Thứ hai, 13/05/2024 | 17:18 GMT+7

Tiết kiệm năng lượng là nguồn cung cấp năng lượng lớn nhất

04/02/2007

Làm thế nào để có thể thỏa mãn các nhu cầu về năng lượng của hiện tại mà không ảnh hưởng tới phát triển trong tương lai đang là vấn đề cấp thiết của hầu hết các nước đang phát triển như Việt Nam. Hiện nay, trong bối cảnh nguồn tài nguyên thiên nhiên ngày càng cạn kiệt, tăng trưởng GDP hàng năm ở mức cao (gần 8%) kéo theo nhu cầu về năng lượng tăng chóng mặt (trung bình khoảng 12 %/năm). PV có cuộc trò chuyện với kỹ sư Nguyễn Thường, Giám đốc Trung tâm Phát triển năng lượng bền vững, nguyên chủ nhiệm đề tài KHCN cấp nhà nước KCDL 95.04 và KHCN 09.08 về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

PV: Xin ông cho biết sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả bao hàm nội dung gì và tầm quan trọng của nó trong phát triển năng lượng bền vững ở Việt Nam?

KS Nguyễn Thường: Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là bảo đảm thỏa mãn nhu cầu năng lượng của các quá trình sản xuất, sinh hoạt và dịch vụ với mức tiêu thụ năng lượng ít nhất. Nội dung định nghĩa này hoàn toàn không mang ý nghĩa cắt giảm mà giảm tiêu thụ bằng các giải pháp mang tính khoa học. Nó được thể hiện bằng chỉ tiêu định lượng là cường độ năng lượng. Đây là khái niệm còn tương đối mới mẻ đối với người Việt Nam nhưng trên thế giới đã được sử dụng từ lâu. Cường độ năng lượng là mức tiêu hao năng lượng để làm ra một đơn vị giá trị gia tăng tính bằng tiền. Đối với toàn nền kinh tế, chỉ tiêu cường độ năng lượng của GDP là mức tiêu thụ năng lượng tính bằng kg dầu qui đổi trên 1 USD (kg oe/USD). Đối với từng ngành kinh tế chỉ tiêu cường độ năng lượng được tính bằng kg oe/USD giá trị gia tăng. Cường độ năng lượng càng thấp càng chứng tỏ việc tiêu thụ năng lượng để sản xuất ra một đơn vị giá trị gia tăng giảm, nghĩa là hiệu quả sử dụng năng lượng của chúng ta đã tăng lên.

Đối với các nước đang phát triển như Việt Nam, khi trình độ công nghệ năng lượng còn thấp, tiềm năng tiết kiệm là khá lớn. Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là một yếu tố quan trọng trong phát triển năng lượng bền vững vì đó là nguồn cung cấp năng lượng lớn nhất, là biện pháp nhanh nhất, hiệu quả và chi phí thấp nhất để giảm tiêu thụ năng lượng và giảm phát thải khí nhà kính. Hàng trăm doanh nghiệp, khách sạn bằng nhiều biện pháp tiết kiệm ít tốn kém như giáo dục ý thức, cải tiến quản lý năng lượng và sửa chữa nhỏ các bộ phận gây tổn thất năng lượng đã giảm mức năng lượng tiêu thụ hàng ngày tới 15% , thậm chí có nơi tới 20%.

PV: Thưa ông, vậy hiện trạng sử dụng năng lượng lãng phí, kém hiệu quả ở Việt Nam ra sao?

KS Nguyễn Thường: Theo Viện Năng lượng, thất thoát điện năng trong truyền tải và phân phối lên tới 15,8 %, trong khi nhiều nước trong khu vực chỉ vào khoảng dưới 7-8%, cần phải có các biện pháp mạnh về đầu tư và quản lý để sau một số năm giảm tổn thất điện như các các nước trong khu vực. Cường độ năng lượng của Việt Nam năm 2004 là 0,541 kg oe/USD, cao hơn các nước trong khu vực Châu á khoảng 30-40 %. Việt Nam không thể duy trì tăng trưởng GDP cao trong thời gian dài với cường độ năng lượng cao như hiện nay, mà phải hướng mạnh vào phát triển các ngành kinh tế, các mặt hàng có cường độ năng lượng thấp ( tiêu thụ ít năng lượng nhưng mang lại giá trị gia tăng cao) đồng thời đẩy mạnh tiết kiệm năng lượng trong toàn xã hội để sau một số năm đạt được Cường độ năng lượng của GDP ngang bằng các nước trong khu vực.

