Thứ hai, 29/04/2024 | 23:06 GMT+7

Biến rác thành nguồn năng lượng

02/04/2013

Để tận dụng nguồn năng lượng từ rác thải, chúng ta cần tập trung đầu tư đúng mức cho các công nghệ xử lý tiên tiến

Theo Cục Quản lý chất thải và cải thiện môi trường (thuộc Tổng cục Môi trường - Bộ Tài nguyên và Môi trường), mới chỉ có khoảng 15% trong khoảng 23.000 tấn rác sinh hoạt cả nước thải ra mỗi ngày được tái chế, xử lý thành phân compost, số còn lại được chôn lấp.

16f12913c_bienrac.jpg

Để tận dụng nguồn năng lượng từ rác thải, chúng ta cần tập trung đầu tư đúng mức cho các công nghệ xử lý tiên tiến, biến thành rác thải thành điện năng sẽ giải quyết được bài toán nguồn năng lượng đang thiếu hụt, đồng thời mang lại hiệu quả tốt cho môi trường.

Bên cạnh những nỗ lực tăng trưởng kinh tế, việc tiêu thụ năng lượng cho quá trình công nghiệp hoá, điện khí hoá và phát triển giao thông ở nước ta đang tăng với tốc độ chóng mặt. Theo dự báo, tổng nhu cầu năng lượng thương mại của Việt Nam tăng trung bình khoảng trên 7% mỗi năm (giai đoạn 2010-2025), trong đó nhu cầu điện sẽ tăng khoảng 15%. Chính vì thế việc sử dụng công nghệ đốt chất thải rắn tái tạo năng lượng (Waste to Energy- WtE) đang ngày càng phát triển và được ứng dụng rộng rãi ở nhiều nước trên thế giới.

Theo tính toán của Tổng cục Môi trường, việc áp dụng giải pháp đốt rác cho khoảng 9.200 tấn trên tổng số 23.000 tấn rác thải cả nước mỗi ngày (khoảng 40%) có thể đốt phát điện với tổng công suất gần 200MW. Ở Việt Nam, việc tận dụng nguồn rác thải để sản xuất điện năng đã manh nha hình thành từ năm 2006, với việc đưa vào hoạt động thành công nhà máy xử lý rác thành điện sạch tại Gò Cát, TP.HCM. Theo đó rác thải được chôn trong các ô chôn lấp có chiều sâu hơn 7m, có lót vật liệu chống thấm HDPE với độ bền hơn 50 năm và không ảnh hưởng tới môi trường. Khí gas sinh ra từ quá trình phân hủy rác được thu gom bằng các giếng thu đứng, dẫn về trạm thu gas và qua một công đoạn tách nước vì gas sinh ra từ rác thải sinh hoạt có lượng hơi nước rất cao. Khí gas sạch sau khi thu được sẽ được dẫn đến máy chiết xuất và máy thổi khí nén trước khi được bơm vào hệ thống động cơ nổ để chạy máy phát điện. Điện sinh ra được đưa qua máy biến thế để tăng áp và hòa vào lưới điện quốc gia.

Trong tháng 10/2012 Sở Khoa học Công nghệ TP.HCM và Công ty Uyên Nhi đã phối hợp với Công ty Radiant Growth Investments Limited (RGIL) giới thiệu công nghệ chuyển đổi chất thải sản xuất ra điện theo công nghệ Waste Conversion Systems (WCS). Đây được xem là công nghệ tiên tiến và duy nhất tại Việt Nam đến thời điểm hiện tại. Công nghệ WCS do Công ty RGIL nghiên cứu phát triển, với lò đốt ứng dụng công nghệ Plasma. Theo Tiến sĩ  Dato’ Alex The Chee Teong, Giám đốc Công ty RGIL, công suất nhà máy đặt tại TPHCM theo dự tính ban đầu khoảng 500 tấn/ngày, với tổng kinh phí đầu tư hơn 42 triệu USD. Nhà máy sẽ có quy trình đốt rác tạo điện khá đơn giản. Do rác thải chỉ cần chứa tại nhà máy trong 3 ngày nên không cần diện tích quá rộng. Bằng các phương pháp sấy khô, rác thải có độ ẩm khoảng 30% sẽ được đưa vào hệ thống xử lý tự động với nhiệt độ 400-500oC trong 4 giờ. Lúc này, khí gas sẽ nằm ở trên cùng của buồng xử lý. Khí gas được làm nóng ở nhiệt độ từ 1.000-1.200oC sẽ cho không khí sạch 99,98%, còn lại chất bụi hoặc bụi không đáng kể. Khí sạch này chính là nguyên liệu tạo điện. Sản phẩm cuối cùng là tro trắng sạch, có thể làm gạch, xi măng.

TP.HCM đang dự kiến sẽ xây thêm nhà máy phát điện từ rác từ nhiều bãi chôn lấp rác như bãi rác Đa Phước (huyện Bình Chánh) với công suất khoảng 7MW, bãi rác Đông Thạnh (huyện Hóc Môn) với công suất 7MW hoặc tiềm năng như các bãi chôn lấp rác ở Phước Hiệp 1 (huyện Củ Chi). Ông Nguyễn Văn Phước, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM cho biết, thành phố hiện đang kêu gọi thêm nhà đầu tư các dự án đốt rác phát điện, sản xuất phân compost. Ông Phước cho rằng cái khó nhất của việc thu hút đầu tư công nghệ đốt rác thải phát điện tại thành phố là chi phí còn rất cao. Hiện tại TP.HCMđang có một số nhà đầu tư xin triển khai dự án đốt rác phát điện gồm Tâm Sinh Nghĩa (công suất 2.000 tấn/ngày), Công ty Keppel Seghers Engineering của Singapore (2.000 tấn/ngày) và Công ty CP năng lượng môi trường quốc tế - IEE (công suất 1.000 tấn/ngày). Tuy nhiên, theo Sở Tài nguyên và Môi trường thì thành phố vẫn đang xem xét kỹ những dự án nói trên bởi giá xử lý được các nhà đầu tư đưa ra là khá cao. Chẳng hạn như Keepel đề xuất mức giá xử lý đến 32 USD/tấn, còn Tâm Sinh Nghĩa cũng khoảng 26 USD/tấn.

Do đó, theo đánh giá của một số nhà đầu tư nước ngoài, để giải quyết vấn đề này, Chính phủ nên xem xét đến hình thức hợp tác đối tác công tư PPP với các nhà đầu tư tư nhân trong và ngoài nước trên lĩnh vực hạ tầng thông qua các chính sách khuyến khích hỗ trợ: đất xây dựng nhà máy, trợ giá điện, phân ngạch điện rác thải về bán lại cho các công ty, các cơ sở nhà máy sản xuất tại Việt Nam.

Theo VEN