Thứ hai, 23/09/2024 | 22:34 GMT+7

Một số hướng phát triển năng lượng sạch trên thế giới

16/07/2009

Hậu quả từ sự thay đổi khí hậu là ngày càng xảy ra nhiều thảm hoạ thiên tai, đe doạ sự sinh tồn của con người và môi trường trên trái đất. Môi trường, khí hậu đã và đang là vấn đề toàn cầu, đặt ra những thách thức đòi hỏi phải có giải pháp tích cực.

    Các kết quả nghiên cứu khoa học đã cho thấy, trong khoảng một thế kỷ qua, khí hậu trái đất đã tăng lên 0,5 độ bách phân. Nguyên nhân của hiện tượng trái đất nóng dần lên là do tác động của con người qua việc sử dụng than đá, dầu mở, khí ga tự nhiên cùng với tình trạng đốt rừng, phá rừng cho nhiều mụcđích khác nhau đã làm thay đổi thành phần không khí của trái đất và gây ra hiệu ứng nhà kính. Chương trình Môi trường của Liên hợp quốc (UNEP-United National Environment Program) được xem là một giải pháp tích cực đem lại lợi ích lớn cho đời sống dân sinh và môi trường tại nhiều quốc gia trên thế giới.

Để đáp ứng nhu cầu năng lượng cho nền kinh tế và xã hội hiện đại, con người chủ yếu sử dụng các nguyên liệu hoá thạch truyền thống như than đá, dầu mỏ và khí tự nhiên. Trong đó, nguyên liệu hoá thạch dùng để phát điện chiếm 63% tổng lượng điện (năm 1999), 65% (năm 2002). Đến nay, tốc độ sử dụng các nguyên liệu hoá thạch đã tăng gấp 4 lần so với năm 1950. Riêng việc sử dụng than đá và khí  gas tự nhiên cho phát điện đã tăng lên đáng kể so với các nguồn khác. Việc sử dụng nhiều nguyên liệu hoá thạch trong các thập niên vừa qua đồng nghĩa với việc tăng nhanh lượng dioxide carbon phát thải vào bầu khí quyển-nguyên nhân chính gây ra hiệu ứng nhà kính. Theo tính toán, mỗi năm, khoảng 6-7 triệu tấn dioxide carbon được thải vào không khí.Trong đó, khoảng 2 triệu tấn được hấp thụ bởi đại dương, từ 1,5-2,5 triệu tấn được hấp thụ bởi thực vật còn lại đi vào khí quyển. Lượng dioxide carbon trong không khí đã tăng lên khoảng 30% từ khi bắt đầu cuộc cách mạng công nghiệp…Nhiệt độ trung bình của bề mặt trái đất hiện nay đã tăng khoảng 0,5 độ bách phân và dự báo tới năm 2100 sẽ tăng lên từ 1,4-5,8 độ bách phân.

Để giảm thiểu phát thải dioxide carbon vào trong không khí cũng như hạn chế hiện tượng hiệu ứng nhà kính, nhiều biện pháp đã được đưa ra trong từng quốc gia nói riêng và thế giới nói chung. Điển hình là Nghị định thư Kyôtô về định mức khí thải nhằm hạn chế các tác động bất lợi tới môi trường và khí hậu. Phát triển năng lượng thân thiện với môi trường không nằm ngoài chương trình toàn cầu cắt giảm hiệu ứng nhà kính và vấn đề phát thải dioxide carbon  vào không khí. Hiện nay, trong cơ cấu sản lượng điện thì các nguồn năng lượng mới như năng lượng gió, mặt trời…mới chỉ chiếm 2% tổng năng lượng điện phát. Việc ứng dụng và phát triển nguồn năng lượng mới, đặc biệt là nguồn năng lượng tái tạo, có sẵn trong tự nhiên và thân thiện với môi trường với quy mô từ hộ gia định tới các cơ quan, tổ chức của nhà nước và xã hôi, từ phạm vi một khu vực, quốc gia đến toàn thế giới đã và đang được triển khai rộng rãi.

Một gia đình có thể mua hệ thống năng lượng mặt trời, sức gió hoặc sử dụng năng lượng tái tạo phục vụ cho sinh hoạt gia đinh như thắp sáng, chạy các thiết bị tiêu thụ điện. Tuy nhiên, không phải gia đình nào cũng đủ kinh phí để mua sắm thiết bị hệ thống đó, mà phải đi vay ngân hàng.Trong khi đó, các ngân hàng hầu hết đều do dự không muốn cho vay vì lo ngại không bảo toàn được vốn.

