Việc chuyên môn hoá, hiện đại hoá trong sản xuất nông nghiệp để đáp ứng xu thế hội nhập đã góp phần nâng tầm chất lượng nông sản Việt Nam, giảm giá thành và giúp sản phẩm có tính cạnh tranh cao trên thị trường. Tuy nhiên, song song với đó là nhu cầu sử dụng điện phục vụ sản xuất cũng sẽ tăng cao. Để tiết kiệm tối đa việc sử dụng điện trong sản xuất nông nghiệp cần tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp.
Nâng cao nhận thức người dân
Giải pháp này đòi hỏi toàn hệ thống đoàn thể chính trị và các cơ quan ban, ngành cần tăng cường công tác tuyên truyền vận động người dân trong việc nâng cao ý thức sử dụng tiết kiệm năng lượng điện trong sản xuất nông nghiệp, nhất là người dân vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
Cán bộ ngành điện lực tuyên truyền tiết kiệm điện cho bà con (Ảnh: Điện lực Bắc Kạn)
Đặc biệt, đẩy mạnh tuyên truyền nội dung các Nghị định của Chính Phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Các văn bản, thông tư hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về các biện pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp.
Nâng cấp các trang thiết bị, ứng dụng công nghệ thông minh
Hiện nay, một số trang thiết bị dùng trong nông nghiệp đã được hoàn thiện dần về mức độ tự động hóa. Do đó, ngoài lợi ích về tăng năng suất và chất lượng sản phẩm còn làm giảm đáng kể chi phí điện năng trong vận hành.
Tùy theo nhu cầu sản xuất của mỗi gia đình, hộ sản xuất nông nghiệp mà có thể lựa chọn một số thiết bị điều khiển thích hợp như: hệ thống truyền động biến tần - động cơ AC; bộ biến đổi tốc độ động cơ điện một chiều và thiết bị khởi động mềm… nhằm giảm chi phí và tiết kiệm điện năng, đồng thời còn làm tăng tuổi thọ của động cơ và thiết bị đi kèm. Những động cơ công suất trung bình và lớn trong hệ thống các trạm bơm nước, quạt thông gió, băng truyền tải, máy nén khí, máy lạnh ở nhà bảo quản,… có thể sử dụng thiết bị khởi động mềm nhằm giảm trị số dòng điện khi khởi động, giúp giảm tổn thất điện năng.
Trong dây chuyền chế biến nếu có nhu cầu về điều chỉnh số vòng quay động cơ không đồng bộ cho phù hợp với công nghệ sản xuất thì sử dụng bộ biến tần xoay chiều. Nếu ứng dụng các thiết bị này vào đúng vị trí của dây chuyền sản xuất thì chi phí điện năng sẽ giảm cũng như chất lượng lưới điện được cải thiện và tuổi thọ của động cơ và cáp sẽ tăng.
Ngoài ra, nên dựa vào định mức điện năng cho từng loại sản phẩm để đánh giá sự tiêu hao năng lượng. Tất cả máy móc, các thiết bị điện và đường dây điện cần được kiểm tra và bảo dưỡng thường xuyên để đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật cho phép.
Nhân rộng các mô hình khuyến nông
Việc nhân rộng các mô hình khuyến nông phù hợp cũng là một trong những giải pháp hữu hiệu để tiết kiệm năng lượng điện, bao gồm các mô hình liên kết sản xuất để tiêu thụ nông sản, các mô hình cây trồng có khả năng chịu hạn cao; các mô hình chăn nuôi khép kín theo công nghệ tiên tiến, công nghệ sạch, tiết kiệm nước,…
Mô hình sản xuất hoa cúc thương phẩm áp dụng công nghệ chiếu sáng bằng đèn led tại Lâm Đồng
Đồng thời, duy trì và nhân rộng các mô hình sử dụng đèn Led trong canh tác bởi việc sử dụng đèn Led để chiếu sáng đang được rất nhiều lĩnh vực áp dụng, đặc biệt trong nông nghiệp để tiết kiệm điện năng. Theo Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng, hiện có nhiều hộ nông dân trên địa bàn tỉnh lắp đặt mới hệ thống chiếu sáng bằng đèn Led để chăm sóc hoa cúc đạt năng suất và chất lượng cao, đồng thời tăng thêm giá trị lợi nhuận trên từng đơn vị diện tích đất.
Điển hình như ông Nguyễn Văn Ký (xã Quảng Lập, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng) đã mạnh dạn đầu tư sử dụng đèn Led để chiếu sáng cho hoa cúc. Ông sử dụng đèn Led công suất 10W và sử dụng thêm chóa đèn phản quang ở chuôi mỗi bóng đèn. Trên diện tích 1.000m2 ông mắc 120 bóng đèn Led loại 10W, khoảng cách bóng là 3x3 m. Để tiết kiệm thời gian và công lao động ông còn mắc rơle tự động và bộ hẹn giờ cứ 15 phút bật, 15 phút tắt, thời gian chiếu sáng từ 20 giờ tối nay đến 2 giờ 30 phút sáng hôm sau. Kết quả là cây hoa cúc vẫn đảm bảo đủ sáng để sinh trưởng, phát triển tốt, đạt chiều cao và tiêu chuẩn theo yêu cầu của người thu mua. So với những vụ cúc trước khi chưa sử dụng đèn Led, ông khẳng định là sử dụng đèn Led cây có phần đẹp hơn và đặc biệt là tiết kiệm điện.
"Khi sử dụng đèn compact mỗi vụ hoa cúc gia đình tôi tốn khoảng 1,2 - 1,3 triệu đồng/1.000m2, nhưng chuyển sang sử dụng bóng đèn Led chi phí tiền điện một vụ hoa cúc của gia đình chỉ còn khoảng 300.000 - 500.000 đồng/1.000m2. Với chi phí tiền điện giảm đã tạo thêm thu nhập cho gia đình." - Ông Ký chia sẻ.
Bên cạnh đó, cần khuyến khích các hộ chăn nuôi, trang trại chăn nuôi xây hầm biogas để tạo nguồn năng lượng sinh học. Mô hình biogas được coi là một giải pháp tiết kiệm điện hiệu quả trong lĩnh vực chăn nuôi nói riêng. Hầm biogas sử dụng chất thải làm nguyên liệu sẽ giúp giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường, bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng. Ngoài ra, việc xây dựng, lắp đặt hầm biogas còn đem lại nguồn khí đốt tiện dụng phục vụ việc đun nấu trong gia đình, tiết kiệm kinh phí mua nhiên liệu và chạy máy phát điện phục vụ nhu cầu tại chỗ.
Sử dụng năng lượng mặt trời
Trong quá trình sản xuất nông nghiệp, cần tận dụng nguồn năng lượng ánh sáng mặt trời cho việc sấy khô nông sản hoặc đun nước nóng để tiết kiệm năng lượng, lắp đặt các ô cửa lấy ánh sáng phục vụ cho việc chiếu sáng nhà xưởng, chuồng trại.
Bên cạnh đó, có thể bố trí cửa lấy gió và thoát gió trong nhà một cách hợp lý giúp cho không khí lưu thông tuần hoàn tốt nhất nhằm giảm chi phí sản xuất và không phải sử dụng thiết bị điện chiếu sáng, giảm thiết bị làm mát.
Việc áp dụng đồng bộ các giải pháp tiết kiệm năng lượng cho sản xuất nông nghiệp nêu trên không chỉ giúp mỗi cá nhân, hộ sản xuất nông nghiệp tiết kiệm chi phí đầu tư, giảm chi phí vận hành, mà còn có ý nghĩa rất quan trọng trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội của nước ta.
Tố Quyên