PV: Trong thời gian thực hiện hai đề tài cấp nhà nước, ông đã chuyển giao công nghệ tiết kiệm năng lượng thành công cho một số ngành. Xin ông cho biết nội dung cụ thể của việc đưa các nghiên cứu khoa học vào thực tiễn?

KS Nguyễn Thường: Chúng tôi đã chuyển giao hai công nghệ tiết kiệm năng lượng cho các doanh nghiệp Sản xuất gốm và Sản xuất gạch - hai ngành vốn sử dụng năng lượng kém hiệu quả nhất. Chúng tôi đã chuyển giao cho các doanh nghiệp sản xuất gốm công nghệ của Đức “Lò nung gốm dùng LPG, cách nhiệt dùng bông gốm” thay cho lò gạch dùng củi hoặc than từ năm 1998-1999. Đến nay công nghệ này đã được hầu hết các doanh nghiệp sản xuất gốm trong Nam ngoài Bắc áp dụng thành công mang lại hiệu quả cao như gốm nung chất lượng cao hơn, giải quyết tốt vấn đề ô nhiễm môi trường, năng lượng tiêu tốn giảm 2/3. Một số doanh nghiệp đã tìm cách cải tiến dựa trên công nghệ này cho ra đời những lò nung hiệu suất cao với giá thành thậm chí rẻ hơn. Thứ hai là công nghệ “Lò gạch liên tục kiểu đứng” của Trung Quốc giảm được 45% lượng than tiêu thụ đối với lò dùng than và giảm đến hơn 35% năng lượng đối với lò thủ công đốt củi và không gây ô nhiễm cho khu vực chung quanh, giá thành rẻ, thu hồi vốn nhanh. Thứ ba là chuyển giao công nghệ khí sinh học do Hà Lan tài trợ với 18.000 công trình biogas tại 12 tỉnh thành trong cả nước. Chúng tôi cũng mở rộng thử nghiệm các biện pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trên 100 doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tận dụng các nguồn lực trong và ngoài nước, các dự án về năng lượng tiếp tục được triển khai như: Dự án quản lý nhu cầu về điện do Quỹ môi trường toàn cầu (GEF) và Ngân hàng Thế giới tài trợ, Bộ công nghiệp chủ trì, bắt đầu năm 1997 đã hoàn thành pha 1, hiện đang triển khai pha 2; Dự án tiết kiệm năng lượng trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ do UNDP và GEF tài trợ, Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì bắt đầu triển khai năm nay; Dự án Chiếu sáng công cộng hiệu suất cao do UNDP và GEF tài trợ, Viện khoa học và công nghệ quốc gia chủ trì cũng bắt đầu triển khai năm nay...

PV: Như vậy, các giải pháp tiết kiệm năng lượng phải hết sức cụ thể?

KS Nguyễn Thường: Những giải pháp tiết kiệm năng lượng được xây dựng trên cơ sở nghiên cứu từng ngành, thậm chí từng doanh nghiệp, từng khâu sản xuất. Chẳng hạn tiết kiệm năng lượng trong các toà nhà phải đi từ thiết kế, kết cấu làm sao để tận dụng được ánh sáng tự nhiên, thông gió tốt để giảm điện năng tiêu tốn cho đèn điện, điều hòa, quạt. Tường và mái cần cách nhiệt tốt để hạn chế truyền nhiệt từ bên ngoài vào. Vừa rồi Bộ xây dựng ban hành Quy chuẩn sử dụng năng lượng hiệu quả trong các công trình xây dựng chính là đề ra những giải pháp đồng bộ, thiết thực và chi tiết để tiết kiệm năng lượng trong các tòa nhà. Tuy nhiên, để quy chuẩn có hiệu lực trong thực tế cũng cần phải có thời gian.

PV: Lợi ích đã rõ, biện pháp tương đối bài bản, cụ thể, nhiều dự án đã triển khai, nhưng trên căn bản việc sử dụng năng lượng tiết kiệm của ta vẫn chưa mang lại kết quả như mong muốn. Theo ông, vướng mắc ở chỗ nào và tháo gỡ ra sao?

KS Nguyễn Thường: Chúng tôi đã đề xuất cần có một bộ luật về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Rất nhiều nước trên thế giới đã có bộ luật này nhờ đó việc triển khai đến từng ngành, địa phương, thậm chí từng hộ gia đình, trở nên dễ dàng và hiệu quả hơn. Tuy nhiên đến năm 2003, Chính phủ mới ban hành Nghị định về Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Không có Luật thì không những yêu cầu thực thi các giải pháp tiết kiệm năng lượng với các tổ chức trong nước khó khăn mà chúng ta còn thiếu cơ sở buộc các tổ chức nước ngoài đầu tư vào Việt Nam thực thi các quy định của Việt Nam về tiết kiệm năng lượng.

