Thứ tư, 16/10/2024 | 17:25 GMT+7

Tiết kiệm năng lượng: Động lực cho phát triển kinh tế bền vững

16/10/2024

Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là giải pháp căn cơ để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia cũng như đảm bảo sự phát triển ổn định của nền kinh tế.

Hiệu quả từ công tác truyền thông
Trong những năm gần đây, Việt Nam chứng kiến sự gia tăng nhanh chóng về nhu cầu tiêu thụ điện năng. Điều này chủ yếu do sự phát triển kinh tế mạnh mẽ, đô thị hóa nhanh chóng và sự gia tăng dân số. Cùng với đó, các ngành công nghiệp như sản xuất, chế biến, và dịch vụ cũng đẩy mạnh tiêu thụ năng lượng để đáp ứng nhu cầu sản xuất và kinh doanh. Trước thực tế đó, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là giải pháp cốt lõi để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia cũng như đảm bảo sự phát triển ổn định của nền kinh tế.
Tại Việt Nam, các khung pháp lý về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả được ban hành từ rất sớm. Cụ thể là Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đã được ban hành từ năm 2010, có hiệu lực từ năm 2011. Dưới luật là một hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật như các Nghị định của Thủ tướng Chính phủ, Thông tư của Bộ Công Thương và các bộ ngành cũng được xây dựng và ban hành tương đối đồng bộ và kịp thời để thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả năm 2024 
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đã phê duyệt và tổ chức thực hiện những chương trình mục tiêu quốc gia, Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả qua từng thời kỳ. Một trong các hoạt động được ưu tiên thực hiện trong Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 - 2030 là tuyên truyền, truyền thông nâng cao nhận thức của cộng đồng, doanh nghiệp và toàn xã hội về trách nhiệm và lợi ích của sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả và các giải pháp tiết kiệm năng lượng. 
Thông qua hệ thống chính sách và hoạt động tuyên truyền thực tế đã làm thay đổi nhận thức và hành vi của toàn xã hội. Các doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức chính trị xã hội đã nhiệt tình ủng hộ và hăng hái tham gia vào các cuộc thi, các hoạt động về hiệu quả năng lượng. Một số hoạt động có tính lan tỏa rộng rãi phải kể đến như Cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu kiến thức về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả” do Bộ Công Thương tổ chức, Cuộc thi "Hộ gia đình tiết kiệm điện” do Hội phụ nữ các cấp tiến hành; hay như các hoạt động hưởng ứng Chiến dịch Giờ trái đất,... đều được mọi tầng lớp xã hội tham gia hưởng ứng, đặc biệt là giới trẻ.
Theo đánh giá của Bộ Công Thương, hơn 90% người dân và doanh nghiệp đã được tuyên truyền, phổ biến các biện pháp tiết kiệm năng lượng và đã hiểu được lợi ích của sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Là một trong những tỉnh, thành phố có mức tiêu thụ năng lượng nhiều nhất cả nước với hơn 70% tổng sản lượng điện thương phẩm được dùng cho sản xuất công nghiệp, Bình Dương đã triển khai nhiều giải pháp tuyên truyền tiết kiệm điện và chương trình tiết kiệm điện cụ thể nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng.
Ông Lê Hồng Khanh, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Bình Dương (PCBD), cho biết ngành điện tỉnh Bình Dương đã xây dựng các giải pháp thực hiện tiết kiệm điện, nghiêm túc thực hiện các quy định về sử dụng điện tiết kiệm, kế hoạch tiết kiệm điện hàng năm của đơn vị nhằm đạt mục tiêu đề ra. Cụ thể, PCBD đã phổ biến đến toàn thể cán bộ, công nhân viên và người lao động các quy định pháp luật về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, các văn bản, chỉ thị của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và các quy định, kế hoạch về sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả của đơn vị thông qua các kênh thông tin nội bộ, như: Website, email, bản tin, màn hình hiển thị/niêm yết tại khu vực sinh hoạt chung, phòng, ban, tổ, đội...
Nhân viên ngành điện Bình Dương tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dựng điện tiết kiệm (Ảnh: PC Bình Dương)
Công ty cũng quán triệt đến toàn thể cán bộ, công nhân viên và người lao động thực hành tiết kiệm điện trong tất cả các lĩnh vực hoạt động theo chủ đề năm: “Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí” và đưa nội dung tiết kiệm điện vào chỉ tiêu đánh giá mức độ hoàn thành công việc hàng năm; khen thưởng đối với tập thể thực hiện tốt và kiểm điểm, nhắc nhở các bộ phận, phòng, ban không đạt yêu cầu. 
Ông Nguyễn Thanh Toàn, Giám đốc Sở Công Thương, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo bảo vệ hành lang lưới điện cao áp và tiết kiệm điện tỉnh cho biết nhìn chung việc thực hành tiết kiệm điện trên địa bàn tỉnh đã được các ngành, các cấp quan tâm chỉ đạo thực hiện. Kết quả thực hành tiết kiệm điện trong 6 tháng đầu năm 2024 trên địa bàn tỉnh là gần 191,3 triệu kWh, đạt 56,72% so với kế hoạch năm; tỷ lệ tiết kiệm điện so với sản lượng điện thương phẩm là 2 ,28%.
