Thứ sáu, 03/05/2024 | 13:05 GMT+7

Hướng tới phát triển năng lượng bền vững

22/06/2011

Theo quan điểm phát triển hài hòa kinh tế, cung cấp năng lượng, bảo vệ môi trường và củng cố an ninh năng lượng, phát triển năng lượng bền vững, những thách thức trong việc cung cấp năng lượng dài hạn của Việt Nam được nhận dạng là phải: sử dụng năng lượng hiệu quả và tiết kiệm; thiết lập hệ thống cung cấp năng lượng chắc chắn và hiệu quả; ổn định cung cấp năng lượng, nhập khẩu năng lượng và củng cố an ninh năng lượng; thành lập thị trường năng lượng hiệu quả, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia bình đẳng và cạnh tranh lành mạnh.

Cho đến nay, ngành năng lượng - một ngành kinh tế - kỹ thuật quan trọng của đất nước chưa xây dựng được bộ chỉ tiêu phát triển bền vững, gây khó khăn cho việc đạt tới mục tiêu phát triển bền vững của ngành. Vì vậy, xây dựng bộ chỉ tiêu quốc gia đánh giá phát triển năng lượng bền vững là việc làm cần thiết hiện nay.

 

Năng lượng Việt Nam - còn nhiều thách thức


Trong những năm qua, ngành năng lượng Việt Nam đã có bước phát triển mạnh mẽ, cơ bản đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và đời sống dân sinh. Tuy nhiên, trước yêu cầu bảo đảm nhu cầu về năng lượng để duy trì mức tăng trưởng kinh tế cao, phát triển bền vững, góp phần bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và không ngừng cải thiện đời sống nhân dân, ngành năng lượng Việt Nam vẫn còn nhiều vấn đề và thách thức cần phải vượt qua.


a-tb-nang-luong-tai-tao-10.jpg


An ninh năng lượng ở Việt Nam được củng cố đáng kể từ khi đất nước chuyển từ một nước nhập khẩu năng lượng sang xuất khẩu năng lượng năm 1990. Tuy nhiên, hiện nay một số vấn đề về an ninh năng lượng gặp phải gồm:


- An ninh cung cấp điện: cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu về điện năng. Tuy nhiên, việc cung cấp điện vẫn chưa ổn định với điện áp thấp ở một số khu vực nông thôn, miền núi. Vào mùa hè, vẫn thường xảy ra thiếu điện do nhu cầu tăng (tăng trung bình khoảng 14% mỗi năm), đặc biệt là trong những năm hạn hán vì các nhà máy thủy điện chiếm tỷ trọng lớn, gần 40% tổng công suất lắp đặt.


- An ninh cung cấp dầu lửa và nhiên liệu dầu: Chương trình dự trữ dầu hiện tại của Việt Nam đặt mục tiêu 1 triệu ki-lô lít, tương ứng với việc tiêu thụ dầu lửa và nhiên liệu trong vòng 30 ngày. Khả năng dự trữ theo kế hoạch hiện tại sẽ không đủ để ổn định nền kinh tế trong nước nếu thế giới phải đối mặt với cuộc khủng hoảng dầu.


Về cơ bản, Việt Nam đáp ứng đủ nhu cầu về dầu lửa cho kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Doanh thu của điện, than, và dầu lửa, khí ga tự nhiên tăng ổn định, đóng góp cho công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, mức độ phát triển vẫn thấp do các vấn đề như: hiệu suất chung của ngành năng lượng thấp; sử dụng năng lượng chưa tiết kiệm và chưa hiệu quả, cường độ năng lượng và cường độ điện cao hơn mức trung bình thế giới; hiệu quả sản xuất và tiếp cận thị trường chưa cao; chi phí khai thác, biến đổi, truyền tải và phân phối năng lượng cao do công nghệ lạc hậu, quản lý còn nhiều bất cập; giá năng lượng chưa phản ánh chính xác các yếu tố đầu vào của sản xuất và phân phối sản phẩm năng lượng; đầu tư cho sự phát triển năng lượng vẫn chưa đáp ứng mong đợi; tiến độ của nhiều dự án bị trì hoãn v.v..


Trong thời gian 20 năm nữa, khi tiêu thụ năng lượng dự báo tăng tương ứng với sự tăng trưởng cao của nền kinh tế, sự tăng mạnh mẽ của sản xuất năng lượng khiến Việt Nam phải đối mặt với sự hạn chế về trữ lượng. Do đó, khả năng cân bằng năng lượng của Việt Nam trở lại nhập siêu vào khoảng từ sau năm 2015 là hoàn toàn có thể xảy ra.


Theo quan điểm phát triển hài hòa kinh tế, cung cấp năng lượng, bảo vệ môi trường và củng cố an ninh năng lượng, phát triển năng lượng bền vững, những thách thức trong việc cung cấp năng lượng dài hạn của Việt Nam được nhận dạng là phải: sử dụng năng lượng hiệu quả và tiết kiệm; thiết lập hệ thống cung cấp năng lượng chắc chắn và hiệu quả; ổn định cung cấp năng lượng, nhập khẩu năng lượng và củng cố an ninh năng lượng; thành lập thị trường năng lượng hiệu quả, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia bình đẳng và cạnh tranh lành mạnh.


