc và TKV được thành lập doanh nghiệp để đầu tư thực hiện dự án này theo hình thức BOT, nếu đáp ứng đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận đầu tư. Còn dự án Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 3 (tổng công suất 1980 MW), Bộ Công thương đang lấy ý kiến góp ý của các bộ, ngành, địa phương liên quan.


Phó Giám đốc Sở Công thương Bình Thuận Hồ Sơn Hùng cho biết: Tỉnh đang hỗ trợ tích cực để các nhà thầu tiến hành thực hiện các dự án liên quan đến TTÐL Vĩnh Tân, từ việc đầu tư hạ tầng dùng chung cho đến các dự án nhà máy cụ thể. Trung ương cũng đã đồng ý cấp vốn cho Bình Thuận khoảng 60 tỷ đồng để đầu tư tuyến kênh đưa nguồn nước từ các hồ Lòng Sông, Ðá Bạc về phục vụ cho TTÐL này. Hiện tại, EVN đang triển khai các thủ tục chuẩn bị đầu tư hệ thống đường dây tải điện 500 kV Vĩnh Tân - Sông Mây (Ðồng Nai) phù hợp lộ trình xây dựng các nhà máy nhiệt điện.


1284703269.nv.gif


Cùng với Vĩnh Tân, một trung tâm nhiệt điện khác ở phía nam tỉnh Bình Thuận cũng đã 'khởi động'. Ngày 6-5-2010, Bộ Công thương có Quyết định phê duyệt địa điểm xây dựng TTÐL Sơn Mỹ đặt tại Khu công nghiệp Sơn Mỹ 1, thuộc huyện Hàm Tân (Bình Thuận). Theo đó, quy mô công suất, công nghệ và mặt bằng được quy hoạch theo hai phương án.


Nếu sử dụng khí tự nhiên hóa lỏng (LNG), thì có tổng công suất khoảng 3.000 MW, gồm bốn nhà máy (750 MW/nhà máy), nhu cầu sử dụng đất khoảng 349 ha. Nếu sử dụng than nhập khẩu, thì TTÐL Sơn Mỹ có tổng công suất khoảng 3.600 MW, gồm ba nhà máy (1200 MW/nhà máy) và nhu cầu sử dụng đất hơn 363 ha. Trước đó, Văn phòng Chính phủ có công văn truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đồng ý cho tổ hợp các Tập đoàn International Power PLC (Vương quốc Anh); Sojitz (Nhật Bản) và Thái Bình Dương (Việt Nam) làm chủ đầu tư các công trình hạ tầng dùng chung của TTÐL Sơn Mỹ và dự án Nhà máy Nhiệt điện Sơn Mỹ 1.


Khai thác tiềm năng điện gió


Cuối tháng 11 vừa qua, Bình Thuận có thêm một dự án điện gió được khởi công xây dựng tại đảo Phú Quý. Dù quy mô công suất chỉ 6 MW, mỗi năm sản xuất khoảng 25,4 triệu kW giờ điện, nhưng đó là cả niềm ước mơ của quân, dân đảo tiền tiêu này. Dự án này do Tổng công ty Ðiện lực Dầu khí thuộc Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam làm chủ đầu tư, hoàn toàn phù hợp với định hướng phát triển các nguồn năng lượng tái tạo ở huyện đảo Phú Quý của tỉnh Bình Thuận.


Trước đó, vào giữa năm 2009, Công ty cổ phần năng lượng tái tạo Việt Nam đã triển khai thực hiện dự án điện gió tại huyện Tuy Phong (Bình Thuận) với tổng công suất 120 MW, trong đó giai đoạn một có công suất 30 MW. Ðến nay, chủ đầu tư đã hoàn thành 5/20 trụ tua-bin với công suất 7,5MW/30 MW (1,5 MW/tua-bin), đã phát điện hòa lưới điện quốc gia và đang tiếp tục lắp đặt 15 tua-bin còn lại của giai đoạn một, dự kiến sẽ hoàn thành trong năm nay. Ðây cũng là dự án điện gió có đấu nối vào lưới điện quốc gia đầu tiên của cả nước được đưa vào hoạt động.


Theo Sở Công thương Bình Thuận, đến nay, trên địa bàn tỉnh có 12 dự án điện gió với tổng công suất đăng ký đầu tư, đề nghị lắp đặt khoảng 1.500 MW. Theo đó, Bộ Công thương đã quyết định bổ sung vào Quy hoạch phát triển điện lực của Bình Thuận giai đoạn 2006-2010, có xét đến năm 2015 là 120 MW; Thủ tướng Chính phủ có văn bản thỏa thuận bổ sung vào Tổng sơ đồ VI 200 MW và Bộ Công thương thỏa thuận bổ sung 385 MW.


