Thứ tư, 16/10/2024 | 11:03 GMT+7

Ứng dụng tiết kiệm năng lượng tại các cơ sở sản xuất-chế biến xăng dầu, dầu khí

01/04/2020

Xu hướng tất yếu là các nhà máy lọc hóa dầu phải nâng cao hiệu quả hoạt động và sử dụng năng lượng có hiệu quả, nhằm tồn tại và cạnh tranh trên thị trường.

https://cafefcdn.com/thumb_w/650/2018/10/17/bsr-1539749898014496746623-crop-15714653994321141196115.jpg

Nhà máy lọc hoá dầu Bình Sơn

Cùng với những tiến bộ trong việc tiết kiệm nhiên liệu động cơ và sự dần phổ biến các giải pháp công nghệ hiện đại như xe điện, nhiên liệu sạch, nhu cầu xăng dầu toàn cầu được dự báo sẽ ngày càng giảm trong thập kỷ tới.

Thêm vào đó, việc tăng công suất của các nhà máy lọc hóa dầu trong giai đoạn 2018-2040, từ 100 triệu thùng/ngày lên khoảng 115 triệu thùng/ngày, dẫn đến cung dễ vượt cầu.

Xu hướng tất yếu là các nhà máy lọc hóa dầu phải nâng cao hiệu quả hoạt động và sử dụng năng lượng có hiệu quả, nhằm tồn tại và cạnh tranh trên thị trường.

Hiểu được điều đó, các doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) trong những năm qua không ngừng cải tiến, tối ưu các giải pháp nhằm hạn chế hao phí năng lượng.

Từ 2013 - 2019, Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) triển khai 33 giải pháp, giảm chỉ tiêu hao năng lượng từ 117% xuống 103,6%, tiết kiệm 17,4 triệu USD. Hiện BSR đang tập trung triển khai các giải pháp tối ưu tiết kiệm năng lượng cho Nhà máy Lọc dầu Dung Quất giai đoạn 2020 - 2025 nhằm đạt mục tiêu giảm chỉ số tiêu thụ năng lượng (EII) dưới 102; tiêu thụ năng lượng nội bộ dưới 7. Ngoài ra, BSR cũng áp dụng đồng bộ công nghệ biến tần cho các cụm thiết bị, phân xưởng; kết nối lưới điện quốc gia; tối ưu hóa vận hành.

Sau năm 2030, BSR đặt mục tiêu EII dưới 95; tiêu thụ năng lượng nội bộ  dưới 6,8; hoàn thiện kỹ thuật quản lý và tổ chức bảo dưỡng tổng thể theo định hướng tự chủ hoàn toàn tất cả các khâu; nghiên cứu áp dụng nguồn năng lượng mới.

Một trường hợp ứng dụng giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả điển hình khác là Nhà máy đạm Cà Mau. Trong 5 năm qua, nhà máy đã giảm tiêu thụ năng lượng khoảng 3%, tập trung tăng cường hiệu suất tạo hạt, giảm lưu lượng vòng tuần hoàn rắn đi vào thiết bị sấy, tiết kiệm lượng khí đốt sử dụng sấy tại phân xưởng NPK.
Ðơn vị này đồng thời triển khai lộ trình tối ưu tiết kiệm năng lượng như thu hồi khí xả tại cụm trung áp xưởng ureventa; áp dụng công nghệ ORC để phát điện; thu hồi khí cacbon trong dòng Permeate gas và Flashgas; mua hơi công nghiệp thay thế một phần khí nhiên liệu; cải tạo hệ thống trao đổi nhiệt; nghiên cứu đa dạng hóa nguồn nhiên liệu đầu vào.

Tương tự, Nhà máy Ðạm Phú Mỹ giảm tiêu thụ năng lượng khoảng 1,8%. Mức tiêu thụ năng lượng trung bình của nhà máy đã thấp hơn so với các nhà máy đạm cùng khu vực như Ấn Độ.

Với các giải pháp nêu trên, các nhà máy lọc hóa dầu có thể tiết kiệm 10% đến 20% năng lượng tiêu thụ. Tuy vậy, dư địa để tiếp tục nâng cao hiệu quả các giải pháp tiết kiệm năng lượng vẫn còn bên cạnh việc áp dụng đồng bộ các giải pháp duy trì vận hành an toàn, ổn định ở công suất cao, các nhà máy chế biến dầu khí của PVN.

Để duy trì và đẩy mạnh hiệu quả sử dụng năng lượng, các đơn vị cần mạnh dạn đầu tư, nâng cấp thiết bị công nghệ kết hợp với kiên trì triển khai nghiên cứu dài hạn về tối ưu sản xuất, tiết kiệm năng lượng và phát triển bền vững. Bên cạnh đó liên tục tìm kiếm các nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo và tận dụng nguyên liệu sẵn có nhằm tiết giảm chi phí, đẩy mạnh phát triển.

Anh Dũng