Để khắc phục những yếu kém, vượt qua những thách thức nêu trên, Nhà nước cần phải xây dựng các chính sách liên quan đến phát triển năng lượng bền vững dựa trên cơ sở các chỉ tiêu đánh giá phát triển năng lượng bền vững. Các chỉ tiêu có thể cung cấp những thông tin, trợ giúp cho quá trình ra quyết định; chuyển tải những tri thức về kinh tế - kỹ thuật, xã hội và môi trường vào quá trình ra quyết định; hỗ trợ việc đo lường và định hướng tới mục tiêu phát triển bền vững. Nó cũng được coi như là một công cụ để trao đổi ý tưởng, suy nghĩ, những giá trị giúp so sánh trình độ phát triển giữa Việt Nam với các quốc gia khác theo hướng bền vững. Hiện nay, chúng ta chưa có cơ sở khoa học đủ vững chắc để đánh giá ngành năng lượng đang phát triển ở mức độ nào cũng như để xây dựng các mục tiêu chiến lược phát triển ngành theo hướng bền vững theo các tiêu chí có thể định lượng được do thiếu bộ chỉ tiêu đánh giá.


Cần thiết phải có bộ chỉ tiêu quốc gia đánh giá phát triển năng lượng bền vững


Những phân tích trên đây cho thấy việc cần thiết phải có bộ chỉ tiêu quốc gia đánh giá phát triển năng lượng bền vững. Các nhà khoa học đã nghiên cứu bộ chỉ tiêu quốc gia đánh giá phát triển năng lượng bền vững theo kinh nghiệm quốc tế, bao gồm 29 chỉ tiêu thuộc 3 nhóm sau:


Nhóm các chỉ tiêu về năng lượng - xã hội, gồm các chỉ tiêu: tỉ lệ các hộ (dân số) không sử dụng điện hoặc năng lượng thương phẩm, hoặc phụ thuộc cao vào năng lượng không thương phẩm (khả năng tiếp cận); phần thu nhập hộ gia đình dành cho nhiên liệu và điện năng (khả năng chi trả); năng lượng gia đình sử dụng cho mỗi nhóm thu nhập và hỗn hợp nhiên liệu tương ứng  (sự mất cân xứng); các tai nạn trên mỗi dây chuyền sản xuất nhiên liệu (sự an toàn liên quan đến sức khoẻ con người).


Nhóm các chỉ tiêu về năng lượng - kinh tế, gồm các chỉ tiêu: năng lượng sử dụng trên đầu người (sử dụng); năng lượng sử dụng trên mỗi đơn vị GDP (sản xuất); hiệu quả chuyển hoá và phân phối năng lượng; cường độ năng lượng ngành công nghiệp; cường độ năng lượng ngành nông nghiệp; cường độ năng lượng ngành dịch vụ - thương mại; cường độ năng lượng hộ gia đình (sử dụng cuối cùng); cường độ năng lượng ngành giao thông (sử dụng cuối cùng); tỷ lệ của nhiên liệu trong năng lượng và điện năng (sự đa dạng hoá); giá năng lượng sử dụng cuối cùng theo nhiên liệu và theo ngành (giá cả); nhập khẩu năng lượng; dự trữ nhiên liệu chiến lược.


Nhóm các chỉ tiêu về năng lượng - môi trường, gồm các chỉ tiêu: thải khí GHG từ sản xuất và sử dụng  năng lượng theo đầu người, trên mỗi đơn vị GDP (thay đổi khí hậu); tập trung vào sự ô nhiễm không khí trong khu vực thành phố (chất lượng không khí); không khí ô nhiễm từ hệ thống năng lượng (chất lượng không khí); sự thải ra các chất gây ô nhiễm dạng lỏng từ hệ thống năng lượng bao gồm dầu lửa  (chất lượng nước).


Tóm lại, Bộ chỉ tiêu quốc gia đánh giá phát triển năng lượng bền vững là cơ sở dữ liệu nền tảng cho việc phân tích, đánh giá sử dụng nguồn tài nguyên năng lượng của đất nước, đồng thời nó cũng là cơ sở để phân tích ảnh hưởng của những lựa chọn chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đến sử dụng năng lượng sơ cấp và năng lượng cuối cùng.


Đã đến lúc chúng ta cần đặt mục tiêu xây dựng bộ chỉ tiêu quốc gia về phát triển năng lượng bền vững hoàn chỉnh. Thực tế nhiều nước đã cho thấy khi có bộ chỉ tiêu quốc gia các nhà nghiên cứu chiến lược, hoạch định chính sách có cơ sở nghiên cứu cụ thể, hỗ trợ quá trình ra các quyết định; các nhà quản lý sử dụng bộ chỉ tiêu quản lý sự phát triển bền vững ngành, địa phương; công chúng và các tổ chức có liên quan sử dụng bộ chỉ tiêu để kiểm soát các hoạt động năng lượng; cộng đồng quốc tế sử dụng bộ chỉ tiêu để đánh giá mức độ phát triển ngành năng lượng Việt Nam và việc thực hiện các cam kết của Việt Nam với cộng đồng quốc tế.


Đoàn Văn Bình, Phó Viện trưởng, Viện Khoa học năng lượng Việt Nam