Chủ nhật, 05/05/2024 | 03:53 GMT+7

Viên nhiên liệu và ứng dụng trong cuộc sống

30/07/2013

Phó Giám đôc Công ty cổ phần Ứng dụng công nghệ Xanh, ông Bùi Việt Trung chia sẻ về ý tưởng chế tạo viên nhiên liệu (Pellet) của mình.

“Từ khi tôi nhìn thấy mẹ đang cặm cụi quạt bếp than, lau mắt và che mũi vì mùi nồng cay của khói bếp trong khi các gia đình khác đã sử dụng bếp gas, tôi đã nghĩ rằng mình phải làm gì đó để thay đổi điều này” – Phó Giám đôc Công ty cổ phần Ứng dụng công nghệ Xanh, ông Bùi Việt Trung chia sẻ về ý tưởng chế tạo viên nhiên liệu (Pellet) của mình.

5dc1c78b3_tai_xuong_19.jpg

Pellet: viên nhiên liệu “xanh” 

Pellet (còn được gọi là viên nén mùn cưa) được sản xuất từ những phụ phẩm thực vật như: rơm rạ, vỏ chấu, dăm bào, mùn cưa, lõi ngô, bã mía, cành cây… đặc biệt không có phụ phẩm hóa chất. Tuy những nhiên liệu dạng này không còn xa lạ gì tại châu Âu và các nước phát triển, nhưng đối với Việt Nam thì đây là lần đầu tiên, sản phẩm thuần thiên nhiên như vậy được xuất hiện.

Viên nhiên liệu có tỉ trọng lớn khoảng 700kg/m3 và có kích thước nhỏ từ 6-8mm, rất thuận tiện cho việc vận chuyển. Ngoài ra, nhiệt lượng của nó đạt từ 4200 – 4800 Kcal/kg, có thể thay thế được các nguồn nhiên liệu phổ thông trong các ngành công nghiệp và dân dụng. Trong khi đó, do được sản xuất theo công nghệ ép cưỡng bức, nên Pellet có độ nén chặt rất cao, độ ẩm thấp, ít tro (< 3%), khi đốt cháy rất đượm và sạch.

Nói về nguyên liệu sản xuất Pellet, ông Bùi Việt Trung nhấn mạnh: “Do được làm từ nguồn phụ phẩm của thực vật, nên giá thành thấp hơn dầu, than đá, củi… Nếu chỉ tính trên 1kg thì phần ít hơn không đáng kể. Tuy nhiên, để sử dụng cả năm cho sinh hoạt hàng ngày thì người tiêu dùng có thể tiết kiệm được một số tiền không nhỏ”.

Với giá hiện tại của Pellet là hơn 4.000 đồng/viên, thì so với than, viên Pellet tiết kiệm được tới 50% về giá thành. So với giá của dầu, Pellet tiết kiệm được khoảng 40% và bằng 30-50% chi phí của điện, hoặc gas. 

Ô nhiễm do đun nấu

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), khói độc từ các bếp lò là một trong số 5 nguy cơ hàng đầu ảnh hưởng tới sức khoẻ của người dân tại các nước đang phát triển, làm chết non gần 4 triệu người trên toàn thế giới mỗi năm, trong đó phụ nữ và trẻ em bị ảnh hưởng nhiều nhất. 

Năm 2002, lần đầu tiên WHO nghiên cứu sâu về vấn nạn ô nhiễm trong nhà. Bản báo cáo World Health Report xếp hạng khói thải trong nhà nguy hiểm cho sức khỏe con người chỉ sau nước bẩn và mất vệ sinh, là các nguy cơ môi trường lớn nhất tại những nước đang phát triển. Báo cáo chỉ ra, ô nhiễm trong nhà do đun nấu có thể cao gấp 10 lần mức ô nhiễm tại các thành phố ô nhiễm nhất thế giới. Vào năm 2002, ước tính có gần 2/3 trường hợp tử vong ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương có liên quan đến việc sử dụng nhiên liệu rắn để nấu nướng. Hơn nữa, việc sử dụng củi, than hoa, rơm và trấu làm nguyên liệu đốt cũng làm tăng tình trạng phá rừng, suy giảm môi trường sống, tăng áp lực lên các nguồn tài nguyên tự nhiên của địa phương. Các bếp lò kém hiệu quả cũng góp phần gia tăng biến đổi khí hậu, do chúng thải ra môi trường muội các-bon và các khí nhà kính như CO2 và mê-tan.

Những nghiên cứu trên cho thấy, với khoảng 80% hộ gia đình Việt Nam vẫn đang duy trì sử dụng bếp lò và bếp lửa truyền thống thì đây là một mối nguy hiểm tiềm tàng với môi trường cũng như nguồn tài nguyên tự nhiên của các địa phương trên đất nước ta. Vậy, việc sử dụng nhiên liệu xanh là điều vô cùng cấp bách.

Muốn nhân rộng Pellet, nhưng còn bị phụ thuộc 

Theo nghiên cứu về ứng dụng cho thấy, Pellet có thể được sử dụng cho rất nhiều thiết bị trong ngành công nghiệp và dân dụng, như: bếp nấu ăn, lò nướng BBQ, đốt lò hơi từ cỡ nhỏ đến cỡ rất lớn, dùng cho máy và nhà máy phát điện… Ngoài ra, Công ty cổ phần Ứng dụng công nghệ Xanh cho biết: “Công ty là một thành viên của hệ thống sản xuất, chế biến gỗ và tre Tiến Phát, vậy nên có thể chủ động được nguyên liệu từ nguồn phụ phẩm dồi dào của các nhà máy sản xuất trong Tổng công ty. Nhờ vậy, có thể tiết kiệm được phần nào chi phí cho nguyên liệu và giảm được lượng thải từ phụ phẩm đó.” 

“Tuy có những lợi thế về chức năng, nguồn nguyên liệu và giá thành, nhưng để sản xuất thì Công ty cần đầu tư trên 8 tỷ đồng cho dây chuyền, trong khi đó chưa có một cơ chế, chính sách cụ thể nào của Nhà nước nói chung và Tp. Hà Nội nói riêng về việc hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất và chế biến sản phẩm trong ngành năng lượng sinh khối, hoặc nếu có thì cũng chưa đến được với các doanh nghiệp tư nhân” – ông Bùi Việt Trung chia sẻ. 

Theo thông số về khối lượng, lượng phát thải, giá thành… thì Pellet ắt hẳn là sự lựa chọn hấp dẫn cho các hộ gia đình cũng như ngành công nghiệp năng lượng. Tuy vậy, hiệu quả thực tế ra sao thì còn phụ thuộc vào đánh giá của người tiêu dùng. Hy vọng rằng, Pellet cũng như những sản phẩm trong ngành năng lượng tái tạo sẽ ngày càng phát triển theo hướng xanh, tiết kiệm và bền vững, làm tăng sự lựa chọn sản phẩm “sạch” cho xã hội.

Hạ Viên