Thứ năm, 02/05/2024 | 13:35 GMT+7

Hiệu quả kinh tế - xã hội – môi trường của thiết bị đun nước nóng mặt trời

31/01/2007

Theo tính toán của các nhà khoa học, 1 m2 bộ thu năng lượng mặt trời để đun nước nóng có thể tiết kiệm được từ 500 đến 800 kWh trong 1 năm tùy theo vùng khí hậu và giảm thiểu được từ 100 đến 150 kg khí thải CO2 nếu so với dùng các dạng năng lượng truyền thống như than đá, dầu hỏa, khí đốt…

Hiện nay, ở nước ta nhờ kinh tế phát triển đời sống của người dân được cải thiện về cả vật chất lẫn tinh thần. Trong đó nhu cầu về nước nóng dùng cho sinh hoạt ngày càng tăng, nên chi phí năng lượng dùng cho đun nước nóng bằng điện, bằng khí ở thành phố và than, củi ở nông thôn ngày càng tăng. Ước tính chi phí này của các hộ gia đình ở thành phố chiếm khoảng từ 30 đến 50% tổng chi phí năng lượng. Nếu phần năng lượng này được thay thế bằng năng lượng mặt trời, mỗi năm sẽ tiết kiệm được hàng tỷ kWh điện, quy thành tiên là hàng nghìn tỷ đồng.

Hiện nay ở nước ta có khoảng 25% dân số sống ở thành thị, hay xấp xỉ 20 triệu người với trên 4 triệu hộ, trong đó khoảng một nửa số hộ có bình đun nước nóng bằng điện, tức khoảng 2 triệu chiếc (con số ước lượng). Nếu 1 ngày 2 triệu bình này đun trong 0,8h thì tổng lượng điện tiêu thụ trong 1 năm (300 ngày) đạt khoảng 1,2 tỷ kWh, và nếu tính bình quân giá điện là 1.000 đ/kWh thì số tiền điện phải là 1.200 tỷ đồng.

Dùng năng lượng mặt trời là dùng một nguồn năng lượng sạch không gây ô nhiễm môi trường, tiết kiệm năng lượng cho đất nước và tiết kiệm cho ngân quỹ gia đình.

Tuy nhiên, trong thực tế những vùng có tiềm năng bức xạ mặt trời cao, thường có nhiệt độ không khí trung bình cao, nên nhu cầu về nước nóng ít, tức là hệ số sử dụng nhỏ. Ngược lại các vùng như ở miền Bắc nước ta nhiệt độ không khí trung bình thấp hơn, đặc biệt mùa Đông lại cần dùng nước nòng nhiều. Do đó, cần có các khảo sát thực tế và nghiên cứu đánh giá tổng thể về tiềm năng này.

Trần Quốc Giám

Đại học Bách Khoa Hà Nội