Thứ sáu, 18/10/2024 | 23:28 GMT+7

Vốn đầu tư cho năng lượng vẫn chủ yếu từ trong nước

28/06/2010

Mỗi năm ngành điện Việt Nam cần đến 5 tỉ đô la Mỹ để đầu tư phát triển nguồn và lưới điện nhưng việc huy động vốn vẫn chủ yếu từ trong nước; trong khi các nhà đầu tư nước ngoài vẫn còn đứng ngoài cuộc vì chính sách và cơ chế để kêu gọi đầu tư vẫn chưa rõ.

Những băn khoăn này được các chuyên gia và giới đầu tư tiếp tục tranh luận tại Hội nghị quốc tế điện năng Việt Nam, diễn ra từ ngày 21 đến 24-6 tại TPHCM do Diễn đàn doanh nghiệp châu Á tổ chức.


Theo ông, Nguyễn Đức Cường, Phó chủ tịch Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia (NPT), nguồn vốn đầu tư còn rất thiếu, chỉ khoảng 750 triệu đô la Mỹ hàng năm, bằng 30% nhu cầu. Do việc đầu tư bằng nội lực là không thể, nên chỉ còn biết trông chờ các nguồn vốn huy động từ phát hành trái phiếu doanh nghiệp, vay nợ, vốn ODA, cổ phần hóa doanh nghiệp trực thuộc và triển khai các dự án điện độc lập.


w405xh305.jpg


Các khoản tín dụng như khoản vay 300-400 triệu đô la Mỹ từ Ngân hàng Thế giới, 2 tỉ đô la Mỹ từ Ngân hàng Phát triển châu Á, cũng chỉ giải quyết được một phần, do vậy nguồn vốn thiếu hụt còn rất lớn.


Trong khi đó, từ bức tranh về thị trường phát triển ngành điện Việt Nam, giới chuyên gia quốc tế và các nhà đầu tư nước ngoài tham dự hội nghị cho biết chính sách giá thấp, cơ chế thu hút đầu tư chưa rõ ràng, môi trường kinh doanh chưa cạnh tranh là những yếu tố khiến họ chưa thể tham gia vào lĩnh vực năng lượng.


Chẳng hạn, đối với các dự án về năng lượng tái tạo, ông Erik Knive, chủ tọa hội nghị, tỏ ra nghi ngờ mức giá điện gió mà một doanh nghiệp Việt Nam đề xuất là 8,5 cent/kWh, vì theo ông, với mức đầu tư cao, để một dự án điện gió có lãi, mức giá ít nhất phải là 10-12 cent/kWh, cao hơn gấp đôi so với mức giá điện bán ra ở Việt Nam hiện nay là 5 cent/kWh. Vì thế, trong điều kiện đó thì thủy điện vẫn là lựa chọn số một về phương diện kinh tế, theo các chuyên gia.


Ông Mai Đình Trung, Phó giám đốc Ban quản lý dự án Điện khí hóa nông thôn và năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương, cho biết hiện nay có khoảng 15 dự án điện gió, nhưng để có thể phát triển loại năng lượng này thì nhà nước buộc phải hỗ trợ một mức giá khá lớn. “Thay vì hỗ trợ cho điện gió, nhà nước có thể sử dụng khoản tiền đó để đầu tư vào các nguồn điện khác thì vẫn có hiệu quả kinh tế hơn”, ông Trung nói.


Chính vì thế, theo một chuyên gia, rất có thể từ nay đến năm 2015, thậm chí năm 2030, sản lượng điện gió cũng chỉ dừng lại ở con số 30 MW, vì loại năng lượng này chỉ được làm ở dạng thí điểm, chưa thể thương mại hóa và về phương diện kinh tế thì thủy điện vẫn là lựa chọn số một.


Hiện nay, các hình thức đầu tư tư nhân vào điện năng ở Việt Nam vẫn chỉ dừng lại ở các dự án BOT, cùng một số dự án thủy điện độc lập, chứ chưa thực sự có một thị trường mở. Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vẫn ở thế độc quyền, chiếm tới 68% tổng lượng điện tiêu thụ, các nhà máy liên doanh với EVN hoặc ngoài EVN cũng chỉ đáp ứng được 28% còn lại.


Theo TBKTSG