 
Để giải quyết vấn đề này, Chương trình môi trường Liên hiệp quốc (UNEP) đã phối hợp với một số tổ chức và các quốc gia thực hiện những chương trình sử dụng năng lượng tái tạo sạch và thân thiện với môi trường. UNEP đã thực hiện các phương thức và quy  mô khác nhau từ phạm vi gia đình tới làng, xã. Hoạt động của Chương trình là giúp hộ gia đình và cộng đồng làm quen với việc sử dụng các thiết bị tái tạo năng lượng và thân thiện với môi trường để đáp ứng nhu cầu năng lượng nhưng vẫn bền vững về mặt môi trường.

 
Với giá trị 1 triệu USD đã đầu tư trong Chương trình năng lượng mặt trời ở Ấn Độ, UNEP đã cung cấp cho các hộ gia đình các khoản vây để đủ chi phí lắp đặt và vận hành các hệ thống năng lượng mặt trời hộ gia đình. Các gia đình lắp đặt chỉ phải trả một tỷ lệ lãi suất thấp. Chương trình đã giúp gần 20.000 gia đình ở miền Nam Ấn Độ có điều kiện sử dụng các dịch vụ năng lượng tái tạo sạch. Khi chương trình kết thúc vào cuối năm 2005, thị trường hệ thống năng lượng mặt trời hộ gia đinh đã phát triển. Một số ngân hàng khác cũng bắt đầu tham gia voà chương trình này và cho vay tới hộ gia đình.

Nhằm phổ biến và xây dựng thị trường thiết bị và dịch vụ phát triển hệ thống sử dụng năng lượng sạch, UNEP đã thành lập một số công ty kinh doanh hệ thống sử dụng năng lượng sạch, chú trọng khu vực nông thôn.Từ năm 2001, trên cơ sở tổ chức Phát triển năng lượng thân thiện với môi trường (REED-Rural Environment Energy Development), UNEP đã thành lập các công ty năng lượng sạch hoạt động ở các khu vực như: khu vực Tây và Nam Châu Phi, Đông Bắc của Bzaxin và tỉnh Vân Nam của Trung Quốc. Chương trình hoạt động của các Công ty trên đã hỗ trợ người dân, các cơ sở sản xuất tiếp cận với các thiết bị sử dụng năng lượng mặt trời, sức gió hoặc phân phát khí hoá lỏng…Ngoài ra, các chương trình còn thúc đẩy nhiều biện pháp nhằm ngăn chặn tình trạng phá rừng, hạn chế chất thải công nghiệp, phát triển du lịch sinh thái…Qua đó, cuộc sống người dân, môi trường sinh thái được cải thiện rõ rệt.

Một Chương trình khác của UNEP là sử dụng nguồn vốn từ Quỹ Liên hiệp quốc (UNF) để phát triển hai lĩnh vực năng lượng sạch và dịch vụ viễn thông hiện đại. UNEP đã thiết lập các trung  tâm thương mại nông thôn kinh doanh dịch vụ điện thoại giọng nói, truyền internet và sản phẩm năng lượng sạch (đặc biệt cho các khu vực khó khăn về mạng lưới điện). Chương trình đã được triển khai, phát triển thông qua mạng lưới quản lý của Telecom Gha Na. Mỗi một hệ thống đều nằm trong mắt xích, tiếp nhận một nguồn tài chính được kết hợp cả gói về thiết bị, đào tạo sử dụng và các dịch vụ phát triển của cơ sở hoạt động. Tất cả các hoạt động năng lượng này của UNEP đã quy tụ đầy đủ các yêu cầu để mở rộng thị trường và phổ biến các thiết bị sử dụng năng lượng sạch cho  người dân một cách nhanh chóng.

Việc ứng dụng các năng lượng tái tạo mới và thân thiện với môi trường là xu hướng tất yếu đáp ứng hai yêu cầu là năng lượng cho cuộc sống và môi trường bền vững. Nhưng để xu hướng này đi vào cuộc sống nhanh và rộng hơn, đòi hỏi mỗi người dân, mỗi tổ chức cần có nhận thức nghiêm túc,  đồng thời việc xây dựng và hoàn chỉnh hệ thống chính sách phát triển năng lượng mới, sạch tại mỗi quốc gia, góp phần hạn chế suy thoái môi trường và thay đổi khí hậu, cải thiện đời sống đang là một đòi hỏi cấp thiết. Hy vọng với các mô hình, biện pháp ứng dụng năng lượng tái tạo sạch thân thiện với môi trường mà UNEP thực hiện sẽ cho Việt Nam nhiều bài học kinh nghiệm trên con đường phát triển và hội nhập hiện nay.

 

(Nguồn: ESIT)