Thứ tư, 30/10/2024 | 16:21 GMT+7

Dương Cẩm Lynh học cách tiết kiệm điện

12/10/2013

“Thông thường, với các loại hàng hóa khác, khi mình càng mua số lượng lớn thì giá càng rẻ. Nhưng riêng với điện thì càng mua nhiều lại càng mắc, vì vậy tôi phải học cách tiết kiệm điện thôi…”

“Thông thường, với các loại hàng hóa khác, khi mình càng mua số lượng lớn thì giá càng rẻ. Nhưng riêng với điện thì càng mua nhiều lại càng mắc, vì vậy tôi phải học cách tiết kiệm điện thôi…” – diễn viên điện ảnh Dương Cẩm Lynh “bật mí” về lý do… tiết kiệm điện trong cuộc trò chuyện với PV Thế giới điện.

f189a7f5b_duongcamlinh81013_1.jpg
 
Diễn viên điện ảnh Dương Cẩm Lynh

PV: Cẩm Lynh nghĩ thế nào trước thực tế “hiện đại” thì “hại điện” - một câu nói vui cửa miệng nhưng lại rất đúng?

Dương Cẩm Lynh: Sự ra đời của bóng đèn điện vào thế kỷ 19 là một trong những phát minh quan trọng nhất đưa nhân loại đến cuộc sống phồn vinh. Chúng ta đang sống ở thế kỷ 21 và thụ hưởng các phát minh của nhân loại. Lynh thật khó mà tưởng tượng mình sẽ sống ra sao trong một ngôi nhà không có ánh điện. Thế nhưng, “hiện đại” thì “hại điện” – câu nói vui này xem ra lại rất đúng khi con người đang quá lạm dụng và lãng phí nguồn tài nguyên điện.

PV: Hàng tháng bạn vẫn nhận được một hóa đơn tiền điện. Có bao giờ bạn “giật mình” khi đọc các con số trên tờ hóa đơn ấy?

Dương Cẩm Lynh: Cũng giống như các gia đình khác trong thành phố, hóa đơn tiền điện mỗi tháng của tôi có con số không nhỏ. Thông thường, khi mua hàng, càng mua số lượng lớn thì giá càng rẻ. Nhưng riêng với điện thì khác, càng mua nhiều càng mắc, vì vậy mà tôi cũng phải học cách tiết kiệm điện thôi (cười).

Diễn viên Dương Cẩm Lynh:

- Sinh ngày 13/10

- Á hậu điện ảnh năm 1999.

- Các phim đã tham gia: Cocktail cho tình yêu; Ngõ vắng; Ra giêng ai cưới em; Hoa dại; Quán kem Valentine; Có lẽ ta yêu nhau; Bước chân hoàn vũ; Gia tài bác sĩ.

PV: Sử dụng năng lượng lãng phí là có tội với tương lai”. Bạn có đồng ý với quan điểm này không?

Dương Cẩm Lynh: Hoàn toàn đồng ý. Theo tôi biết, hiện các nhà máy nhiệt điện của chúng ta sử dụng than, dầu và khí để đốt, đó là những dạng tài nguyên không tái tạo được, phải mất hàng trăm triệu năm mới hình thành và đang cạn kiệt theo thời gian. Càng sử dụng điện lãng phí, chúng ta càng góp phần làm suy kiệt tài nguyên và hủy hoại môi trường. Những hậu quả đó, có thể thế hệ chúng ta chưa phải gánh chịu ngay nhưng lại dành “món nợ” cho tương lai. Con cháu chúng ta sẽ phải đối mặt với rất nhiều nguy cơ, trong đó có nguy cơ thiếu hụt năng lượng, và cũng không loại trừ nguy cơ chiến tranh để tranh giành năng lượng, tài nguyên.


PV: Cẩm Lynh từng sống ở quê (Đồng Nai), ở Mỹ, và về lại Sài Gòn. Lynh thấy sự khác biệt gì về ý thức tiêu dùng điện ở những cộng đồng dân cư mà bạn từng sống?

Dương Cẩm Lynh: Ở Mỹ, cũng như các nước tiên tiến khác, người dân rất có ý thức trong việc tiết kiệm điện năng. Họ tiết kiệm không chỉ vì túi tiền của họ mà vì lợi ích chung của cộng đồng, của xã hội. Tiết kiệm điện không chỉ thể hiện ở hành động “tắt khi không sử dụng” mà từ những chiến lược lâu dài, ví dụ thiết kế nhà sao cho đón được nhiều ánh sáng tự nhiên nhất, tạo nhiều mảng tường xanh để làm mát không khí trong nhà, hoặc thay thế các bóng đèn cũ bằng những loại đèn compact, đèn led tiết kiệm điện…

Với nước mình, dù ở quê hay thành phố, tôi thấy người dân cũng đã có ý thức tiết kiệm điện, tuy nhiên vẫn chưa trở thành một nếp nghĩ ăn vào văn hóa. Phần lớn, họ chỉ tiết kiệm khi thấy hóa đơn tăng cao, khi giá điện tăng, hoặc khi có các chiến dịch tuyên truyền… Thậm chí một số người chỉ tiết kiệm điện trong nhà của họ, còn với điện của cơ quan, của nơi công cộng thì tận dụng để xài xả láng. Trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và trong sinh hoạt gia đình, chúng ta vẫn còn sử dụng máy móc, trang thiết bị lạc hậu, tiêu tốn nhiều điện năng mà hiệu quả không cao.  Ý thức và túi tiền là 2 yếu tố dẫn đến tình trạng sử dụng điện lãng phí và tốn kém như hiện nay.

PV: Lynh quan niệm như thế nào là một đất nước sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả?

Dương Cẩm Lynh: Tôi nghĩ, đó là quốc gia biết sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp; trong hoạt động giao thông vận tải; trong thiết kế xây dựng và quản lý các tòa nhà; loại bỏ các trang thiết bị hiệu suất thấp, phổ biến các trang thiết bị hiệu suất cao. Bên cạnh đó, quốc gia đó phải đưa nội dung tiết kiệm năng lượng vào chương trình giáo dục quốc gia, ngay từ cấp tiểu học. Thậm chí, ngay trong lĩnh vực điện ảnh của chúng tôi, cũng nên coi là một kênh giáo dục, tuyên truyền về tiết kiệm năng lượng một cách rất hiệu quả.

PV: Cảm ơn Dương Cẩm Lynh! 

Theo TCĐL chuyên đề Thế giới điện