Thứ bảy, 04/05/2024 | 18:49 GMT+7

IAEA hỗ trợ hiệu quả Việt Nam phát triển năng lượng nguyên tử

28/12/2015

Việt Nam cũng là quốc gia đầu tiên hợp tác với IAEA xây dựng và triển khai Kế hoạch tích hợp phát triển cơ sở hạ tầng điện hạt nhân

Hoạt động hợp tác giữa Việt Nam và Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) đã được đẩy mạnh từ những năm 2000. Thông qua các dự án hợp tác, IAEA đã góp phần quan trọng trong việc xây dựng năng lực và thúc đẩy nghiên cứu, phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử của Việt Nam.

Ký kết hợp tác trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử giữa Việt Nam - IAEA.

Theo Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Khoa học và Công nghệ, trong nhiều năm qua, IAEA thông qua các dự án hợp tác kỹ thuật (TC-VIE) đã viện trợ cho Việt Nam mỗi năm trung bình khoảng 6-7 dự án với tổng kinh phí vào khoảng 1 triệu USD/năm tập trung vào các lĩnh vực an toàn, an ninh hạt nhân, ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình trong y tế, nông nghiệp, công nghiệp, bảo vệ môi trường…

Để tạo cơ sở pháp lý cho việc triển khai các dự án hợp tác kỹ thuật, Việt Nam và IAEA đã 2 lần ký khung chương trình quốc gia hợp tác trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử (giai đoạn 2003-2008 và giai đoạn 2010-2015). Sự hợp tác và hỗ trợ của IAEA đã góp phần quan trọng vào việc phát triển cơ sở hạ tầng, từng bước hoàn thiện hệ thống luật pháp, đào tạo nhân lực, tăng cường năng lực nghiên cứu - triển khai trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử của Việt Nam trong giai đoạn vừa qua.

Cụ thể, thông qua quá trình hợp tác với IAEA, Việt Nam đã tăng cường năng lực cho Phòng thí nghiệm chuẩn đo liều bức xạ và Phòng an toàn hạt nhân tại Viện Khoa học kỹ thuật hạt nhân, các phòng thí nghiệm thăm dò và xử lý quặng tại Viện Công nghệ xạ hiếm. Chuyển đổi thành công nhiên liệu làm giàu cao sang nhiên liệu làm giàu thấp cho Lò nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt. Ứng dụng hạt nhân trong chuẩn đoán, khám và chữa bệnh như phương pháp chiếu xạ LDR – HDR để chữa trị bệnh ung thư cổ tử cung, ứng dụng máy PET tại các cơ sở y tế, kỹ thuật chụp cắt lớp vi tính bằng tia X...

Cũng thông qua việc hợp tác với IAEA, Việt Nam đã sản xuất được nhiều giống lúa đột biến bằng chiếu xạ có thời gian sinh trưởng ngắn, năng suất, chất lượng cao, chống chịu sâu bệnh và điều kiện bất lợi của môi trường như giống DT10, giống VND95-20...

Đặc biệt, kể từ khi Chính phủ Việt Nam bắt đầu tích cực triển khai chương trình phát triển điện hạt nhân, IAEA đã chú trọng tài trợ cho nước ta các dự án nhằm giúp đỡ triển khai chương trình điện hạt nhân của Việt Nam như: xây dựng cơ sở hạ tầng điện hạt nhân, xây dựng năng lực cơ quan pháp quy hạt nhân phục vụ việc quản lý nhà máy điện hạt nhân đầu tiên… Trong năm 2012 và 2013, các chuyên gia của IAEA đã tích cực phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ rà soát và sửa đổi Luật Năng lượng nguyên tử Việt Nam, trong đó có các nội dung liên quan đến cơ quan pháp quy, thanh tra, ứng phó sự cố, bồi thường thiệt hại hạt nhân và lên chính sách đào tạo nhân sự về điện hạt nhân.

Đồng thời, thời gian qua, IAEA đã cử khoảng 80 đoàn chuyên gia đến hỗ trợ Việt Nam, trong đó có các Đoàn công tác Đánh giá tích hợp cơ sở hạ tầng điện hạt nhân (INIR) đến làm việc với các Bộ ngành và địa phương liên quan của Việt Nam để đánh giá hiện trạng cơ sở hạ tầng của Việt Nam. Theo kết luận của IAEA, Việt Nam đã đạt nhiều tiến bộ trong việc phát triển cơ sở hạ tầng điện hạt nhân và chỉ ra các vấn đề trọng tâm trong phát triển cơ sở hạ tầng điện hạt nhân đối với Việt Nam.

Hiện nay, hợp tác giữa Việt Nam và IAEA đang có những bước phát triển mới. Hai bên mong muốn mở rộng và tăng cường quan hệ hợp tác trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử, đặc biệt là điện hạt nhân. Ngày 2/11/2015, tại trụ sở IAEA, Viena - Áo, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ - Phạm Công Tạc và ông Dazhu Yang - Phó Tổng Giám đốc IAEA đã ký khung chương trình quốc gia hợp tác trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử giai đoạn 2016 - 2021. Việc ký kết hợp tác giữa Việt Nam và IAEA giai đoạn 2016-2021 là một yêu cầu pháp lý cần thiết cho việc tiếp tục triển khai hiệu quả quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và IAEA về phát triển và sử dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình; đồng thời góp phần thúc đẩy hợp tác với các quốc gia thành viên của IAEA, đặc biệt là các quốc gia có công nghệ hạt nhân tiên tiến.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng là quốc gia đầu tiên hợp tác với IAEA xây dựng và triển khai Kế hoạch tích hợp phát triển cơ sở hạ tầng điện hạt nhân (IWP). Kế hoạch IWP giai đoạn 2016-2020 sẽ tập trung vào 10 nội dung ưu tiên như phát triển nguồn nhân lực, hoàn thiện khung pháp lý và pháp quy, thông tin tuyên truyền, tài chính dự án, đảm bảo an toàn và an ninh hạt nhân, ứng phó sự cố, hoàn thiện hệ thống quản lý ... Mục tiêu của kế hoạch IWP là phát triển đồng bộ, toàn diện cơ sở hạ tầng điện hạt nhân phù hợp với hướng dẫn của IAEA và thực tiễn Việt Nam, đáp ứng yêu cầu triển khai Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận đảm bảo an toàn, an ninh và hiệu quả.

 Theo: Báo Công thương