Về mặt chiến lược, chúng ta cần quy hoạch phát triển mạnh những ngành có cường độ năng lượng thấp, đồng thời mang lại giá trị gia tăng cao như các ngành công nghiệp chế biến, dịch vụ, du lịch... Mặt khác yêu cầu các ngành, các địa phương phải lấy chỉ tiêu cường độ năng lượng cùng với chỉ tiêu GDP để đánh giá sự phát triển. Khi xem xét một dự án nước ngoài đầu tư vào Việt Nam hiệu quả đến đâu, chúng ta cũng cần xem xét khả năng nó tiêu tốn bao nhiêu năng lượng. Đây cũng là một cách tư duy còn mới mẻ, nhưng cần thực hiện càng sớm càng tốt.

Một biện pháp quan trọng khác là xây dựng ý thức tự giác sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả ở mỗi người dân. Tuy nhiên trừ những người thu nhập thấp thì việc tiết kiệm là đương nhiên, còn những người thu nhập cao thì không để ý đến chuyện tiết kiệm vì chi phí sử dụng năng lượng chiếm tỷ lệ nhỏ trong tổng thu nhập của họ. Hơn nữa ở các cơ quan, công sở, khi chi phí năng lượng là của công thì tiêu tốn và lãng phí còn hơn nữa. Do đó, đây là cuộc vận động liên tục và lâu dài, phải triển khai phù hợp từng đối tượng.

PV: Để bảo đảm an ninh năng lượng, ngoài việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, việc khai thác và sử dụng các nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo ở Việt Nam hiện ra sao, thưa ông?

KS Nguyễn Thường: Việt Nam là nước có tiềm năng phong phú về năng lượng tái tạo. Đến nay, chúng ta đã khai thác được một số nguồn năng lượng khá hiệu quả. Thủy điện các loại, đặc biệt là thuỷ điện nhỏ phổ biến ở vùng sâu vùng xa: Năng lượng sinh khối phát triển khá mạnh với nguồn nguyên liệu dồi dào từ phế liệu lâm nghiệp, nông nghiệp, biogas từ chất thải hữu cơ là nguồn cung cấp chất đốt chính ở nông thôn, miền núi. Năng lượng mặt trời, năng lượng gió, địa nhiệt hầu hết mới được dùng thử nghiệm hay sản xuất ở qui mô nhỏ. Tổng tiêu thụ năng lượng phi thương mại năm 2004 là 14, 82 triệu tấn dầu qui đổi, chiếm 43% tổng năng lượng tiêu thụ của năm. Nhà nước cần đánh giá đúng mức tầm quan trọng của năng lượng tái tạo và có chính sách quốc gia về năng lượng tái tạo bao gồm hỗ trợ kỹ thuật và thiết bị, tạo điều kiện cho dân vay vốn, có chính sách trợ giá, giảm thuế, thậm chí miễn thuế cho những người sử dụng năng lượng sạch để người dân có thể tiếp cận hơn nữa với năng lượng tái tạo. Cho đến nay công nghệ năng lượng tái tạo còn đắt và người dân nghèo vùng nông thôn, miền núi- nơi có tiềm năng lớn và thuận lợi phát triển năng lượng tái tạo- khó có khả năng mua được công nghệ này.

PV: Ông đánh giá thế nào về vai trò của tư nhân trong việc tạo ra năng lượng, đặc biệt là năng lượng tái tạo?

KS Nguyễn Thường: Các hộ gia đình cũng có thể tạo ra năng lượng để sử dụng như năng lượng từ thuỷ điện nhỏ và cực nhỏ ở miền núi hiện nay hay năng lượng từ pin mặt trời, năng lượng sinh khối. Tương lai sẽ là năng lượng gió. Nếu tư nhân đầu tư vào lĩnh vực này thì tạo ra cạnh tranh và người dân được hưởng lợi. ở nhiều nước phát triển, năng lượng do tư nhân sản xuất không dùng hết có thể bán lại cho Nhà nước với giá khuyến khích. ở Việt Nam, Nhà nước cần qui định rõ về cách thức mua bán và giá cả. Nghĩa là vẫn cần có luật.

PV: Cám ơn ông dành thời gian cho cuộc phỏng vấn.

Nguồn: Dự án ECSME