Ngoài dự án của Công ty cổ phần năng lượng tái tạo Việt Nam, phần lớn các dự án điện gió còn lại đều triển khai chậm tiến độ so với yêu cầu của UBND tỉnh Bình Thuận. Giám đốc Sở Công thương Bình Thuận Trần Văn Nhựt lý giải: Do đây là lĩnh vực đòi hỏi vốn đầu tư lớn, cho nên chỉ có những chủ đầu tư thật sự có năng lực tài chính mới có khả năng thực hiện; các cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ của Nhà nước đối với điện gió chưa thật sự hấp dẫn các nhà đầu tư tài chính trong và ngoài nước; suất đầu tư, giá thành điện gió cao, cho nên các chủ đầu tư chưa thỏa thuận được giá bán điện với EVN.


Theo tính toán của tỉnh Bình Thuận: Tổng diện tích khu vực có tiềm năng gió đưa vào quy hoạch sản xuất điện của toàn tỉnh hơn 75 nghìn ha tương đương tổng công suất tiềm năng có thể lắp đặt khoảng 5030 MW. Riêng các khu vực có tiềm năng gió khả thi (vận tốc gió trung bình tối thiểu 6,5 m/giây) phân bổ trên diện tích hơn 23 nghìn ha, tổng công suất điện gió có thể lắp đặt ước khoảng 1570 MW. Bình Thuận cũng dự kiến công suất lắp đặt điện gió trên địa bàn tỉnh đến năm 2015 khoảng 1500 MW và đến năm 2020, dự kiến công suất lắp đặt tích lũy khoảng 3000 MW.


Tiềm năng điện gió ở Bình Thuận là khá lớn và có dự án đã trở thành hiện thực, phát điện hòa lưới điện quốc gia. Do vậy, cần sớm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để các dự án điện gió ở Bình Thuận sớm triển khai thực hiện.


Khó khăn  và vướng mắc


Cùng với nhiệt điện và điện gió, trên địa bàn Bình Thuận còn có một số dự án thủy điện đang đầu tư xây dựng, hoặc đang triển khai thủ tục chuẩn bị đầu tư và được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư với tổng công suất hơn 189 MW. Ðây là những dự án kết hợp giữa sản xuất điện với cung cấp nước cho sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và dân sinh. Tuy nhiên, hầu hết các dự án thủy điện đều có quy mô nhỏ, một số dự án không được 'thuận buồm, xuôi gió' trong quá trình triển khai thực hiện. Vấn đề đáng quan tâm nhất hiện nay trong việc phát triển nhiệt điện, điện gió trên địa bàn tỉnh này là việc thực hiện đúng tiến độ, sớm khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế của địa phương và bảo đảm cho sự phát triển bền vững.


Ðối với các dự án nhiệt điện, điều quan tâm nhất của nhân dân và chính quyền tỉnh Bình Thuận là bảo đảm tốt về môi trường. Trong văn bản góp ý dự án Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 3 gửi Bộ Công thương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Văn Dũng lưu ý: Tại bãi thải xỉ, cần thiết phải có các dải cây xanh để chắn gió, chống phát tán tro bụi nhằm giảm thiểu ảnh hưởng đến môi trường chung quanh. Cùng với đó, hệ thống xử lý nước thải của bãi thải xỉ phải được thiết kế rõ ràng, cụ thể; xác định rõ thời gian dự kiến lấp đầy bãi thải xỉ này trong trường hợp chưa có phương án tái sử dụng tro xỉ than.


images.jpg


Ðối với việc thúc đẩy phát triển điện gió, có nhiều vấn đề vượt tầm tác động của chính quyền địa phương. Mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận đã kiến nghị đến Chính phủ, các bộ, ngành nhiều vấn đề liên quan đến phát triển điện gió ở địa phương. Theo đó, Bộ Công thương sớm phê duyệt quy hoạch các vùng phát triển điện gió và hệ thống lưới điện truyền tải, các trạm biến áp đồng bộ của các dự án điện gió trên địa bàn Bình Thuận, đồng thời ban hành quy định, hướng dẫn quy trình đầu tư xây dựng điện gió.


Chính phủ sớm ban hành khung chính sách hỗ trợ riêng cho điện gió; cho phép tỉnh Bình Thuận chấp thuận cho các nhà đầu tư điện gió triển khai đồng thời việc nghiên cứu, khảo sát, lập dự án đầu tư với việc điều tra, đánh giá, thăm dò trữ lượng sa khoáng ti-tan; tổ chức trước việc khai thác sa khoáng ti-tan ở những vị trí chồng lấn với diện tích chiếm đất vĩnh viễn của dự án điện gió. Cùng với đó, EVN ưu tiên mua điện từ các nguồn điện gió với giá cố định dài hạn, đồng thời phối hợp đầu tư các công trình lưới điện đấu nối đồng bộ với các dự án điện gió...


Tương lai không xa, Bình Thuận trở thành trung tâm năng lượng lớn của quốc gia, góp phần tăng cường năng lực cung ứng điện phục vụ phát triển kinh tế-xã hội cho khu vực Nam Trung Bộ và cả nước. Ðó cũng là tầm nhìn và hướng đi của Bình Thuận nhằm thúc đẩy công nghiệp địa phương phát triển, góp phần đáng kể để đưa Bình Thuận trở thành một tỉnh công nghiệp vào năm 2020.


Theo Nhân dân