Thúc đẩy cải tiến công nghệ, thiết bị
Bên cạnh hiệu quả của công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức trong việc sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, nhiều doanh nghiệp công nghiệp trên cả nước đã không ngừng nghiên cứu, thúc đẩy cải tiến công nghệ, thiết bị để tìm ra giải pháp tối ưu nhất nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng.
Những năm qua, Công ty Cổ phần Phân lân nung chảy Văn Điển luôn tập trung đầu tư đổi mới công nghệ, cải tiến dây chuyền sản xuất và ứng dụng khoa học kỹ thuật nhằm giảm định mức tiêu hao nguyên nhiên liệu, năng lượng, giảm phát thải ra môi trường. Cụ thể, công ty đã thay đổi công suất một số động cơ, thiết bị có công suất phù hợp với tính năng, thay đổi kết cấu giảm tốc, giảm tổn thất điện năng, tiết kiệm điện; lắp đặt tụ bù cosφ gần phụ tải để giảm tổn thất đường dây (tiết kiệm 1,5-2,5 kWh/tấn sản phẩm so với định mức).
Dây chuyền sản xuất tại Công ty Cổ phần Phân lân nung chảy Văn Điển 
Đối với hệ thống điện chiếu sáng, công ty đã thay thế 100% bóng đèn Halogen 500-1.000W, bóng đèn cao áp thủy ngân 250-400W, bóng đèn sợi đốt 40-100W, bóng đèn tuýp T5, T8, T10 (20-40W), bóng đèn compact 50W,… bằng bóng đèn tiết kiệm điện LED 100W, 30W, 18W, 12W, 9W…Đồng thời, công ty cũng tăng cường công tác quản lý, nghiên cứu cải tiến công nghệ, thiết bị lò cao để giảm định mức than (tiết kiệm 3 - 5 kg than/tấn sản phẩm so với định mức). 
Đối với công ty Cổ phần Xi măng Quán Triều, mặc dù ngay từ khi thành lập công ty đã sở hữu các công nghệ sản xuất tân tiến nhất hiện nay nhưng trong quá trình hoạt động, doanh nghiệp vẫn luôn quan tâm đến các công nghệ mới giúp tiết kiệm năng lượng trong sản xuất… Trong đó dây chuyền sản xuất tại xi măng tại doanh nghiệp là dây chuyền duy nhất tại Việt Nam và trên thế giới sử dụng đá vôi của quá trình khai thác than làm nguyên liệu sản xuất chính. Việc sử dụng nguồn nguyên liệu này đã giúp tận dụng nhiệt trong đá vôi có lẫn than nên tiêu hao nhiệt của công ty rất thấp.
Dây chuyền sản xuất tại Công ty Cổ phần xi măng Quán Triều
Chia sẻ về việc cải tiến công nghệ, thiết bị trong sử dụng năng lượng, anh Đỗ Thái Học, cán bộ quản lý năng lượng Công ty Cổ phần xi măng Quán Triều cho biết: Trong những năm qua, công ty đã thực hiện nhiều cải tạo về thiết bị sản xuất trong các công đoạn sản xuất xi măng như: Thay thế thiết bị đốt than thế hệ mới có hiệu suất cao hơn tiết kiệm năng lượng than trong nung luyện clinker; Cải tạo máy nghiền nguyên liệu để nâng cao năng suất, tiết kiệm điện; sử dụng chất trợ nghiền để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; hạn chế thiết bị chạy không tải;....
Còn tại Công ty Cổ phần Bia Hà Nội - Hải Dương, việc ứng dụng hiệu quả khoa học công nghệ để tiết kiệm năng lượng cũng được triển khai nhiều năm nay. Một số giải pháp điển hình của doanh nghiệp có thể kể đến như: Cải tạo hệ thống gia nhiệt nước nóng 78oC, giảm thời gian thực hiện quy trình nước ngưng thu hồi về lò hơi từ 8 giờ còn 4 giờ; Thay đổi tốc độ máy thổi khí xử lý nước thải giúp tiết kiệm điện được 38.448 kWh/ năm; Nâng nhiệt độ vào bột nồi hồ hóa từ 50ºC lên 60ºC giúp tiết kiệm 6,9 tấn than/năm và 482.443 kWh điện/năm. Tách 2 dàn hóa hơi cấp CO2 tinh khiết hoạt động độc lập, giúp tiết kiệm 1.728 kWh điện/năm. Thay thế đèn sợi đốt, đèn huỳnh quang bằng đèn LED. Lắp đặt biến tần cho máy sục khí nước thải tiết kiệm 72.560 kWh điện/năm;... 
Công ty Cổ phần Bia Hà Nội - Hải Dương sử dụng biến tần để tiết kiệm năng lượng
Tiết kiệm năng lượng không chỉ là một hành động cần thiết để bảo vệ môi trường, mà còn là động lực quan trọng cho sự phát triển kinh tế bền vững. Việc sử dụng năng lượng hiệu quả giúp giảm chi phí sản xuất, tăng cường sức cạnh tranh cho doanh nghiệp và tạo ra nhiều cơ hội việc làm trong các lĩnh vực xanh. Hơn nữa, tiết kiệm năng lượng còn góp phần giảm thiểu ô nhiễm và bảo tồn nguồn tài nguyên thiên nhiên, từ đó đảm bảo sự phát triển bền vững trong tương lai.
Ngày 25/9/2024, Bộ Công Thương phối hợp với Hội Khoa học và công nghệ sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả Việt Nam (VECEA) tổ chức Lễ phát động “Giải thưởng Hiệu quả năng lượng trong công nghiệp - công trình xây dựng năm 2024; Giải thưởng Sản phẩm hiệu suất năng lượng cao nhất năm 2024”.
Đây là các giải thưởng Hiệu quả năng lượng được tổ chức thường niên nhằm ghi nhận, tôn vinh những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, những công trình xây dựng tiêu biểu trong việc thực hiện các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Đồng thời, thúc đẩy, khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện giải pháp quản lý và công nghệ tiên tiến nhằm đưa ra thị trường các sản phẩm có tính năng kỹ thuật vượt trội, hiệu suất năng lượng cao, tiết kiệm năng lượng. 
Minh Khuê